Ngay từ khi mới trấn nhậm Đàng Trong, chúa Nguyễn đã nhận thấy Biển Đông không chỉ là nơi có nhiều báu vật mà còn có vị trí chiến lược quan trọng nên từ đầu thế kỷ 17 đã tổ chức đội Hoàng Sa để khai thác tài nguyên và thực thi chủ quyền trên vùng biển này.
Thực thi chủ quyền
Đội Hoàng Sa của Dinh Chiêm là một tổ chức dân binh, vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa tư nhân vừa Nhà nước, vừa có chức năng kinh tế vừa có chức năng quản lý biển đảo. Đội Hoàng Sa tuyển người của các thôn xã ở cửa biển Sa Kỳ và các phường trên đảo Lý Sơn. Trong sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã chép: “Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía Đông - Bắc có nhiều cù lao… Trong đảo có Bãi Cát Vàng dài, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn… Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này... Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy”.
Khi mới thành lập, Đội Hoàng Sa có 5 thuyền 70 người, đến cuối thế kỷ 17, số lượng thuyền của đội Hoàng Sa đã tăng lên đến 18 chiếc. Trực tiếp chỉ huy đội Hoàng Sa là một Cai đội, đó là một vị quan lớn, thường được phong tước “Hầu” như cai đội Thuyên Đức Hầu, Hội Đức Hầu, Phú Nhuận Hầu. Đội Hoàng Sa có thể xuất phát từ Cù Lao Ré hay cửa biển Sa Kỳ để ra khơi nhưng cửa biển Sa Kỳ là bến chính thức theo quy định. Tại bến nay vẫn còn di tích Vườn Đồn, và gần đó xưa kia có miếu Hoàng Sa thờ một bộ xương cá voi tương truyền được mang từ quần đảo Hoàng Sa về. Các quân nhân trong đội Hoàng Sa trước khi ra đi thường làm lễ tế thần linh ở miếu Hoàng Sa cầu mong được phù hộ để vượt qua hiểm nguy, hoạn nạn. Miếu đã bị phá hủy từ lâu, còn bộ xương cá voi được đưa về thờ tại Lăng Chánh cạnh miếu.
Nhiệm vụ của đội Hoàng Sa là thu lượm hàng hóa của các con tàu bị đắm (gươm, súng, vàng bạc, đồ đồng, thiếc, chì...) và các hải sản quý (ốc, hải sâm, vỏ đồi mồi, vỏ hải ba...); kiểm soát, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hàng năm cứ tháng 2, dân binh của đội Hoàng Sa nhận giấy sai đi và tháng 8 thì về đất liền, phải đưa thuyền thẳng vào cửa Eo đến thành Phú Xuân trình báo, nộp sản phẩm và lĩnh bằng.
Về sau, khi tìm ra nhiều đảo san hô ở Biển Đông, đội Hoàng Sa không thể bao quát hết nên chúa Nguyễn đã cho thành lập đội Bắc Hải, cũng có chức năng nhiệm vụ như đội Hoàng Sa và giao cho Đội Hoàng Sa kiêm quản. Đội Hoàng Sa hoạt động chủ yếu ở vùng biển và hải đảo ngang với khu vực Lý Sơn và ngược lên phía Bắc. Đội Bắc Hải phụ trách vùng biển đảo phía Nam, từ Trường Sa đến Hà Tiên.
Hùng binh Hoàng Sa
Sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long liền cho tái lập các đội Hoàng Sa và Bắc Hải và các đội này đã hoạt động hiệu quả trong hơn mười năm đầu của thế kỷ 19. Nhưng do yêu cầu mới của đất nước, vua Gia Long đã từng bước tích hợp dần các đội Hoàng Sa và Bắc Hải vào đội Thủy quân, biến các đội bán quân sự này thành lực lượng quân sự chính quy với trang bị tàu thuyền, vũ khí hiện đại hơn và tổ chức kỷ luật chặt chẽ. Tuy thế vai trò, vị trí và chức năng của đội Hoàng Sa không hề bị mất đi mà càng được nâng cao trong cơ cấu tổ chức mới của đội Thủy quân hoạt động ở vùng biển đảo.
Năm 1816, vua Gia Long đã sai người đến Hoàng Sa và kéo cờ An Nam lên đó để xác lập chủ quyền. Tháng 3.1816 vua Gia Long sai đội Thủy quân phối hợp với đội Hoàng Sa làm công tác xem xét, đo đạc thủy trình vùng quần đảo Hoàng Sa, du thám, trình báo về các bọn thổ phỉ ngoài biển (Đại Nam thực lục, NXB Giáo dục, 2002, T1, trang 922).
Vua Minh Mạng còn chú trọng nhiều hơn việc quản lý biển đảo nên cho tiến hành rất nhiều việc như vãng thám, kiểm tra, khai thác hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ để lưu dấu ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết. Những việc này vua sai các đội Thủy quân, Vệ giám thành và dân phu thi hành rồi báo cáo về cho Bộ Công.
Từ thời Minh Mệnh vai trò và chức năng của đội Hoàng Sa đã được chuyển sang cho đội Thủy quân. Tuy nhiên nguồn cung cấp nhân lực chủ yếu vẫn là quê hương đội Hoàng Sa. Phạm Quang Ảnh, sau khi đội Hoàng Sa không còn hoạt động, đã trở thành người chỉ huy đội Thủy quân và tiếp tục phục vụ ở Hoàng Sa và Trường Sa. Suất đội Thủy quân Phạm Hữu Nhật, Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên, Suất đội Thủy sư Phạm Văn Biện và những người dẫn đường nổi tiếng Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, Đặng Văn Siểm... thông thạo biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa như trong lòng bàn tay, đều là những người con ưu tú của An Vĩnh, An Hải. (Theo Nguyễn Quang Ngọc, Đội Hoàng Sa, biendong.net).
Những chuyến đi ra đảo thường gặp nhiều nguy hiểm, rủi ro: thời tiết khắc nghiệt, sóng to, gió lớn, bão tố có thể nhấn chìm những chiếc ghe mỏng manh của họ không biết lúc nào nên các dân binh của đội Hoàng Sa ai cũng hiểu rằng họ phải thường xuyên đối diện với cái chết, vì thế mà hành trang của họ ngoài lương thực, nước uống họ còn mang theo một đôi chiếu, 7 sợi mây và 7 cái nẹp tre để nếu chẳng may bị chết thì bó lại rồi thả xuống biển kèm theo chiếc thẻ tre nhỏ ghi tên tuổi, quê quán, phiên hiệu đơn vị của người mất, được cài kỹ trong bó chiếu để may mắn xác trôi dạt vào bờ, vớt được thì thân nhân mới biết mà nhận.
Hiện nay trong dân gian ở vùng Sa Kỳ và đảo Lý Sơn còn lưu truyền nhiều câu ca nói về những gian lao, bất trắc của người dân binh đội Hoàng Sa thời bấy giờ: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn. Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”, “Hoàng Sa trời nước mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về”, “Mãn mùa tu hú kêu thanh. Cá chuồn đã vãn mà anh chưa về”…
Đội Hoàng Sa của Dinh Chiêm là một tổ chức độc đáo thời chúa Nguyễn đã thực thi chủ quyền của Đại Việt ở Biển Đông và hải đảo. Những dân binh của đội Hoàng Sa gan dạ, dũng cảm sẵn sàng đối mặt với phong ba bão tố để canh giữ những quần đảo xa xôi của Tổ quốc. Dù biết “Hoàng Sa đi có về không” và “chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây” nhưng họ vẫn “quyết lòng ra đi” và coi đó là sứ mệnh thiêng liêng được giao phó. Họ quả là những người “Trung can huyền nhật nguyệt/ Nghĩa khí quán càn khôn” (Lòng trung sánh ngang mặt trăng, mặt trời/ Nghĩa khí bao trùm cả trời đất) đúng như đôi câu đối thờ ở nhà thờ Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh ở huyện đảo Lý Sơn.