Đứa con mà chị Alăng Đhon sinh ra trong cái đêm cả làng Z’lao (xã Dang, huyện Tây Giang) phải đốt đuốc khiêng chị đi xuyên đêm xuống bệnh viện huyện nay đã hai mươi mốt tuổi, cánh võng dùng để khiêng người ốm rời làng cũng đã dùng suốt hai mươi năm. Tăm tối, cơ cực, thiếu điện dù ở ngay bên hồ thủy điện A Vương, thẻ bảo hiểm dành cho hộ nghèo nhiều năm nay vẫn sử dụng ở… huyện Đông Giang khi trung tâm huyện Tây Giang cách quãng đường xa ngái với người làng…
1. Chuyện kéo dài tới năm 2019, thời điểm Z’lao vẫn còn là “làng bốn không”, thôn duy nhất của xã Dang chưa có mặt bằng mới. Nước hồ thủy điện biến Z’lao thành ốc đảo bên kia suối K’dinh. Mùa nắng chỉ có thể đi bộ. Mùa mưa, những chiếc thuyền tôn mỏng manh, nhỏ như lá chở người, bao phen lật úp giữa dòng, may mắn là dân làng quen với suối, với hồ nên không ai mất mạng.
“Thôn không có trường mầm non, trẻ con học lớp ghép tiểu học, đến cấp hai thì ra bán trú nơi trung tâm xã. Hồi đó đi lại cực lắm. Bứt được sợi mây, lấy được ít mật ong rừng cũng phải mất cả ngày đường cõng xuống phía Đông Giang đổi muối, mì chính, rồi đi bộ cả ngày về lại. Khổ nhất là có người đau phải đưa đi cấp cứu, trai tráng cả làng thay nhau khiêng, lấy nứa khô bó lại đốt làm đuốc. Làng cách trung tâm huyện Tây Giang hơn ba mươi cây số, đường được mở nhưng mãi vẫn chưa đến làng, xe máy phải để ở bìa rừng rồi đi bộ. Lúc nào cần lắm bà con mới ra ngoài, cứ quanh quẩn ở làng” - Bhling Ngói - Phó Ban nhân dân thôn, trước đây từng là trưởng thôn Z’lao kể lại.
Nơi chúng tôi ngồi với Ngói là căn nhà bếp vừa được dựng lại nơi mặt bằng mới. Nhà chính đã dựng cột, lợp tôn rồi… để đấy, vì thiếu ván ghép. Cũng chẳng hề gì, bếp lửa đỏ đủ để khẳng định sự tồn tại của một gia đình, như lệ thường vẫn vậy. Ngói nói, cuộc sống chỉ thực sự khác đi, mới đi, từ tháng 7.2019, khi mặt bằng Z’lao được hoàn thành.
Bà con lũ lượt cùng nhau dời từng căn nhà, dỡ từng cây cột, tấm ván để đưa xuống mặt bằng mới. Cách làng cũ chỉ chừng vài trăm mét, nhưng cũng đủ tạo ra một cuộc “cách mạng” nơi Z’lao: không chen chúc chật chội, nhà cửa khang trang, vệ sinh hơn. Quan trọng là đường đã thông, thôi cảnh cả làng thay nhau gánh võng, thứ gì kiếm được thì đổi, bán cũng dễ dàng hơn so với trước. Với người làng, những mong cầu chỉ giản đơn thế thôi, nhưng họ đã chờ 20 năm, thậm chí còn nhiều hơn, lâu hơn thế.
2. Thầy giáo Abing Hương có 2 năm dạy ở làng cũ Z’lao, trong một lớp ghép tiểu học dựng tạm bợ nơi làng cũ. Hương nhớ, trước năm 2019, mỗi lần trở về điểm trường phải đi bộ suốt 4 tiếng đồng hồ.
“Lớp học nhỏ xíu, sơ sài lắm. Bà con lấy cây rừng về dựng một cái nhà sàn, lũ trẻ ngồi học trên đó mà mùa đông rét run vì gió lùa qua khe. Mình ở lại trong căn nhà sàn làm lớp học ấy, mua được gì mang vào thì để dành ăn, đến khi hết, bà con cho gì thì nấu nấy, có khi là rau, măng, có khi là cá khô. Mùa mưa, mình ở lại làng cả mấy tháng trời, không ra ngoài được vì đi đường cực quá. Nhưng cực mấy cũng được, chỉ thương mấy đứa nhỏ. Bây giờ, điểm trường mới được xây rồi, có cả lớp mầm non, chứ ngày trước bọn trẻ học thẳng lên lớp 1. Lớp học đẹp, sạch, kín gió, bọn trẻ nhiều khi thích ở trường hơn cả ở nhà” - Hương kể.
Chỉ vỏn vẹn 7 học sinh trong lớp ghép 1 và 2 duy nhất của Hương. Ngay bên cạnh, là một lớp học được xây y hệt, dành cho 8 trẻ mầm non của cô giáo Y Lan Thị Ly, giáo viên trường Mẫu giáo xã Dang. Bọn trẻ học đến lớp 3 trở lên là được gửi đi ra điểm trường xã, nơi đã tổ chức bán trú. Ngoài cửa lớp, lũ trẻ vẫn quẩn quanh bên đống gạch chất cao, bày biện đủ thứ trò chơi, chờ tới giờ vào lớp.
Những đôi mắt Cơ Tu trong veo, thăm thẳm màu núi, như hút lấy ánh nhìn của người đối diện, cất cả đại ngàn trong đáy mắt. Lũ trẻ sẽ bước ra khỏi làng, nhanh thôi, đi theo con chữ, nơi chúng được lo lắng đủ đầy hơn một chút, bớt cơ cực đi một chút. Như lớp học mới của chúng ở làng bây giờ, so với trước, đã ấm hơn, đẹp hơn trước rất nhiều rồi…
“Bọn nhỏ thích đi học lắm. Tan học, ăn cơm xong là nó ào lên trường, chơi ở quanh, chờ cô gọi là vào lớp. Cuối tuần là chúng nó ra tận đầu làng ngóng, đợi thầy cô vào lại trường” - Y Lan Thị Ly tâm sự.
3. Những tính toán của chính quyền để an cư cho dân Z’lao thực ra đã dự định sớm hơn nhiều so với thời điểm cả làng bắt đầu rời đi, nhưng do những cách trở của đường sá, địa hình mà mãi đến tháng 7.2019, mặt bằng Z’lao mới hoàn thành, là mặt bằng cuối cùng trong số 7 thôn của xã Dang.
Chủ tịch UBND xã Dang - ông Hôih Danh nói, cuộc sống ở Z’lao nằm ở mức... tạm bợ từ nhiều năm, khi làng cũ chưa được sắp xếp lại. Không chỉ nghèo đói, nhiều hủ tục bủa vây đời sống bà con, công tác thông tin, vận động cũng gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù nằm cách biệt, cô lập của Z’lao.
“Bên cạnh việc triển khai các bước để tìm kiếm vị trí, xây dựng mặt bằng cho dân, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để vận động người dân ủng hộ chủ trương dời làng, sắp xếp lại dân cư nơi làng mới. Bà con hiến đất, giúp nhau dời nhà, dựng nhà, đến nay 48 hộ ở Z’lao đã cơ bản dựng được nhà mới, chỉ còn vài hộ chưa hoàn thiện do chủ trương cấm khai thác gỗ, bà con đang tìm vật liệu thay thế. Nước sinh hoạt đã ổn định hơn trước rất nhiều, đường ô tô cũng đến tận làng.
Điều đáng mừng nhất, là bà con về nơi mới đã thay đổi tư duy, giữ vệ sinh nhà cửa, nơi ở, không thả rông heo, gà như trước. Lẽ ra, điện đã về với Z’lao, nhưng mùa mưa lũ năm ngoái khiến đường sá sạt lở, một số vị trí xây dựng trụ điện để kéo điện theo dự án của Sở Công Thương bị ảnh hưởng nên công trình vẫn chưa hoàn thành. Phía đơn vị thi công đang khôi phục xây dựng, phấn đấu cấp điện cho người dân trong năm nay” - ông Danh thông tin.
Sau những đợi chờ, cuộc sống người Z’lao hẳn đã rộn ràng hơn với những đổi khác của làng mình. Một cây cầu bê tông kiên cố thay cho cây cầu treo cũ cũng vừa đổ móng trụ, những điều mới mẻ lặng lẽ xóa dần đi cơ cực nơi “ốc đảo” Z’lao. Chúng tôi gặp ông Alăng X’léc ở ngay đầu làng, nơi xe xúc, xe trộn bê tông ầm ào hoạt động chỗ cây cầu mới. Khoảng mười bó mây được ông già cột chặt, chờ thương lái tới chở. Ông già chỉ vào con đường, bảo rằng không có đường xe chở, chắc chừng ni mây thành… rượu đổ vô bụng già rồi.
“Ngày trước, bán mây phải cõng xuống chỗ Đông Giang, bán được một bó thì mỏi chân quá, mua rượu uống, về không còn được mấy nghìn. Chừ thì khỏe quá, ngồi chờ họ vô mua” - ông già cười phớ lớ.
Chưa xa những tranh cãi của một thời, giữa bên ủng hộ chủ trương sắp xếp dân cư thành làng tập trung ở miền núi, và bên kia dấy lên lo ngại về việc tác động vào không gian sống của làng, của rừng. Hình như vẫn chưa có một hồi kết rõ ràng cho những tranh cãi, khi mỗi địa phương, mỗi vùng vẫn tự chọn cho mình một cách làm khác, nhưng ở đây, nhìn vào những niềm vui tưởng chừng bé mọn của người Z’lao, nhìn vào cái cười phớ lớ của ông lão bứt mây đầu làng, hẳn đã phần nào thấy được cái mà họ mong chờ. Đổi thay cuộc sống, đổi thay tư duy, tập tính của đồng bào, nếu không bắt nguồn từ những điều bé mọn ấy, thì sẽ là gì?
Chưa hết cái se sắt lạnh của mùa, sương còn giăng mù góc núi. Nhưng góc bếp đã ấm hơi người, nơi làng mới Z’lao. Làng mới, chỉ còn chờ ngày sáng bừng ánh điện…