Đối mặt bóng tối

LÊ THANH 27/02/2020 10:10

Một chi tiết của vị lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh đưa ra trong cuộc họp mới đây về ứng phó dịch Covid-19, có thể cho một hình dung khá rõ ràng về sự khó khăn mà lực lượng y tế phải đối diện nếu dịch bệnh bùng phát. Ấy là để điều trị một bệnh nhân mắc viêm phổi do Covid-19, cần đến 12 nhân viên y tế mỗi ngày, trong thời gian trung bình 20 ngày (báo Tuổi Trẻ 25.2.2020). Vị chi mỗi ca bệnh ngốn khoảng 240 ngày làm việc của các y bác sĩ.

Đó chỉ là nói về “cường độ” công việc. Trong những ngày bình thường, bệnh viện và đội ngũ y tế nhiều nơi vốn đã quá tải lắm rồi. Thôi thì quen rồi, lỡ có phải đối phó thêm vài con virus Corona mới, đội blu trắng chắc không đến mức phải chịu thúc thủ đâu.

Nhưng cơn đại dịch toàn cầu này không phải buộc người ta nhọc mệt đến thể xác mà thôi. Bước vào vòng thao túng của dịch bệnh, người y sĩ đồng thời phải xác nhận một thái độ hy sinh, không khác mấy kẻ chiến binh ôm súng ra chiến trường. Ly biệt người thân, tự cách ly mình trong môi trường công việc lâu dài và căng thẳng, và chấp nhận một xác suất lây nhiễm lớn. Ở vùng tâm dịch Hồ Bắc, hàng ngàn y sĩ đã trở thành bệnh nhân, hàng chục người chết vì suy kiệt và bị lây nhiễm. Chưa bao giờ mức độ rủi ro trong nghề y lại ghê gớm như những ngày đại dịch này.

Việt Nam chưa phải đối diện với cơn dịch đến mức độ như ở Trung Quốc. Nhưng không vì vậy mà sự đe dọa kém phần đáng sợ. Trong khi cả thiên hạ tự phòng lấy thân, cách ly tránh né nhau, thậm chí còn dậy lên những làn sóng kỳ thị đối với người “có nguy cơ” mắc bệnh… Thì những người mang blouse trắng lại xúm xít quanh những con bệnh mỗi ngày, một sơ sẩy rủi ro đều có thể mang sinh mạng mà đánh đổi.

Học sinh có thể nghỉ học, công nhân có thể đình công để yêu cầu an toàn, nhân viên công sở có thể làm việc online... Ai ai cũng có thể quyết định tách mình khỏi những giao tiếp kém an toàn. Nhưng những nhân viên y tế, họ không thể lựa chọn như vậy. Như người lính trận, như người cứu hỏa, họ thiết lập nên một đội tiên phong trên trận tuyến chống đại dịch.

Trận tuyến ấy không có tọa độ, không có tiêu mốc khói lửa gì để nhận diện hết. Nó chỉ là những triệu chứng đôi khi “hàm hồ” như một cơn sốt, vài tiếng ho, hay là im thin thít để bất ngờ tập kích một trận tơi bời hoa lá. Một con bệnh ủ có thể kéo theo hàng chục, hàng trăm ca bệnh khác. Những y bác sĩ đối diện với con virus Corona cũng như anh lính gác dưới ngọn đèn, dõi mắt vào đêm tối mênh mông mà không biết đối phương sẽ bắn từ hướng nào. Vừa giành giật từng sinh mạng của bệnh nhân vừa đánh cược cả sinh mạng mình quanh những giường bệnh.

Nghề nghiệp nào cũng có điều cao quý. Ngày 27.2 năm nay, ngày tôn vinh nghề y Việt Nam, các y bác sĩ đang đối diện với thách thức có lẽ chưa từng có trong đời. Nhưng đó cũng là khi họ trình diễn sự cao quý nghề nghiệp mà không cơ hội nào có thể tạo dựng được đến vậy.

Và để tuyên dương, đồng hành với đội ngũ cao quý ấy, điều thiết thực nhất mỗi người có thể làm là hãy giữ mình thật an toàn. Đó chính là giúp giảm bớt sức nặng đe dọa trên vai mỗi y bác sĩ, họ đã mang nặng lắm rồi!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đối mặt bóng tối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO