Ông dắt tôi đi dọc ngang Cồn Doi (phường Cửa Đại, TP.Hội An), nói về cồn bị sạt lở mà nghèn nghẹn nơi cổ họng, mắt dáo dác như tìm kiếm thoải cát xưa - nơi mà ông gắn bó từ lúc chập chững những bước đi đầu tiên đến giờ. Là một lão ngư chân chất, nhưng ông “phá chấp” để cứu người, rồi tham gia du lịch từ lúc nghề này còn rất mới nữa...
Ông Trúc kiếm tìm Cồn Doi của ngày cũ. Ảnh: XUÂN THỌ |
Một chiều ngồi nghĩ lại, sau gần cả đời người bấu chặt với nơi này, ông Mai Văn Trúc (71 tuổi, khối Phước Hải, phường Cửa Đại) mới hay rằng đấy đâu phải chỉ là chuyện mưu sinh…
1. Mấy hàng quán nơi bến cửa biển Cửa Đại trong mấy ngày mưa bão, hắt hiu khách. Dưới mấy hàng dương còn dấu xác xơ sau cơn mưa bão trước, ông Trúc ngồi rít từng hơi thuốc, trong khi mắt vẫn dõi miết về hướng Cồn Doi. Rồi nhìn tôi: “Đi, mình đi ra đó nhé, xót lắm”, khi tôi vừa kịp cất lời hỏi thăm ông. Với đôi tay tài ba của lão ngư dạn dày kinh nghiệm, chiếc thúng chai nhanh chóng dứt bờ, đi về phía Cồn Doi. Ông Trúc bảo, nơi này, trước ảnh hưởng bão số 12 và cơn lũ lụt vừa rồi, đi bộ ra được; trước đó nữa, xe ô tô chạy qua vô tư. “Mà bây chừ, con thấy đó, chúng ta phải dùng thúng chai bơi qua. Còn đường nối ra cồn, đã bị sóng mang đi mất rồi, chừ chắc cũng chìm sâu dưới nước ba, bốn mét chớ chẳng ít đâu” - ông nói như giải thích.
Càng đến gần, sự xác xơ của Cồn Doi càng hiện rõ. Tôi trộm nhìn, trong đáy mắt ông những phản chiếu long lanh. Rồi theo ông đi dọc quanh cồn, nhìn những vạt đất sạt lở, những gốc dương liễu trơ ra, nhiều lúc vô tình thấy đôi mắt ông như ướt nhèm. Ông kể về Cồn Doi, như kể về ký ức đời mình. Ông bà ngoại ông chọn nơi này để cắm đất mưu sinh, đến cha mẹ ông và rồi vợ chồng ông cùng với ba người anh em. Những thế hệ ấy, họ sống bằng nghề cất vó, kéo lưới và đi câu ở gần đấy. “Nhưng sao không là một nơi khác, mà cứ phải là chỗ này?” - tôi hỏi. Ông cười thủng thẳng: “Tôi chỉ đơn thuần là theo dấu ông bà cha mẹ thôi. Chẳng biết sao, chỉ biết là từ độ ấy đến nay, không thể dứt ra khỏi nơi này được”.
Ông Trúc sửa sang lại mái lều ở Cồn Doi. |
Rồi ông bóp trán, như chợt nhớ ra điều gì, buột miệng: “Ông ngoại tôi chết ở đây”. Hồi đó, Cửa Đại là vùng giặc Pháp chiếm đóng. Ông ngoại của ông Trúc là bộ đội, đi làm nhiệm vụ, chẳng may bị Pháp giết, tại Cồn Doi. Sau này, khi lớn lên, ông Trúc tham gia binh vận của Đặc khu Quảng Đà.
2. Chúng tôi tiếp tục đi dọc cồn về phía bắc, vấp phải dây thừng, ông miết tay theo đoạn dây đó, từ trên bờ đến khúc chìm sâu dưới nước, mà bảo rằng nhà của em mình đã chìm sâu xuống đó, sau đợt lũ vừa rồi. Ở nơi này độ chừng một thập kỷ trước, may mà nhờ ông Trúc, chứ không là không biết bao nhiêu mạng người nữa rời bỏ dương gian. Ông không nhớ chính xác năm nào, chỉ mang máng là cách đây vài năm thôi. Nhưng chắc như đinh đóng cột rằng, đó là lúc gần trưa của một ngày đầu tháng mười một. Vừa cơm nước xong, chuẩn bị nghỉ trưa thì ông nhận được điện thoại từ con trai đang đi du lịch ở nơi xa. Qua điện thoại, con trai ông bảo nghe nói có tàu chìm ở Cồn Doi. Ông cười phây phẩy: “Làm chi có mi. Có tau biết chớ”. Cúp máy!
Nhưng rồi với linh tính của một ngư dân dạn dày, cộng thêm những kinh nghiệm đúc kết được sau vài chục năm sống ở Cồn Doi, ông bật dậy chạy đi dòm ngó. Một chiếc tàu chở phần lớn là bộ đội, đang bị chìm, người người tán loạn bơi, hốt hoảng vẫy vùng tìm sự sống. Những hình ảnh ấy vừa đập vào mắt, ông biết mình phải làm gì. “Tôi chạy ngược về phía nhà của mình để lấy dây thừng, đồng thời la lớn cho đám thanh niên, bà con trong kia nghe để chạy ra ứng cứu, chớ một mình tôi thì làm sao xuể, tàu chở mấy chục mạng người chớ ít na” - ông Trúc nhớ lại. Và, trước khi người dân ra góp sức ứng cứu, ông Trúc cứu được hai hay ba người chi đó mà ông không nhớ rõ, vì lúc ấy đang hoảng.
Ông chỉ nhớ rằng, khi thanh niên ra, ông hướng dẫn họ cột dây thừng vào dương liễu, rồi bơi ra cứu người. Nỗ lực không biết mệt trong cơn hoảng loạn tột cùng ấy, đã giữ lại mạng sống của hàng chục người. Vậy mà, mấy ngày sau nữa, không khí tang thương vẫn còn bao trùm nơi này, khi công cuộc tìm kiếm xác nạn nhân chưa kết thúc. Sau này, ông mới biết tàu đó bị chìm là do gãy lái, trong lúc ngược sóng gió vì bão! Tôi cố thuyết phục ông kể thêm nữa về chuyện này, nhưng ông gạt đi: “Biết rứa được rồi, chuyện nghĩa ở đời mà, vả lại đâu chỉ riêng tôi cứu người đâu”. Lang thang dò hỏi mới biết, hồi ông ngoại của ông, rồi đến cha ông, đã không ít lần cứu người gặp nạn ở Cồn Doi. Có lẽ, máu nghĩa hiệp đã thấm sâu trong huyết quản ông, từ đấng sinh thành, nên ông bỏ qua chuyện mê tín hên - xui. Ông bảo, nghĩa tử là nghĩa tận mà, huống chi, đâu ai muốn mình chết thảm như vậy. Còn chuyện hên - xui là… hên xui, thế thôi!
3. Theo thời gian, hoặc trong không gian sống như thế, dần dà những điều mà ông Trúc làm, hình như không còn được nói thường xuyên, mà chỉ đơn thuần là có dịp nhắc lại. Nhưng có một điều, cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa thôi nói về ông, đó là chuyện lão ngư này tiên phong làm du lịch, tất nhiên là cũng tại Cồn Doi! Ông cộng tác với Jack Trần tours - một doanh nghiệp hoạt động du lịch sinh thái. “Vậy công việc của chú là như thế nào?” - tôi hỏi. Ông cười, nói như... chơi: “À, dễ lắm, chỉ là bày cho khách cách thả và kéo lưới, cất và thả rớ thôi”. “Bằng tiếng Anh à?” - tôi tiếp tục hỏi. “Ừ” - ông Trúc đáp gọn lỏn. “Rứa là chú đi học tiếng Anh?”. Ông nói như giãy nảy: “Mô có, mấy đứa nhỏ dạy tôi những từ liên quan thôi, chớ hồi đó tuổi gần 60 rồi, học chi nổi”.
Đời ngư dân, chỉ quen với ăn sóng nói gió, và nếp nghĩ chỉ về biển cả, đùng một phát chuyển sang làm du lịch, ông “tự thú” với tôi rằng, lúc đầu… dị lắm. Nhưng riết rồi quen. Việc gì cũng thế, riết rồi quen, thế thôi. “Vậy là từ lúc làm du lịch, chú không làm biển nữa? - tôi tò mò. Ông Trúc bật người dậy, chồm về phía trước: “Bậy nà, bỏ là bỏ răng được. Du lịch là làm thêm thôi, còn lúc không có khách thì vẫn làm biển như thường mà”. Xem ra, muối mặn của biển đã thấm sâu vào tâm khảm ông. Còn “hành trình” khoảng 10 năm làm du lịch của ông, điều khiến ông hạnh phúc nhất là những nghĩa cử ấm lòng mà mình nhận được. “Như mới đây thôi, có đôi vợ chồng trẻ sang Cồn Doi tìm và gửi tôi ít quà. Tôi ngớ người ra, răng mới gặp mà có quà chi ri. Hỏi nữa mới biết, đó là quà của cha mẹ cậu ấy gửi cho tôi. Cách đây nhiều năm, cha mẹ cậu ta qua đây du lịch, và tôi đã dạy họ kéo lưới, cất rớ” - ông Trúc kể.
Nhưng đang đoạn vui ấy, bỗng giọng ông Trúc chùng hẳn, khi nói đến Cồn Doi. Sau bão lũ, Cồn Doi vốn xơ xác trước đó, càng xác xơ hơn. Bờ thì bị sạt lở, bãi cát thì đầy những rác và cát sỏi. Ông sợ những điều ấy sẽ tiếp tục tái diễn và tước đi mất Cồn Doi của ông. Mỗi ngày với ông, sẽ là nỗi nhớ rạo rực nếu không được đặt chân lên cồn này. Vì yêu Cồn Doi như thế, nên sau bão lũ vừa rồi, những người anh em và con rể của ông rời đi, ông vẫn quyết ở lại...
Trong đáy mắt ông - đọng lại một Cồn Doi.
XUÂN THỌ