Thay vì chỉ “cày” ngữ pháp, từ vựng, học tiếng Anh ngày nay cần nhiều hơn các kỹ năng về nghe nói cũng như “săn” được các chứng chỉ được công nhận toàn cầu. Và thầy trò Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ) đã có những cách thức tư duy khác để tiệm cận hơn với nhu cầu của xã hội về bộ môn này.
Thầy Nguyễn Ngọc Ân - Tổ trưởng Bộ môn Tiếng Anh của trường chia sẻ: “Trước đây, học sinh THPT đạt chứng chỉ IELTS cao là điều khó thực hiện. Nhưng những năm gần đây, học sinh được trang bị kiến thức ngay từ tiểu học, vì vậy khi vào trường chuyên, với sự định hướng và giảng dạy của thầy cô đáp ứng theo yêu cầu đầu vào các trường đại học trong và ngoài nước, các em thực hiện được ước mơ của mình là có thể săn học bổng các quốc gia khác”.
Theo đó, tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, học sinh chuyên ngữ đang tập trung học tập để đáp ứng nhu cầu xét tuyển đại học dựa theo điểm trung bình học tập (GPA) và điều kiện đủ là chứng chỉ quốc tế IELTS. Thầy Ân cho biết, năm 2019 có 19/35 học sinh chuyên Anh của trường đạt IELTS 6.5 - 8.0. Riêng năm 2020, tức lớp 12 năm nay, sau học kỳ 1 có 25 học sinh đạt chứng chỉ IELTS 7.0 - 8.0; trong đó có 4 em đạt 8.0. Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay.
Theo Huỳnh Phương Nhi - học sinh chuyên Anh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, để học tốt tiếng Anh đòi hỏi phải có sự ham thích, biết mục đích mình học và chọn cách học phù hợp. Hiện nay, bạn trẻ đều sử dụng internet, do vậy việc học tiếng Anh cũng như trau dồi kỹ năng nghe, nói có thể thực hiện qua rất nhiều kênh.
Phương Nhi là “cô gái vàng” của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm khi thành tích đạt được ở môn học này khá dày dặn. Năm lớp 11, Nhi thi IELTS 8.0 điểm. Trong số 1.122 Đội hùng biện tiếng Anh quốc gia, đội của Phương Nhi vào tốp 5 chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và đoạt giải Ba toàn đoàn. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2021, Nhi đạt giải khuyến khích và là ứng cử viên tham gia xét tuyển của Đại học Fulbright Việt Nam.
Để chinh phục ngôn ngữ này, Nhi nói đầu tiên phải tìm niềm vui và hứng thú đối với nó. “Mình tìm niềm vui trong việc học tiếng Anh cũng như học văn hóa của các nước nói tiếng Anh qua phim ảnh, âm nhạc, như vậy sẽ dễ dàng học từ vựng, kỹ năng nghe và nói. Khi học từ vựng, mình thường tưởng tượng ra ngữ cảnh sẽ dùng từ và đặt câu với từ, như vậy vừa giúp nhớ từ vừa giúp nhớ cách dùng từ đúng.
Học ngôn ngữ nếu không luyện tập thường xuyên sẽ mau quên, vì vậy mình “ăn ngủ” với tiếng Anh. Chẳng hạn trên đường đi từ nhà đến trường, nhìn thấy sự vật, sự việc nào đó liền đặt một câu tiếng Anh để miêu tả. Mình nghĩ sự thành công trong việc học bất kỳ loại ngôn ngữ nào cũng cần sự kiên nhẫn luyện tập, cộng thêm sự yêu thích. Vì vậy bạn nào thấy việc học tiếng Anh khó thì bạn đấy vẫn chưa đủ nhẫn nại và dành hết tâm trí cho ngôn ngữ này. Không có gì là không thể, miễn là bạn cố gắng hết sức!” - Nhi chia sẻ.
Từ vài năm trước, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thành lập các câu lạc bộ học thuật tiếng Anh, tạo điều kiện cho học sinh tham gia trao đổi, nâng cao kiến thức, tự tin giao tiếp. Bên cạnh đó, từ những dự án trao đổi, giao lưu văn hóa các quốc gia, nhiều người nước ngoài cùng tham gia sinh hoạt với thầy trò nhà trường. Sáng tạo trong mọi hoạt động, dùng tiếng Anh giao tiếp với người học chứ không dùng nhiều tiếng Việt và luôn tạo sự chủ động cho người học để có sự tương tác tốt nhất. Ðây chính là phương pháp bắt đầu để có những tư duy hiện đại trong câu chuyện dạy và học Anh ngữ ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.