Tại hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 vừa tổ chức, Sở GD-ĐT cho biết toàn ngành đã chọn những nội dung cụ thể, phù hợp với thực tiễn để đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy - học. Hội thi cũng nêu lên những tồn tại và đề ra 4 nhóm nhiệm vụ trong năm học mới.
Trao giải cho các thí sinh tham gia hội thi thuyết trình văn học năm học 2014 - 2015. Ảnh: XUÂN PHÚ |
Thay đổi để đổi mới
Năm học 2014 - 2015 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Bên cạnh những nhiệm vụ theo chỉ đạo chung của Bộ GD-ĐT như điều chỉnh nội dung dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh (HS) theo hướng giảm tải, phù hợp với mục tiêu giáo dục… thì ngành GD-ĐT Quảng Nam còn chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề cụ thể, sát thực tế của địa phương và ngành để triển khai thực hiện. Sau 2 năm triển khai mô hình trường học mới (VNEN), Sở GD-ĐT tổ chức sơ kết nhằm tìm ra các giải pháp tốt nhất để tiếp tục thực hiện và mở rộng ra thêm nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Cũng trong năm học qua, lần đầu tiên triển khai việc đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT, bước đầu đã tạo ra sự đổi mới căn bản trong cách dạy, kiểm tra, đánh giá HS; không gây áp lực cho HS học yếu, giúp các em biết cách học tốt hơn, mạnh dạn, tự tin ở bản thân. Năm học qua cũng là năm đầu tiên tổ chức thi thử THPT quốc gia, đồng thời ngành tham mưu tỉnh hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cho các trường THPT miền núi để tổ chức cho HS ôn tập tham gia kỳ thi THPT quốc gia.
Chia sẻ thêm, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện, ngành đã chỉ đạo cho các đơn vị, trường học triển khai nghiêm túc, thiết thực, gắn việc điều chỉnh nội dung dạy học với tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, nhất là thiết kế bài học, sử dụng thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn bài, lên lớp, tổ chức các hoạt động trên lớp cho học trò chủ động lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Cùng với đó, các hội thi dạy giỏi dành cho giáo viên các cấp học cũng liên tục được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Đặc biệt, lần đầu tiên Sở GD-ĐT tổ chức cuộc thi giáo án hoạt động hướng nghiệp HS trung học năm học 2014 - 2015 nhằm khuyến khích, tôn vinh các thầy cô giáo có những ý tưởng sáng tạo trong tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp, thu hút hơn 500 giáo viên tham gia.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín cho rằng nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2015 - 2016 của toàn ngành là tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 29, trong đó chú ý chọn những vấn đề trọng tâm, căn bản nhất để thực hiện đổi mới có hiệu quả. Ngành GD-ĐT cần phải rà soát, quy hoạch lại mạng lưới, quy mô trường lớp trên địa bàn tỉnh cho hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả HS đi học. Đồng thời quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng giáo dục thông qua các giải pháp về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị. |
Bên cạnh việc học thì năm học qua có khá nhiều hội thi được mở theo hướng đổi mới cách thức tổ chức, nội dung dự thi nhằm giúp HS phát huy tính chủ động, sáng tạo. Chẳng hạn, hội thi thuyết trình văn học dành cho HS bậc THPT tuy không mới nhưng được tổ chức theo hình thức khác. Ông Hà Thanh Quốc cho rằng, qua rồi cái thời thầy cô viết sẵn bài thuyết trình còn HS chỉ có nhiệm vụ “phát”. Bây giờ, đến hội thi HS bốc thăm đề tài, có vài phút gạch đầu dòng về ý tưởng rồi thuyết trình theo khả năng hiểu biết và cảm nhận của mình. Cách tổ chức đổi mới như vậy đã tạo ra sự chủ động, phát huy khả năng tư duy của các em. Hội thi hùng biện “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” dành cho HS bậc THPT lần đầu tiên được Sở GD-ĐT tổ chức cũng là một cách đổi mới giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho HS. Điều quan trọng hơn, thông qua các câu chuyện tại hội thi giúp ngành GD-ĐT đánh giá, nhìn nhận đúng về chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường hiện nay để có định hướng phù hợp.
4 nhóm nhiệm vụ năm học mới
Đạt được nhiều kết quả, song ngành GD-ĐT cũng thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cản ngại đến việc đổi mới, phát triển trong tình hình mới. Đó là quy mô trường lớp phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư nhiều nhưng chưa đáp ứng nhu cầu học tập; tình trạng bỏ học giữa chừng vẫn còn xảy ra, nhất là ở miền núi, bậc THPT; bất cập trong phân cấp quản lý giáo dục nên việc chỉ đạo, triển khai thực hiện còn trở ngại. Theo Trưởng phòng GD-ĐT Hiệp Đức Huỳnh Văn Hùng, công tác quản lý của các phòng GD-ĐT trên địa bàn tỉnh không giống nhau và đề nghị triển khai theo đúng tinh thần Nghị định 115 của Chính phủ. Việc luân chuyển giáo viên theo Nghị định 146 của HĐND tỉnh khá chậm, đến nay vẫn chưa thực hiện gây khó khăn cho địa phương trong việc bố trí đội ngũ trước thềm năm học mới. Còn Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ) Châu Anh Khiêm cho rằng ngành cần có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng, sớm ban hành kế hoạch trong công tác kiểm tra học kỳ để các trường chủ động hơn.
Với những tồn tại vừa nêu, ngành GD-ĐT xác định 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm học 2015 - 2016; trong đó bên cạnh tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ nhà giáo thì việc quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, giảm tình trạng HS bỏ học, đổi mới phân cấp quản lý giáo dục được quan tâm. Theo ông Hà Thanh Quốc, một trong những nhiệm vụ lớn của ngành thời gian tới là quy hoạch mạng lưới trường THPT; trước mắt sẽ thành lập thêm trường THPT A Xan của huyện Tây Giang, trường THPT vùng đông của huyện Duy Xuyên, di dời Trường THPT Nguyễn Khuyến của thị xã Điện Bàn ra phía bắc để tạo điều kiện cho HS đi học. Trong tương lai, sẽ tiếp tục điều chỉnh vị trí đối với một số trường THPT nằm ở những vị trí không thuận lợi, chẳng hạn như Trường THPT Nguyễn Huệ của huyện Núi Thành, Trần Đại Nghĩa huyện Quế Sơn. Đối với giáo dục mầm non, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư, sẽ thành lập một số trường mầm non ở các xã miền núi chưa có trường.
XUÂN PHÚ