Đổi mới chương trình "Học trò xứ Quảng"

LÊ QUÂN 10/04/2017 08:26

“Học trò xứ Quảng” - chương trình của Đài PT-TH Quảng Nam (QRT) đã lên sóng mùa thứ 2 (phát sóng lúc 20 giờ 15 phút Chủ nhật hằng tuần trên kênh QRT). Những dấu ấn, bản sắc văn hóa xã hội, hành trình vùng đất… của xứ Quảng dễ dàng đi vào tâm thức tuổi học trò hơn, từ sân chơi này.

Gợi lại đất “Ngũ phụng tề phi”

Ông Mai Văn Tư - Giám đốc QRT chia sẻ: “Năm 2016 khi chương trình truyền hình Học trò xứ Quảng mùa đầu tiên khép lại, tôi nghĩ nó đã kịp xây nên niềm tin vững chắc trong lòng người xem truyền hình và đông đảo các bậc phụ huynh, giáo viên, học sinh xứ Quảng về một sân chơi không chỉ là trí tuệ mà còn mang tính nhân văn, gợi lại ánh hào quang của một thời “Ngũ phụng tề phi”. Và có lẽ từ tinh thần này, khi khởi động mùa thứ 2, “Học trò xứ Quảng” đã có những thay đổi từ thể thức cuộc thi, đối tượng dự thi, đặc biệt sự đổi tên của những phần thi, ít nhiều mang dáng dấp của một sân chơi từ đất Quảng, do người Quảng làm nên. Từ 4 phần thi của mùa thứ nhất, với “Khởi động”, “Tìm hiểu xứ Quảng”, “Xứng danh đất học” và “Về đích”, đến mùa thứ 2 này, Ban tổ chức đã thống nhất thay đổi tên gọi các phần thi để mang đến một chương trình với nhiều dấu nhấn mang tính truyền thống cao hơn.

  • QRT khởi động mùa thứ 2 chương trình Học trò xứ Quảng
Sân chơi “Học trò xứ Quảng” mùa thứ 2. Ảnh: LÊ QUÂN
Sân chơi “Học trò xứ Quảng” mùa thứ 2. Ảnh: LÊ QUÂN

Thay vì phần “Khởi động” trước đây, phần thi đầu tiên trong chương trình Học trò xứ Quảng mùa thứ 2 sẽ có tên gọi “Lai kinh ứng thí”, gợi lại câu chuyện sĩ tử xứ Quảng một thời vượt khó, lấy sự học lập thân, lập danh với hành trình về kinh đô dự thi. Cùng với đó, những câu hỏi về đạo đức, pháp luật, âm nhạc… nhằm giúp học sinh hoàn thiện theo hướng toàn diện, đúng với tiêu chí chương trình đề ra. “Vượt Hải Vân quan” sẽ thay thế cho phần thi “Tìm hiểu xứ Quảng” ở mùa đầu tiên. Đây là cách để thí sinh của “Học trò xứ Quảng” vượt qua phần thi kiến thức về lịch sử - văn hóa của mảnh đất và con người Quảng Nam. Tuy nhiên, theo Ban tổ chức, phần thi này ở mùa 2 cũng sẽ được mở rộng ra kiến thức cả nước chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi Quảng Nam. Phần thi thứ 3 mang tên gọi “Ngũ phụng tề phi” thay cho “Xứng danh đất học”, với câu chuyện về thành quả mà học trò xứ Quảng đạt được sau một hành trình chuẩn bị, vượt khó khăn, thử thách, chiếm bảng vàng. “Về đích” sẽ mang tên gọi mới “Xứng danh đất học” với ý niệm tôn vinh các thế hệ nối tiếp của học trò xứ Quảng đã không ngại khó, ngại khổ, quyết chí vươn lên xứng danh là con cháu của một vùng đất học.

Chưa hết, ngoài những kiến thức có được trong quá trình học tập của mình, chương trình này còn kích thích lứa tuổi mới lớn tiếp tục trau dồi sự hiểu biết về quê xứ thông qua các câu hỏi liên quan đến sự kiện thời sự nổi bật của địa phương hay những dấu ấn văn hóa, du lịch… trong quá trình phát triển của quê nhà. Ông Mai Văn Tư nói: “Mục tiêu của chương trình là tạo ra một sân chơi để học sinh nâng cao khả năng hiểu biết, đồng thời đa dạng hóa hình thức giáo dục nhằm tăng cường tính chủ động và hiệu quả tiếp thu kiến thức, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, giúp các em hiểu biết thêm về mảnh đất và con người Quảng Nam. Chương trình hướng đến việc phát triển toàn diện, bền vững cả về trí tuệ, thể chất, tâm hồn, khơi dậy trong các em niềm tự hào là học trò trên mảnh đất địa linh nhân kiệt”.

Những nỗ lực không ngừng

“Học trò xứ Quảng” là sân chơi truyền hình đầu tiên của tỉnh do QRT sản xuất. Vượt qua hạn chế, khó khăn, những người làm truyền hình đã nỗ lực vừa làm vừa tự hoàn thiện, để đến mùa thứ 2, chương trình nhận được sự hào hứng tham gia của lứa tuổi học trò cũng như có một lượng người xem nhất định. Ông Nguyễn Năm - Trưởng phòng Kỹ thuật QRT cho biết, để có được một chương trình lên sóng hằng tuần với sự kết hợp của rất nhiều hiệu ứng khác nhau, đòi hỏi người làm truyền hình phải mày mò không ngừng. “Mùa đầu tiên, chúng tôi mất 6 tháng chuẩn bị từ phần mềm, sân khấu, logo chương trình đến hiệu ứng ánh sáng. Khó khăn nhất là khi xây dựng phần mềm phải phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin để họ làm theo ý tưởng của mình, lúc đó vừa tổ chức cho các em thi vừa bổ sung sửa chữa hoàn thiện.

Đến mùa thứ 2 này thì mọi việc đã bắt đầu ổn hơn” - ông Năm chia sẻ. Cùng với đó, việc thành lập một ngân hàng đề thi sao cho phong phú, cũng là một phần việc khá vất vả với thầy cô giáo cũng như các chuyên gia… Nhưng trên tất cả, họ đã làm việc vì một sân chơi trí tuệ cho học sinh lứa tuổi THPT. “Xuyên suốt chặng đường gian khó ấy, QRT và Sở GD-ĐT đã vượt qua không ít khó khăn trong công tác tổ chức để giúp các trường, các em học sinh hoàn thành phần thi của chương trình. Trong khi QRT lo việc xây dựng format, logo, phần mềm chạy chương trình; tổ chức kịch bản, xây dựng ê kíp sản xuất, triển khai xe màu ghi hình lưu động, biên tập, xử lý hậu kỳ, phát sóng chương trình. Sở GD-ĐT chủ trì thành lập Hội đồng đề thi, xây dựng các bộ, gói câu hỏi phù hợp. Sự kết hợp này đã bắt đầu có những quả ngọt” - ông Mai Văn Tư nói. Năm nay, đối tượng dự thi được giới hạn ở hai khối lớp 10 và 11, điều này tạo điều kiện để nhiều học sinh có cơ hội thi tài hơn.

Cùng với những nỗ lực để có một sân chơi trí tuệ cho học sinh THPT của những người tổ chức, bản thân thí sinh dự thi cũng đã cố gắng bằng hết khả năng của mình. Đào Thanh Lam - học sinh lớp 12 Trường THPT Quế Sơn - cô gái xuất sắc đoạt giải quán quân mùa đầu tiên của chương trình này chia sẻ, thí sinh dự thi phải thật sự bản lĩnh, nắm vững kiến thức của mình và bằng các kỹ năng khác nhau để thu thập thông tin. “Khi bắt đầu được chọn vào danh sách dự thi của chương trình, ba mẹ đã cho mình đi du lịch vòng quanh... Quảng Nam để biết về những địa danh nổi tiếng, các nhân vật lịch sử cũng như bản sắc văn hóa vùng miền của mỗi địa phương. Nhờ đó mình đã tìm hiểu và ghi nhớ được thật nhiều thông tin mà không cần phải học nhồi nhét. Riêng kiến thức ở các bộ môn khoa học tự nhiên, buộc các bạn phải thật sự tập trung khi ở lớp học” - Lam nói. Sau khi đoạt giải quán quân chương trình “Học trò xứ Quảng” mùa đầu tiên, Lam đã tự tin nộp hồ sơ tham dự cuộc thi “Thực hiện ước mơ” do Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh tổ chức với ước mơ trở thành một nữ CEO - giám đốc điều hành tài năng. Hiện Lam đã đi đến vòng bán kết và đang tiếp tục chuẩn bị để thuyết trình ở các vòng tiếp theo.

Và có lẽ, từ bệ phóng của “Học trò xứ Quảng”, nhiều tài năng xứ Quảng còn tiềm ẩn ở các địa phương sẽ lộ diện. Hy vọng những nhân tố được phát hiện từ sân chơi trí tuệ này sẽ đi đường dài với những tri thức mình có được.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi mới chương trình "Học trò xứ Quảng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO