Đổi mới giáo dục cần tập trung những vấn đề căn bản, cốt lõi, đảm bảo hệ thống, giải pháp đồng bộ, lộ trình, bước đi phù hợp

X.PHÚ 18/08/2023 18:07

(QNO)  - Chiều nay 18/8, Bộ GD-ĐT hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 trực tiếp và trực tuyến với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đến dự.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 của Bộ GD-ĐT chiều 18/8. Ảnh: X.P
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 của Bộ GD-ĐT chiều 18/8. Ảnh: X.P

Tại đầu cầu Quảng Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh, các huyện, thị, thành phố tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhắc lại quan điểm của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn dành sự quan tâm cho sự nghiệp GD-ĐT; xác định con người là trọng tâm, là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới, phục vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đánh giá cao và biểu dương kết quả đạt được của ngành GD-ĐT thời gian qua trong triển khai thực hiện chương trình GDPT mới, nâng cao chất lượng dạy học, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, xây dựng đội ngũ nhà giáo, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra một số tồn tại, yếu kém cần được khắc phục, hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thực hiện như chương trình GDPT mới và sách giáo khoa, thừa - thiếu GV, chính sách đãi ngộ còn bất cập, tự chủ đại học…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đổi mới cần tập trung những vấn đề căn bản, cốt lõi, đảm bảo hệ thống, giải pháp đồng bộ, lộ trình, bước đi phù hợp. Phát triển GD-ĐT gắn với phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với yêu cầu thực tế khách quan; lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng.

“Trên cơ sở đó, đề nghị các địa phương, ngành GD-ĐT quan tâm, kết hợp hài hòa giữa giáo dục đại trà và mũi nhọn; ưu tiên bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nhà giáo; đầu tư thỏa đáng cho sự nghiệp GD-ĐT, đẩy mạnh xã hội hóa.

Cần lưu ý một số vấn đề như ma túy, bạo lực học đường; SGK cần đổi mới nhưng đảm bảo chuẩn mực, ổn định phát triển; chú trọng chất lượng giáo dục đại học; rà soát môn dạy giáo dục công dân trong trường phổ thông. Cạnh đó, cần có giải pháp khắc phục thiếu GV mầm non, nhất là vùng sâu, vùng xa; chế độ chính sách đối với GV; quan tâm đến hệ thống trường nội trú để tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu, vùng xa đến trường học tập” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn dự hội nghị tại đầu cầu Quảng Nam. Ảnh: X.P
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn dự hội nghị tại đầu cầu Quảng Nam. Ảnh: X.P

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học 2022-2023, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết 29 của Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ tiêu, trong đó có nhiều kết quả tích cực.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2023 tại Hoa Kỳ; các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Theo bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước). Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định.

Tuy nhiên, hiện cả nước vẫn còn thiếu hơn 118 nghìn GV. Đáng chú ý, thiếu thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022 (nhiều nhất cấp mầm non thiếu 7.887 người, cấp THCS thiếu 1.207 người, cấp THPT thiếu 2.045 người).

Nguyên nhân chính dẫn đến số GV cấp học mầm non còn thiếu cao hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132 nghìn trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 GV). Cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (cần tăng thêm khoảng 3.000 GV). Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 GV). Ngoài ra, năm học 2022 - 2023 toàn quốc có hơn 10 nghìn GV công lập nghỉ hưu và hơn 9.000 GV nghỉ việc.

Ngoài ra, do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật. Việc tuyển dụng GV phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi mới giáo dục cần tập trung những vấn đề căn bản, cốt lõi, đảm bảo hệ thống, giải pháp đồng bộ, lộ trình, bước đi phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO