Đổi mới giáo dục: Từ góc nhìn quản lý

18/04/2015 08:01

Ban Chỉ đạo đổi mới GD-ĐT tỉnh Quảng Nam vừa thông qua kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong số 10 nội dung của kế hoạch, Ban Chỉ đạo quyết định trước mắt sẽ chọn 2 nội dung được coi là “sát sườn” với đặc điểm, tình hình của tỉnh để triển khai thực hiện là đổi mới công tác quản lý GD-ĐT và phát triển giáo dục miền núi, vùng dân  tộc thiểu số.

Học sinh Trường THPT Trần Cao Vân - TP. Tam Kỳ trong ngày khai giảng năm học mới.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Học sinh Trường THPT Trần Cao Vân - TP. Tam Kỳ trong ngày khai giảng năm học mới.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Mỗi nơi mỗi kiểu

Đó là thực trạng của công tác quản lý GD-ĐT hiện nay trên địa bàn tỉnh sau khi triển khai thực hiện việc phân cấp từ năm 2002. Điều này khiến cho công tác quản lý của ngành GD-ĐT gặp không ít khó khăn, bất cập.

Xóa tập trung

Trước năm 2002, Sở GD-ĐT được giao trách nhiệm quản lý hệ thống GD-ĐT trên địa bàn tỉnh từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT, cả về tài chính và con người. Dù trực thuộc các địa phương nhưng phòng GD-ĐT được coi là “cánh tay nối dài” nhằm giúp Sở GD-ĐT trong công tác quản lý ngành. Tuy nhiên, việc quản lý cả một hệ thống trường học từ mầm non đến THPT với quy mô lớn, nhiều cấp học và dàn trải trên địa bàn cả tỉnh như vậy là điều cực kỳ khó khăn, thậm chí có thể nói là “ngoài tầm tay”của Sở GD-ĐT. Từ đó làm cho công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT thiếu hiệu quả, kìm hãm sự phát triển của ngành. Ngoài ra, cũng chính vì mô hình quản lý này mà các cấp chính quyền địa phương thiếu phối hợp quản lý, chưa thực chung tay với ngành huy động nguồn lực của địa phương, xã  hội trong việc đầu tư xây dựng trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nhiều nhiệm vụ khác.

Cơ sở vật chất của nhiều trường học được đầu tư bài bản.Ảnh: XUÂN PHÚ
Cơ sở vật chất của nhiều trường học được đầu tư bài bản.Ảnh: XUÂN PHÚ

Để tháo gỡ những tồn tại đó, năm 2002 UBND tỉnh đã có quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung bằng cơ chế phân cấp quản lý GD-ĐT theo địa phương hoặc ngành tùy theo từng cấp học. Cụ thể, thay vì “bao cân” như  trước, Sở GD-ĐT chỉ còn quản lý các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên; các cấp học còn lại gồm mầm non, tiểu học và THCS được phân cấp cho địa phương huyện, thành phố quản lý. Đánh giá về hiệu quả của việc phân cấp quản lý, nhiều ý kiến cho rằng đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống tài chính, vai trò quản lý điều hành của cơ quan quản lý tài chính các cấp. Việc phân cấp tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục chủ động nhiều hơn trong việc sử dụng và quản lý các nguồn lực tài chính phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã xác định được trách nhiệm của mình trong việc đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới  trường lớp phù hợp, tuyển dụng, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Có thể thấy rất rõ điều này qua việc phát triển mạng lưới, quy mô trường lớp ở các địa phương. Trong hơn 10 năm qua, số lượng trường lớp tăng rất nhiều, phân bố hợp lý, đặc biệt là đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia. Không như trước đó, sau khi phân cấp tất cả địa phương đều coi phát triển giáo dục là trách nhiệm của mình, thậm chí giữa các xã, phường còn diễn ra phong trào thi đua xây dựng trường chuẩn. Nhờ đó, hiện nay cơ sở vật chất trường học do các huyện, thành phố quản lý còn khang trang và chuẩn hóa nhiều hơn cả mạng lưới trường THPT do tỉnh quản lý.

Mỗi nơi mỗi kiểu!

Chủ trương của tỉnh khi phân cấp cho các địa phương là để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, tăng cường trách nhiệm của các địa phương, cơ sở đối với GD-ĐT, tạo động lực phát triển mạnh hơn cho sự nghiệp trồng người. Thế nhưng, có một thực tế hiện nay là mỗi nơi thực hiện phân cấp mỗi kiểu! Có địa phương phân cấp triệt để, có địa phương phân cấp một phần, cũng có nơi không phân cấp (phòng GD-ĐT điều hành ngân sách và biên chế). Việc mạnh ai nấy phân cấp và không theo khuôn mẫu nào đã gây không ít khó khăn trong công tác điều hành, quản lý chung của ngành cũng như cản trở cho quá trình phát triển. Chẳng hạn, huyện Núi Thành phân cấp cho ngành nội vụ quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên còn tài chính các trường học được giao cho ngành tài chính quản lý. Theo ông Lưu Bá Ân - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Núi Thành, tuyển dụng, luân chuyển giáo viên đều do phòng nội vụ quyết định còn tài chính thì các trường học trực tiếp làm việc với phòng tài chính. “Việc phân cấp như vậy đã tạo ra nhiều tầng nấc không đáng có nên nhiều khi công việc thực hiện thiếu kịp thời, không hiệu quả” - ông Ân chia sẻ.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ) tham gia làm báo tường.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ) tham gia làm báo tường.

Không chỉ Núi Thành, một số địa phương khác cũng theo mô hình phân cấp tương tự. Phụ trách sự nghiệp GD-ĐT nhưng khi được hỏi về công tác tuyển dụng, luân chuyển cán bộ, giáo viên, lãnh đạo phòng GD-ĐT một huyện lại chỉ sang… phòng nội vụ! Chưa hết, khi hỏi về tình hình đầu tư trường lớp thì được nhận câu trả lời “phòng GD-ĐT chỉ quản lý về mặt chuyên môn dạy và học, không nắm rõ về đầu tư xây dựng, kinh phí vì ngành tài chính và ban quản lý dự án quản lý”. Một lãnh đạo Phòng GD-ĐT Điện Bàn cho rằng tài chính của các trường học trên địa bàn thị xã do phòng tài chính phân bổ. Do đó, công tác quản lý điều hành của ngành nhiều khi gặp khó khăn, chẳng hạn như khi phòng GD-ĐT chỉ đạo thực hiện một nội dung nào đó thì các trường bảo “hết tiền rồi vì ngành tài chính chỉ phân bổ chừng ấy  kinh phí”!

Khi còn đương nhiệm, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Tấn Thắng nhiều lần bày tỏ mong muốn UBND tỉnh chủ trì tổ chức hội nghị để đánh giá, rút kinh nghiệm về chuyện phân cấp. Ông Thắng thừa nhận phân cấp “mỗi nơi mỗi kiểu” khiến cho việc phối hợp giữa Sở GD-ĐT, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính và UBND các huyện, thành phố còn nhiều hạn chế, các chế độ bổ sung thường không kịp thời, làm rối loạn việc điều hành tài chính. Ngoài ra, sự cục bộ của các địa phương còn gây khó khăn cho cán bộ, giáo viên có nhu cầu chuyển công tác ra ngoài huyện (ngoài giáo viên công tác lâu năm tại miền núi được luân chuyển về đồng bằng theo đề án của tỉnh). Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện chủ trương phân cấp của UBND tỉnh, đến nay vẫn chưa có hội nghị nào được mở để điều chỉnh dù những khó khăn, tồn tại trong quá trình phân cấp được đề cập khá nhiều. (XUÂN PHÚ)

Phát triển giáo dục miền núi: Nhận diện những rào cản

Nhận diện những rào cản và tìm giải pháp tháo gỡ là những yêu cầu cấp bách được đặt ra trong việc thực hiện đổi mới GD-ĐT nhằm tạo cú hích để nâng chất lượng sự nghiệp giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài toán nan giải

Cùng với sự đi lên không ngừng của sự nghiệp GD-ĐT cả tỉnh, giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm qua đã có bước phát triển nhanh chóng. Đến nay, bên cạnh mạng lưới trường phổ thông, các huyện miền núi còn hình thành được 8 trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) và 31 trường phổ thông dân tộc bán trú ở các xã. Ngoài ra, dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng việc chuyển đổi 3 trường phổ thông DTNT cấp THCS thành trường phổ thông DTNT cấp 2-3 thời gian qua đã phần nào đáp ứng nhu cầu ăn học của học sinh (HS) ở các địa phương. Có thể nói, chưa bao giờ con em đồng bào đến trường được thuận lợi như hiện nay khi hệ thống trường lớp được phát triển đến tận thôn, nóc cũng như mô hình trường nội trú, bán trú được mở ra ngày càng nhiều.

Đội ngũ giáo viên của miền núi thường xuyên thiếu ổn định.
Đội ngũ giáo viên của miền núi thường xuyên thiếu ổn định.

Tạo ra được nhiều chuyển biến đáng kể nhưng rõ ràng so với yêu cầu, sự nghiệp giáo dục miền núi hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và điều đáng nói hơn đây là những rào cản vốn kéo dài trong nhiều năm qua. Đó là, mặc dù mạng lưới trường lớp được xây dựng ngày càng nhiều, nhất là loại hình trường nội trú, bán trú, tuy nhiên, tình trạng thiếu phòng học, lớp học tạm, phương tiện dạy - học thiếu thốn và lạc hậu vẫn còn khá phổ biến. Cách đây hơn một năm, đến thăm Trường Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ngoài điểm trường chính còn có đến 12 điểm trường lẻ nằm ở các thôn, nóc. Khi đó trường có 24 lớp với 310 HS nhưng đã có đến 21 lớp ghép. Lý do không thể khắc phục được tình trạng này theo lãnh đạo địa phương là vì địa bàn rộng, dân cư nằm rải rác nên không thể xây dựng trường học tập trung. Vì lẽ đó, thật khó đầu tư cho tất cả điểm trường khang trang, trang thiết bị phục vụ dạy - học chỗ này có thì chỗ kia phải “nhịn”.

Cơ sở trường lớp đã vậy, đội ngũ giáo viên (GV) cũng chẳng khá hơn. GV ở miền núi hiện nay gồm phần lớn là những người mới ra trường từ đồng bằng lên công tác. Thiếu kinh nghiệm sư phạm, lạ phong tục tập quán của đồng bào, điều kiện đi lại, ăn ở khó khăn ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giảng dạy. Một lãnh đạo huyện miền núi từng chia sẻ rằng: “Làm sao giáo dục miền núi phát triển được khi đây là nơi thực tập cho các thầy cô giáo trẻ. Khi họ có kinh nghiệm giảng dạy thì xin về đồng bằng và miền núi lại đón GV mới ra trường”. Một tồn tại khác của giáo dục miền núi đó là tình trạng bỏ học giữa chừng. Mạng lưới trường lớp về tận thôn, nóc; trường tổ chức nội trú, bán trú; học sinh được hưởng nhiều chế độ chính sách đã giúp cho các em ra lớp ngày càng nhiều, chất lượng giáo dục nâng cao. Dù vậy, với nhiều nguyên nhân như kinh tế gia đình khó khăn, nhận thức về việc học hạn chế, không theo kịp chương trình đã khiến cho không ít học trò phải chia tay việc học giữa chừng. Đây là bài toán nan giải đối với giáo dục miền núi kéo dài nhiều năm qua.

Cộng đồng vào cuộc

Rõ ràng, muốn phát triển giáo dục miền núi thì những rào cản nêu trên cần phải được tháo gỡ. Năm 2010 tỉnh đã ban hành đề án quy hoạch phát triển GD-ĐT đến năm 2020. Tuy nhiên, để tạo cú hích mạnh mẽ hơn nữa cho giáo dục miền núi phát triển thì chừng ấy vẫn chưa đủ. So với các địa phương đồng bằng thì miền núi không đủ nguồn lực để huy động đầu tư cho sự nghiệp giáo dục phát triển theo kịp với yêu cầu hiện nay. Vì vậy, tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo đổi mới GD-ĐT của tỉnh, nhiều thành viên đều thống nhất cho rằng cần sớm xây dựng một đề án về quy hoạch phát triển giáo dục miền núi. Có như vậy, giáo dục vùng gian khó này mới có điều kiện nâng tầm khi được hưởng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều hơn. Cùng với đó, các em HS cũng sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ tốt nhất về học tập, tạo điều kiện nâng cao chất lượng.

Bên cạnh sự đầu tư của tỉnh thì sự quan tâm của địa phương đối với sự nghiệp giáo dục trên địa bàn là yếu tố khá quan trọng, góp phần rất lớn và thậm chí có thể nói là có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển. Khi Trường THPT Tây Giang mới thành lập, khu nhà ở nội trú cho HS chưa có khiến nhiều em bỏ học giữa chừng. Hàng trăm học trò ở các xã về trung tâm huyện học phải dựng những túp lều tạm bợ bên  triền núi  gần trường để tá túc trông khá tội nghiệp. Trước tình hình này, lãnh đạo huyện Tây Giang đã “xắn tay áo” cùng vào cuộc với Sở GD-ĐT để xây khu nhà nội trú. Song song với đó, từ năm học 2010-2011, huyện quyết định bố trí nhân viên cấp dưỡng (huyện trả lương) để làm nhiệm vụ nấu ăn cho HS, đồng thời cấp đủ gạo và hàng tháng hỗ trợ thêm cho mỗi em 50.000 đồng tiền chợ. Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhriu Liếc chia sẻ: “HS là con em nhân dân địa phương, nếu huyện không quan tâm thì ai lo cho”. Quan điểm đó cùng sự vào cuộc quyết liệt của huyện đã giúp cho Trường THPT Tây Giang giờ đây không còn tình trạng bỏ học giữa chừng và chất lượng giáo dục ngày càng cao.

Trong khi đó, việc xây dựng đội ngũ GV là người địa phương cần được coi trọng hơn nữa. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ GV là người dân tộc thiểu số, tuy nhiên đến nay toàn ngành mới có 539 người, chiếm tỷ lệ 10% so với số GV của 9 huyện miền núi và tập trung phần lớn ở đội ngũ GV mầm non, tiểu học. Vẫn biết nâng tỷ lệ GV người dân tộc thiểu số là rất khó nhưng đây là công việc rất quan trọng, góp phần vào việc xây dựng, ổn định đội ngũ của giáo dục miền núi và nâng cao chất lượng giáo dục. (TƯỜNG VY)

Phó Chủ tịch  UBND tỉnh Nguyễn Chín: Mỗi nội dung, nhiệm vụ sẽ là một đề án

Kế hoạch thực hiện chương trình hành động số 28 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, UBND tỉnh xác định 10 nội dung chủ yếu bao gồm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới GD-ĐT; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá; đổi mới công tác quản lý, chính sách, cơ chế tài chính… Bên cạnh việc bám sát những vấn đề, yêu cầu cụ thể theo chủ trương của trung ương thì tỉnh sẽ chọn một số vấn đề trọng tâm, trọng điểm của địa phương để triển khai thực hiện nhằm tạo ra bước đổi mới mang tính đột phá cho sự nghiệp GD-ĐT. Trong đó tập trung cho công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức trong toàn xã hội đối với vấn đề đổi mới; trước mắt chọn nội dung cơ chế quản lý, việc phân cấp quản lý giáo dục và phát triển giáo dục miền núi để tập trung thực hiện.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc: Cơ quan quản lý GD-ĐT được quyền tham mưu trực tiếp về nhân sự, tài chính

Ngành GD-ĐT đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là công tác phân cấp quản lý GD-ĐT và tập trung phát triển giáo dục miền núi, vùng dân tộc. Hiện nay Sở GD-ĐT đang lập kế hoạch xây dựng Trường Phổ thông DTNT tỉnh thành trường chất lượng cao dành cho con em dân tộc thiểu số, tiếp tục phát triển mô hình trường THPT có học sinh nội trú; đồng thời tham mưu cho tỉnh xây dựng đề án phát triển giáo dục miền núi. Về phân cấp quản lý GD-ĐT, trong năm 2015 này sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá lại việc phân cấp trên địa bàn tỉnh để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Theo tôi, cơ quan quản lý GD-ĐT cấp tỉnh và ở huyện, thành phố được quyền tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố về nhân sự, tài chính cùng với quản lý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của giáo dục mầm non, phổ thông và  giáo dục nghề nghiệp. Tất nhiên điều này không có nghĩa là ngành GD-ĐT muốn “ôm” mà nên tăng cường sự phối hợp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Vì vậy, thời gian tới cần điều chỉnh việc phân cấp quản lý GD-ĐT theo Nghị quyết 29-NQ/TW, chương trình hành động số 28 của Tỉnh ủy và Nghị định 115/2010 của Chính phủ  về quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Quốc Tuấn: Sắp tới đưa tài chính về cho phòng GD-ĐT  quản lý

Hiện nay việc lập dự toán kế hoạch ngân sách các trường THPT do Sở GD-ĐT thực hiện, Sở Tài chính chỉ làm nhiệm vụ thẩm định và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt. Sở GD-ĐT cũng là đơn vị quyết định phân bổ ngân sách cho các trường. Riêng đối với cấp huyện, thành phố, kể từ khi thực hiện phân cấp quản lý GD-ĐT thì tài chính các trường học được các huyện giao cho phòng tài chính quản lý. Hiện nay một số huyện đã giao lại cho ngành giáo dục quản lý. Sắp tới cả tỉnh sẽ triển khai theo cơ chế mới là tất cả phải đưa tài chính về cho phòng GD-ĐT quản lý, bởi giáo dục quản lý thì sẽ tốt hơn, linh hoạt hơn.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Ngọc Hòa: Mỗi đơn vị đều có chức năng, quyền hạn trong chức năng mà tỉnh phân cấp

Việc tuyển dụng cán bộ, giáo viên trường THPT đều do hội đồng tuyển dụng của tỉnh quyết định còn Sở Nội vụ chỉ là cơ quan tham mưu. Thực tế hiện nay các địa phương huyện, thành phố có mỗi cách phân cấp khác nhau, hoặc giao cho phòng nội vụ hoặc phòng GD-ĐT quản lý biên chế. Tuy nhiên, dù phòng nội vụ có quản lý đi nữa thì cũng có sự tham gia phối hợp của phòng GD-ĐT. Vấn đề phân cấp quản lý trong thời gian tới sẽ tiếp tục được thảo luận, bàn bạc để tìm ra giải pháp phân cấp quản lý tốt nhất.

Trưởng phòng GD-ĐT Núi Thành Lưu Bá Ân: Nên giao trách nhiệm cho phòng GD-ĐT quản lý

Với việc phân cấp như hiện nay, phòng GD-ĐT chỉ quản lý về mặt chuyên môn. Đây là một bất hợp lý khiến cho công tác quản lý gặp khó khăn. Tôi cho rằng nên tin tưởng và giao trách nhiệm cho ngành GD-ĐT quản lý cả con người lẫn tài chính vì sẽ hợp lý hơn, còn ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Trong dự thảo kế hoạch của huyện Núi Thành thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, tôi cũng đã đề nghị thay đổi phân cấp theo hướng này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi mới giáo dục: Từ góc nhìn quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO