Đổi mới hoạt động hợp tác xã ở Thăng Bình: Chưa thể "lột xác"

NGUYỄN QUANG VIỆT 23/09/2016 08:52

Các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn Thăng Bình đều đã “thay áo” mới nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao.

Yếu và thiếu

Đến cuối năm 2015, hầu hết HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Thăng Bình đều đã áp dụng Luật HTX năm 2012. Đến nay, đã có một số HTX đổi mới cả hình thức lẫn phương cách hoạt động, qua đó tổ chức thêm các dịch vụ mới. Có thể kể đến hoạt động hiệu quả của HTX Nông nghiệp Bình Đào với vai trò “bà đỡ” được thể hiện thông qua các dịch vụ cung ứng lúa giống, vật tư phân bón, dịch vụ cấy lúa. HTX Nông nghiệp Bình Quý 2 có các dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa bằng máy, liên kết sản xuất lúa giống, thu mua và chế biến dầu phụng. HTX Nông nghiệp Bình Giang 2 tổ chức dịch vụ vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cung ứng nước sinh hoạt. Bước chuyển đó đã nâng cao thu nhập cho các xã viên, nông hộ trên địa bàn.

Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào tổ chức sản xuất lúa giống cho các xã viên và người dân. Ảnh: N.Q.V
Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào tổ chức sản xuất lúa giống cho các xã viên và người dân. Ảnh: N.Q.V

Con số 3/24 HTX hoạt động tương đối khởi sắc đến thời điểm này là quá thấp. Chúng tôi tìm đến HTX Nông nghiệp Bình Phục thì chỉ thấy khu nhà nhỏ hẹp, không ai trong số 3 thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) có mặt. Ông Lê Thông - Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho biết, HTX này được thành lập và hoạt động theo Luật HTX năm 2012 từ ngày 16.10.2015. Toàn HTX có 39 cổ đông, góp nguồn vốn được tổng cộng là 150 triệu đồng. Tài sản của HTX gồm 1 máy gặt đập liên hợp có giá trị 170 triệu đồng, 1 máy cày trị giá 100 triệu đồng. Các dịch vụ của HTX thực hiện gồm có thủy lợi, quản lý kênh mương, làm đất và thu hoạch lúa. Từ lúc hoạt động đến nay, HTX chưa thể liên hệ, kết nối để sản xuất lúa giống hay bao tiêu sản phẩm cho người dân. “Thiếu vốn, chưa được đào tạo năng lực quản lý bài bản, hoạt động cầm chừng là các nguyên nhân khiến cho HTX này không mang lại hiệu quả. Ngay cả các thành viên HĐQT cũng không có nguồn thu nhập” - ông Lê Thông nói. Trong khi đó, toàn xã Bình Phục có 270ha sản xuất lúa, 290ha sản xuất hoa màu rải rác, chưa thể tích tụ ruộng đất, chưa được cơ giới hóa đồng ruộng. Các nông hộ trên địa bàn sắm sửa được 12 máy gặt đập liên hợp, 14 máy cày và triển khai các dịch vụ đại trà thay cho… HTX.

Từ khi áp dụng luật mới, HTX Sản xuất rau sạch Mỹ Hưng của xã Bình Triều (HTX Mỹ Hưng) đã thu được nhiều kết quả khả quan. Doanh thu không ngừng được tăng lên. Năm 2014, HTX Mỹ Hưng có doanh thu 140 triệu đồng, tăng lên 540 triệu đồng vào năm 2015 và đạt gần 1 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016. Ông Trần Thanh Phong - Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Mỹ Hưng cho biết, cải thiện thu nhập như vậy vẫn chưa ổn vì còn có khả năng phát huy hơn nhiều lần. “Các xã viên trong HTX có tổng cộng 123ha đất để sản xuất rau, củ, quả sạch. Tuy nhiên chúng tôi chỉ mới tập trung sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trong 11ha mà thôi. Có nhiều cái thiếu, trong đó chủ yếu nhất là thiếu vốn đã kiềm hãm sự phát triển của HTX” - ông Phong cho biết.

Cần thay đổi

Nhiều giải pháp phát triển kinh tế hợp tác
Theo UBND huyện Thăng Bình, từ nay cho đến năm 2020, địa phương tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện để các HTX đổi mới hoạt động. Huyện coi trọng việc xây dựng câu lạc bộ HTX điển hình tiên tiến và tuyển 3 HTX để xây dựng HTX tiên tiến cấp tỉnh. Huyện khuyến khích 22 xã, thị trấn trên địa bàn chọn người có tâm huyết, năng lực, chịu thương, chịu khó để bố trí vào HĐQT các HTX. Các địa phương sẽ củng cố quy chế hoạt động, tổ dịch vụ, đảm bảo bộ máy vận hành trơn tru. Thăng Bình sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bổ sung cán bộ chủ chốt cho các HTX. “Trong thời gian đến, các HTX trên địa bàn sẽ chọn những dịch vụ thiết yếu nhất để hoạt động. Ngoài việc làm tốt khâu dịch vụ, các HTX sẽ hỗ trợ cho các hộ thành viên trồng các loại cây mới, nuôi các con vật nuôi có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ hợp lý tương thích với biến đổi khí hậu” - ông Nguyễn Xuân Vũ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình nói.

Ông Trần Thanh Phong cho biết, khuynh hướng hoạt động của HTX Mỹ Hưng là theo chuỗi để tuân theo quy luật vận hành của thị trường. Các hoạt động giống, kỹ thuật, phân bón, vật tư nông nghiệp, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, tìm kiếm thị trường, vận chuyển hàng hóa và bán hàng đều phải được thực hiện theo dây chuyền, vừa giảm chi phí vừa cân bằng cung - cầu. Ông Phong phân tích, nhiều cái khó dẫn tới… bó cái khôn. Đất của các xã viên góp lại mà HTX thì không có danh nghĩa đứng tên sở hữu để thế chấp vay vốn của ngân hàng phục vụ phát triển. Các xã viên vẫn mang tâm lý tiểu nông, sợ mất đất nên hiện tại dù tổng diện tích đất lớn nhưng phân tán, manh mún chứ chưa thể tích tụ lại để tập trung sản xuất theo hướng cơ giới hóa đồng bộ. Tư duy làm việc của các xã viên vẫn theo lề lối cũ, tập quán lao động phối hợp tập thể vẫn chưa thể thay thế. Quan niệm cha chung không ai khóc vẫn còn đó. “Để mở rộng và đi sâu vào thị trường siêu thị, chúng tôi cần phải sản xuất được 150 loại rau, củ, quả nhưng chỉ mới cung ứng được 64 loại, còn hạn chế. Trong khi đó, xã viên vẫn muốn sản xuất theo sở trường và trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao nên không đồng đều, dung hòa tổng thể” - ông Phong nói. Vì thế, phải cần thêm thời gian, người dân là xã viên mới có thể tiếp cận được quy luật vận hành gian nan của thị trường mà thay đổi cách thức sản xuất cho phù hợp.

Theo ông Trần Thanh Phong, cái khó về tư duy sản xuất của nông hộ cộng với cái khó về tư duy quản lý nhà nước càng khiến cho HĐQT HTX Mỹ Hưng đau đầu trong cạnh tranh khốc liệt của thị trường. “Dĩ nhiên, thị trường hàng hóa rau, củ, quả đòi hỏi phải sạch. Tuy nhiên, cách kiểm tra cái sạch đó còn nhiêu khê lắm” - ông Phong nói. Theo ông Phong, hàng hóa đáp ứng được tiêu chuẩn VietGAP là đã được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Vậy nhưng, các sản phẩm lại phải được cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng thêm một lần nữa. “Chi phí để đáp ứng tiêu chí VietGAP là 50 triệu đồng. Chi phí để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tốn thêm 130 triệu đồng. Mỗi năm 2 lần tiến hành như vậy thì HTX Mỹ Hưng còn chi là lời. Vì thế, HTX cần được tạo điều kiện bằng cách thông thoáng các quy chế, quy trình kiểm tra của các cấp quản lý nhà nước” - ông Phong cho biết.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi mới hoạt động hợp tác xã ở Thăng Bình: Chưa thể "lột xác"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO