Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể: Vẫn còn vướng (bài 1)

NGUYỄN DƯƠNG 26/05/2014 13:07

BÀI 1: KHÓ TIẾP CẬN VỐN

Tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 113/2008/NQ-HĐND về đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) trên toàn tỉnh giai đoạn từ 2008 - 2015 với mục đích tạo cú hích trong phát triển kinh tế tập thể. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện, dù đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn đó những vướng mắc khiến nền kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh chưa đạt được mục đích như kỳ vọng…

HTX đang dần khẳng định vai trò của mình trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên toàn tỉnh.Ảnh: N.D
HTX đang dần khẳng định vai trò của mình trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên toàn tỉnh.Ảnh: N.D

Khúc mắc hiện nay của các HTX trên địa bàn tỉnh chính là tìm nguồn vốn để đầu tư mua sắm thiết bị, mở rộng kinh doanh sản xuất. Trong khi đó, nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh có hạn và cần tính thanh khoản cao.

Trong cuộc tiếp xúc mới đây của Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh với các HTX trên địa bàn, nhiều ý kiến ví von rằng những nguồn vốn vay dành cho HTX, đặc biệt là Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Quảng Nam như chiếc bánh để trong bình thủy tinh, HTX chỉ “bò” quanh chứ chẳng thể chạm vào được. Nguồn vốn vay từ các quỹ hỗ trợ phát triển HTX, quỹ tín dụng nhân dân hay ngân hàng chính sách đều có sẵn, tuy nhiên việc tiếp cận vẫn nằm ngoài khả năng của phần đông HTX trên địa bàn. Có nhiều lý do khác nhau cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng nhìn chung đó chính là những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc cho vay vốn đối với các HTX.

Vốn có, khó vay

Ông Phạm Thành Sự - Chủ nhiệm HTX Đại Hiệp (Đại Lộc) cho biết, các HTX hiện tại, đặc biệt là các HTX nông nghiệp rất cần nguồn vốn lưu động đầu tư cho sản xuất mỗi khi vào mùa vụ như mua giống, vật tư, phân bón… Khi có tiền mua sắm, chỉ chừng vài tháng sau đó HTX sẽ hoàn trả đủ số tiền đã vay, như vậy nguồn vốn quay vòng, lưu động là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đối với Quỹ hỗ phát triển HTX tỉnh thì chỉ cho vay đầu tư chứ không cho vay lưu động khiến các HTX khó có nguồn vốn để kinh doanh, thu lợi trong ngắn hạn… Xuất phát từ điều này, ông Sự cũng kiến nghị tỉnh cần có cơ chế cho vay phù hợp với đặc điểm tình hình hiện nay. Không nên nhất thiết phải cho vay đầu tư 100% vốn của quỹ mà cần tính toán cho vay 60% đầu tư mở rộng sản xuất, còn lại 40% cho vay lưu động để các HTX có điều kiện tiếp cận vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ theo chu kỳ vay nhất định.

Theo ông Võ Hồng, nên chuyển dần từ cho vay theo dự án đầu tư sang hỗ trợ lãi suất sau đầu tư để dìu HTX tiếp cận được nguồn vốn vay. Bên cạnh đó phải đa dạng cách thức cho vay. Tạo ra nhiều kênh cung ứng vốn từ các tổ chức ngân hàng, tạo điều kiện cho nhiều HTX có thể vay vốn, giải quyết được bài toán thiếu vốn một cách nghiêm trọng như hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Thoại, Chủ nhiệm HTX Dệt Duy Trinh (Duy Xuyên), một khó khăn nữa mà các HTX trên địa bàn đang gặp phải khi làm thủ tục vay vốn là không thể sử dụng “sổ đỏ” của HTX để thế chấp. Chuyện lấy “sổ đỏ” cá nhân ra thế chấp vay vốn phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh của HTX gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, giá trị mỗi “sổ đỏ” của xã viên thường rất thấp. Vừa qua, để vay được số tiền 1,7 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, Ban quản trị HTX Dệt Duy Trinh đã phải huy động tới 12 “sổ đỏ” của các thành viên để làm tài sản thế chấp. “Khi vay được số vốn này, HTX đã đầu tư mua 64 máy dệt mới để tăng năng suất. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh rất khốc liệt trong thị trường dệt, HTX cần phải đầu tư hơn nữa để có thể mở rộng quy mô sản xuất. HTX cũng muốn được dùng số tài sản vừa mua được làm tài sản thế chấp để tiếp tục vay vốn nhưng không được chấp nhận. Biết làm sao được, dù các anh ở Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đã cố gắng tạo điều kiện nhưng vướng ở cơ chế thì đành chịu…” - bà Thoại tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Giám đốc HTX Duy Sơn II cho biết thêm, vừa qua, HTX Duy Sơn II trình dự án xin vay vốn để mua mới một tổ máy phát điện và nâng cấp, sửa chữa cầu máng của hệ thống mương dẫn với số tiền 2 tỷ đồng nhưng Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh không hỗ trợ được. “Tuy đơn vị còn tồn đọng số dư nợ trước đây với ngân hàng nhưng số nợ này đã được khoanh và đang chờ giải quyết. Mặc dù đã có tờ trình đề xuất của UBND huyện Duy Xuyên, tờ trình đề xuất của Liên minh HTX tỉnh và ý kiến thống nhất của lãnh đạo UBND tỉnh nhưng HTX vẫn không được giải quyết cho vay. Thiết nghĩ, với quy định quá chặt chẽ như vậy thì các HTX khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay này” - ông Tấn nói.

Kiểm soát nguồn vốn

Trước những kiến nghị các HTX trên địa bàn, chúng tôi đã tìm hiểu phía đơn vị cho vay, nhất là Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Ngộ - Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cho biết, quỹ để hỗ trợ cho HTX có thể phát triển nên ai cũng muốn cho vay để các HTX có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. “Nói rằng quỹ khó tiếp cận là không đúng, bởi trong 2 năm qua, với số vốn điều lệ là 25 tỷ đồng thì quỹ đã xem xét hỗ trợ cho 41 dự án (21 tổ hợp tác, 19 HTX) với số vốn hỗ trợ gần 21 tỷ đồng. Nên nhớ rằng, quỹ là một tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc UBND tỉnh. Nếu cho vay một cách tràn lan, không có kiểm soát thì sẽ khó thu hồi, gây thất thoát quỹ thì trách nhiệm này ai gánh? Chính vì vậy, hội đồng quản lý quỹ luôn phải giám định chặt chẽ, cân nhắc trước mỗi dự án kinh doanh của mỗi HTX để xem xét hỗ trợ cho vay…” - ông Ngộ nói.

Về việc không thể dùng “sổ đỏ” của HTX để làm tài sản thế chấp mà phải dùng “sổ đỏ” của thành viên là bởi đất của HTX do Nhà nước cấp cho sử dụng, không thu thuế nên không thể thế chấp để vay vốn. Còn việc dùng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp thì cũng phải tùy loại tài sản Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh mới có thể hỗ trợ cho vay. “Khi HTX dùng tài sản để thế chấp thì những tài sản đó phải có tính thanh khoản cao. Như HTX Vận tải Tam Kỳ vay vốn của quỹ để mua xe buýt, mở thêm tuyến. Sau đó, dùng chính những chiếc xe này để mang ra thế chấp vẫn được. Ngược lại, một chiếc máy gặt đập liên hợp trị giá 530 triệu đồng khi đem thế chấp để vay 200 triệu cũng không thể được. Đơn giản là bởi tài sản đó quỹ không thể kiểm soát được. Đối với xe buýt, khi họ thế chấp, mình cầm trong tay giấy tờ sử dụng của những chiếc xe này, họ có muốn bán cũng không được bởi không có giấy đăng ký. Nhưng đối với máy gặt đập liên hợp thì không có gì ràng buộc, họ có thể bán lúc nào mình không kiểm soát được…” - ông Ngộ giải thích.

Ông Võ Hồng – Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh kiêm Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, việc HTX hiện nay khó tiếp cận nguồn vốn vay là bởi các HTX không có toàn quyền quyết định về phương hướng sản xuất, kinh doanh như các doanh nghiệp vì đó là kinh tế tập thể. Muốn làm được điều này thì HTX phải có dự án kinh tế khả thi, có tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, phần đông các HTX trên địa bàn vẫn chưa làm được điều này. Chính vì vậy mối quan hệ trong giao dịch tín dụng trở nên khó khăn hơn. Đối với Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, đây vốn là một tổ chức nhà nước, khác với các ngân hàng thương mại, tính chuyên nghiệp vẫn chưa thể bằng, các thủ tục hành chính lại rườm rà nên HTX khó có thể tiếp cận. Nhưng cũng cần nói rằng, với áp lực vay quá lớn từ các HTX trong khi nguồn vốn hạn chế thì việc thanh lọc, chọn lọc những dự án khả thi là điều tất yếu.

____________________
Bài 2: Thiếu hụt nguồn nhân lực

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể: Vẫn còn vướng (bài 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO