Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể: Vẫn còn vướng (bài 2)

NGUYỄN DƯƠNG 27/05/2014 08:22

BÀI 2: THIẾU HỤT NGUỒN NHÂN LỰC

Vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ cho tầng lớp kế cận là bài toán khó đối với các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh, trong khi đó chính sách hiện vẫn chưa hấp dẫn để thu hút lớp trẻ tham gia công tác trong loại hình kinh tế này.

  • Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể: Vẫn còn vướng (bài 1)


Theo ông Nguyễn Thanh Tài - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, yếu tố nhân lực luôn đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế hợp tác. Muốn có một HTX phát triển thì đòi hỏi phải có một đội ngũ xã viên đảm bảo chức năng của mình. Khi các xã viên vững về kinh tế thì mới có thể nghĩ đến việc mở rộng hợp tác với những đối tượng khác, từ đó mới có thể hình thành nên một HTX… Theo kết quả khảo sát mới đây của Liên minh HTX tỉnh và Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, thời gian qua có hơn 2.000 người thuộc đội ngũ quản lý chủ chốt và người làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại các HTX được hỗ trợ bồi dưỡng tập huấn với tổng kinh phí trên 2,2 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương hơn 1,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 500 triệu đồng). Bên cạnh đó đã hỗ trợ cho 37 người làm việc trong HTX đi học cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, tỷ lệ trình độ cao đẳng, đại học của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt HTX vẫn chỉ là 18,16% (216/1.107 người). Đó là con số còn quá thấp, cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn nhân lực để đảm bảo cho việc phát triển HTX.
Nhiều đại diện HTX cho biết, việc đào tạo nguồn nhân lực kế cận hiện gặp nhiều khó khăn. Ảnh: N.D
Nhiều đại diện HTX cho biết, việc đào tạo nguồn nhân lực kế cận hiện gặp nhiều khó khăn. Ảnh: N.D

Theo ông Phạm Phú Đằng - Giám đốc HTX Phú Đông, cả Trung ương và UBND tỉnh đều có sự hỗ trợ rất hợp lý trong việc đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ HTX. Tuy nhiên, kinh phí đào tạo cho mỗi cán bộ còn cao nên rất khó để một sớm một chiều nâng cao năng lực của các cán bộ chủ chốt. Đối với HTX Phú Đông, ngoài tiền hỗ trợ từ ngân sách của Trung ương và tỉnh, HTX còn trích thêm để hỗ trợ cho cán bộ được đi học, nâng cao trình độ, hy vọng có được đội ngũ cán bộ có thể hoạch định chiến lược kinh doanh mang tính đột phá hơn. Còn ông Hồ Điền - Giám đốc HTX Duy Thành thì nói: “Việc thu hút nhân lực, cán bộ có trình độ về làm việc tại HTX hiện nay rất khó khăn. Cái này cũng bởi những chính sách hỗ trợ lương cho cán bộ của HTX vẫn còn rất thấp, chênh lệch quá nhiều nếu so với những công việc khác. Chính vì vậy không thể thu hút những người có trình độ về cống hiến cho HTX”.

Theo đề án sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 113/2008/NQ-HĐND của Liên minh HTX tỉnh, ngoài chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các chức danh chủ chốt và số người làm chuyên môn nghiệp vụ của HTX khi tham gia đào tạo chính quy cao đẳng, đại học được hỗ trợ tiền ăn ở 5 triệu đồng/người/năm. Cần khuyến khích xã, phường, thị trấn bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm giám đốc HTX; cơ cấu giám đốc HTX vào cấp ủy và HĐND các cấp (nếu đủ điều kiện). Bên cạnh đó, phải có chế độ hỗ trợ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho mỗi HTX 1 suất để thu hút người tốt nghiệp đại học chính quy về làm 1 trong 3 chức danh giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng đối với HTX nông nghiệp nhiệm kỳ đầu (5 năm)...

Hiện nay, có gần 1.200 người đang làm việc trong HTX, kinh nghiệm thì có thừa nhưng kiến thức để tiếp cận với những điều mới thì còn hạn chế. Với năng lực như hiện tại, nhiều HTX sẽ khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, hoạch định chiến lược kinh doanh, tiếp thị sản phẩm… Trong khi đó, lớp trẻ được kỳ vọng là có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ này bởi họ có nhiệt huyết, có kiến thức, có thể tiếp thu những thay đổi để thích nghi. Nhưng hiện nay, chính sách để hỗ trợ, thu hút vẫn chưa thể hấp dẫn để lớp trẻ cống hiến cho HTX…

Theo ông Nguyễn Cứu Quốc - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, việc đào tạo nguồn nhân lực của các HTX trên địa bàn Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung đều đang gặp phải một số khó khăn. “Có một nghịch lý, hiện nay nhiều sinh viên khi ra trường thiếu việc làm nhưng khi nói đến làm việc tại HTX thì lại từ chối. Đó chính là tâm lý còn dư chấn e ngại với HTX kiểu cũ. Chính vì vậy, bên cạnh thay đổi nhận thức trong tâm lý của người lao động, chúng ta phải đào tạo một tầng lớp kế cận theo chiều sâu, đảm bảo được năng lực để có thể theo kịp với thời đại” - ông Quốc nói. Ông Hồ Điền - Giám đốc HTX Duy Thành cũng cho rằng, như đã mặc định, cứ nhắc tới HTX là nói đến những người lớn tuổi. Rất hiếm khi gặp được những cán bộ trẻ có tâm huyết và giữ chức danh trong một HTX. “Tâm lý người ta khi học xong cao đẳng, đại học thì bao giờ cũng muốn tìm được một chỗ làm ưng ý, thu nhập ổn định. Trong khi đó, chế độ lương của HTX lại thấp, chênh lệch lớn so với những công việc khác. Chính vì vậy, lớp trẻ khó mà chọn con đường HTX để tiến thân” – ông Điền chia sẻ.

Ông Nguyễn Cứu Quốc - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, điều cơ bản là hiện tại các chế độ dành cho cán bộ HTX vẫn chưa đầy đủ, chưa thể đảm bảo được đời sống kinh tế nên việc thiếu nhân lực là dễ hiểu. “Phải làm sao để họ thấy được tương lai của mình gắn bó với HTX thì mới có thể thu hút và phát triển được. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, từ thu nhập cho đến các chính sách ưu tiên, tạo ra được môi trường làm việc, tính hấp dẫn cho người lao động. Hiện nay, Liên minh HTX Việt Nam đang có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho con em của những cán bộ đang công tác tại HTX được đi học với điều kiện khi hoàn thành khóa học sẽ quay về phục vụ cho HTX. Đây là một hướng mở trong công tác đào tạo nguồn nhân lực hiện nay của Liên minh HTX ” - ông Quốc nói.

----------------------------------------
Bài cuối: Cần một cú hích

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể: Vẫn còn vướng (bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO