Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể: Vẫn còn vướng (bài cuối)

NGUYỄN DƯƠNG 28/05/2014 12:34

BÀI CUỐI: CẦN MỘT CÚ HÍCH

Sau 5 năm thực hiện nghị quyết về đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2008 – 2015 (Nghị quyết 113), nền kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đang có những bước chuyển mình nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Thực tiễn đã lộ diện nhiều khó khăn trong quá trình phát triển mô hình kinh tế tập thể cần có hướng điều chỉnh, tháo gỡ…

  • Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể: Vẫn còn vướng (bài 2)
  • Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể: Vẫn còn vướng (bài 1)
Cần một cú hích trong cơ chế để các HTX có thể vươn tầm, ngày càng phát triển. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Cần một cú hích trong cơ chế để các HTX có thể vươn tầm, ngày càng phát triển. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Cơ chế phù hợp

Hiện nay, toàn tỉnh có 152 HTX đang hoạt động, nhưng số HTX thực sự hoạt động có hiệu quả còn ít, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng. Trong 5 năm qua, có 62 tổ hợp tác và 38 HTX được thành lập thì đã có 24 HTX ngừng hoạt động và 23 HTX đã giải thể. Hiện nay vẫn còn nhiều HTX ngưng hoạt động nhưng vẫn chưa được xử lý giải thể dứt điểm. “Nghị quyết 113 kỳ vọng sẽ tạo nên một sự đột phá mạnh mẽ trong phong trào kinh tế tập thể, nhưng đến thời điểm hiện tại, kết quả mang lại chưa nhiều, chưa rõ nét và không tạo được sự bứt phá. Các cơ chế, chính sách chưa đủ sức lan tỏa để tạo điều kiện tốt nhất cho kinh tế hợp tác. Các đơn vị tham mưu cấp tỉnh, cấp địa phương chưa thực sự quan tâm đến phong trào kinh tế tập thể tại địa phương của mình, có nơi thả nổi trong một thời gian dài, không hề lãnh đạo, chỉ đạo...” - ông Võ Hồng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh kiêm Trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh nhận xét.

Cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 113 đã ban hành vẫn còn bất cập so với yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của các HTX như: chính sách phát triển nguồn nhân lực; chế độ nghỉ việc cho đội ngũ quản lý làm việc lâu năm, có quá trình cống hiến tốt trong các HTX. Bên cạnh đó, một số chính sách thực thi không triệt để như chính sách về đất đai; tài chính - tín dụng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm..., kể cả chương trình trợ giúp HTX phát triển sản xuất kinh doanh hằng năm chưa được xây dựng và thực thi. Ông Nguyễn Thanh Tài - Chủ tịch Liên minh HTX nói: “Cơ chế, chính sách của nghị quyết là để nâng tầm cho nền kinh tế tập thể trên địa bàn. Nhưng khi áp dụng vào thực tiễn mới thấy có những bất cập cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Một khi cơ chế mở, thông thoáng hơn thì đồng nghĩa cơ hội dành cho các HTX cũng sẽ nhiều hơn, từ đó mới tạo nên sức bật mạnh mẽ cho phong trào kinh tế hợp tác hiện nay”.

Là một trong những địa phương có phong trào xây dựng nông thôn mới lớn mạnh, ông Đặng Bá Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh hiểu được vai trò của kinh tế hợp tác là cần thiết như thế nào trong việc quy hoạch sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là liên kết, liên doanh để sản xuất của HTX. Chính vì vậy, trong cuộc họp vừa qua với Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, ông cho rằng cần có cơ chế thoáng hơn, hợp lý hơn để giúp HTX có thể tiếp cận được nguồn vốn vay, đầu tư mở rộng sản xuất, hỗ trợ phát triển theo hướng đa ngành nghề. “Điều cần nhất của HTX bây giờ chính là có thể tiếp cận được vốn vay và những chính sách hỗ trợ phát triển. Có được sự hậu thuẫn đó thì kinh tế tập thể mới có thể vươn lên được…” - ông Dự nói.

Kịp thời đổi mới

Quảng Nam là tỉnh nông nghiệp nên hệ thống HTX, đặc biệt là HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp từ lâu đã trở thành “bà đỡ” cho nền nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có trên 2.500 tổ hợp tác, thu hút khoảng 10 nghìn thành viên là cá nhân, hộ tham gia; có 152 HTX, liên hiệp HTX, thu hút hơn 143 nghìn thành viên, giải quyết trên 3,5 nghìn lao động có việc làm thường xuyên. Trong tổng số 152 HTX, liên hiệp HTX có 118 HTX nông nghiệp, 11 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 11 HTX vận tải, 3 quỹ tín dụng nhân dân và 9 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại, điện, y tế, du lịch, quản lý chợ... Với sự đa dạng trong ngành nghề kinh doanh, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, là đầu mối tiêu thụ nông sản... nên mô hình kinh tế tập thể được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội phát triển, gia tăng lợi ích thành viên và lợi ích HTX, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở địa phương. Điển hình như HTX Duy Sơn 2, Duy Thành, Điện Quang, Điện Phước 1, Điện Phước 2, Đại Hiệp, Phú Đông, Dệt may Duy Trinh, Y tế An Phước, Quỹ tín dụng nhân dân liên xã Tây Điện Bàn... đang dần khẳng định là “bà đỡ” của nông dân. “Không ai có thể phủ nhận được vai trò của HTX trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, nhưng hiện vẫn còn nhiều cản ngại trong việc phát triển nên cần phải có những thay đổi phù hợp, sát với thực tiễn để tạo được bước đột phá, phát triển kinh tế hợp tác. Thời gian tới, cần tập trung xử lý dứt điểm các HTX yếu kém kéo dài, tồn tại trên danh nghĩa để tránh lãng phí. Đối với các cấp ủy địa phương cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...” - ông Võ Hồng nói.

Nhiều người cho rằng, nếu đã xác định làm kinh tế hợp tác thì không bao giờ được nóng vội, phải có lòng tin và sự kiên trì thì mới có thể thành công. Không phải cứ hô hào đổi mới, thay đổi tư duy là được ngay mà phải dần dần để thích nghi. Hiệu quả của HTX không hiển hiện như các doanh nghiệp là có thể tính được mà có giá trị lợi ích lâu dài, “tiền của xã viên không ở ngoài nhà mà nằm ở ngoài đồng, nhiều không có nhưng chẳng sợ đói”. Trước những thách thức to lớn hiện nay của nền kinh tế thị trường,  trong khi điều kiện tiềm lực tài chính còn hạn hẹp, cơ sở vật chất kỹ thuật còn non yếu cùng với năng lực quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh hạn chế, các HTX sẽ gặp phải nguy cơ không thể tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm, dịch vụ, sụt giảm lợi ích kinh tế thành viên và kinh tế tập thể. Do đó, rất cần các cơ quan hữu quan nghiên cứu, kịp thời có các giải pháp tăng cường sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiều mặt nhằm tiếp tục duy trì, phát triển các điển hình tiên tiến, làm cơ sở nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể: Vẫn còn vướng (bài cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO