Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và nghị quyết đại hội đảng các cấp, phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có nhiều đổi mới; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được tăng cường.
Cách làm của cơ sở
Chia sẻ về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng nói, để tiếp tục đổi mới phương thức và khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ thành phố xác định các nghị quyết phải được ban hành theo hướng đổi mới, với phương châm “thiết thực, hiệu quả”, “thà ít mà tốt”.
Đối với các nghị quyết có tác động đến nhân dân thì phải khẳng định mục tiêu lấy người dân làm chủ thể hưởng lợi và thực hiện bằng những việc làm cụ thể. Mô hình tự quản, mang tính tự giác cao do nhân dân tự bàn bạc và thực hiện, Nhà nước chỉ định hướng, hỗ trợ.
Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) đến nay, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp của tỉnh kiểm tra chuyên đề 6.592 lượt tổ chức đảng và 16.608 lượt đảng viên; giám sát chuyên đề 4.741 lượt tổ chức đảng và 9.350 lượt đảng viên; xử lý kỷ luật 78 tổ chức đảng, 2.402 đảng viên vi phạm.
Theo ông Hưng, đối với hoạt động của HĐND, Thành ủy định hướng những vấn đề quan trọng để HĐND thành phố quyết định bằng các nghị quyết chuyên đề.
Điểm mới trong việc ban hành các nghị quyết này là trước đó, HĐND thành phố thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế, lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
“Do vậy, nghị quyết ban hành mang tính thực tiễn, khả thi cao, được đông đảo nhân dân ủng hộ, đồng thuận, giảm thiểu khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, như Nghị quyết hỗ trợ nguồn lực của thành phố cho các xã, phường thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp, chỉnh trang, khớp nối hạ tầng đô thị” - ông Hưng nói.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã có những cách làm hay, sáng tạo, cụ thể hóa các phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua việc ban hành nghị quyết, quy định, quy chế, chương trình hành động, đề án, kế hoạch trên các lĩnh vực.
Cụ thể, Đảng bộ thị xã Điện Bàn tổ chức thực hiện sâu rộng đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) trong toàn đảng bộ; thành lập các tổ công tác dự sinh hoạt tại các chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở để theo dõi, nắm tình hình, hướng dẫn chi bộ tổ chức sinh hoạt đảm bảo quy định.
Tại Tây Giang, Thường trực Huyện ủy duy trì tốt việc tiếp cán bộ, đảng viên và nhân dân vào thứ 3, thứ 5 hằng tuần tại trụ sở huyện ủy. Định kỳ hằng năm, huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy, cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; đồng thời lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn theo quy định…
Vì chất lượng cuộc sống người dân
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng khẳng định, nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phù hợp với tình hình mới nên đã giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội; đồng thời phát huy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể.
Điểm mới trong quá trình xây dựng và ban hành các quyết sách lớn của tỉnh thời gian qua là Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chủ trì chuẩn bị nội dung phải thực hiện đúng quy trình xây dựng nghị quyết chuyên đề theo Hướng dẫn của Văn phòng Trung ương.
Mục đích là phát huy trí tuệ tập thể của các ngành chuyên môn, các địa phương, sự phản biện của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội… Và sẵn sàng lùi thời gian ban hành khi còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa đánh giá đầy đủ các tác động.
Quan điểm xuyên suốt là các quyết sách lớn của tỉnh phải đảm bảo tính chiến lược, tính khả thi, các chỉ tiêu, mục tiêu phải rõ ràng, nhiệm vụ và giải pháp đề ra một cách cụ thể để các cấp, ngành triển khai hiệu quả.
Để các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy sớm đi vào thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập, kiện toàn các ban chỉ đạo, tổ công tác để theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ.
Công tác cán bộ của tỉnh đã từng bước đổi mới phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, nhất là người đứng đầu; ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng được chú trọng, nhất là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm để chấn chỉnh, giáo dục, răn đe.
“Thời gian tới, việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Tỉnh ủy và các cấp ủy tiếp tục đổi mới theo hướng đẩy mạnh hơn nữa vai trò chủ thể của nhân dân, lấy việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân làm mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hoạch định chính sách.
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng gắn với phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho tập thể, cá nhân có liên quan. Tạo môi trường thuận lợi phát huy cao nhất năng lực, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khuyến khích, trọng dụng cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh.