(QNO) - Chiều 24/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - hành động - nguồn lực", ngoài điểm cầu Trụ sở Chính phủ, hội nghị kết nối đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành; lãnh đạo các cơ quan Thông tấn, báo chí chủ lực quốc gia. Dự hội nghị tại các điểm cầu 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan báo chí của địa phương.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, công tác truyền thông chính sách thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã chủ động, tích cực tham gia quán triệt, phổ biến hiệu quả, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện.
Công tác truyền thông chính sách được đặt ở vị trí quan trọng và được triển khai nghiêm túc, hiệu quả, qua đó đã công khai, minh bạch các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”. Đã tạo được sự đồng thuận xã hội, góp phần đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực, trở thành nguồn lực to lớn.
Công tác truyền thông chính sách ngày càng khoa học, tăng cường thông tin chính thống kịp thời, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, góp phần ổn định xã hội, tâm lý người dân, tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, phương thức truyền thông mới để điều tiết, định hướng thông tin, dư luận.
Truyền thông chính sách góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ ý thức tìm hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt chức năng góp ý, phản biện trong xây dựng chính sách, pháp luật. Tạo đồng thuận xã hội, góp phần đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo, đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá sâu sắc, trách nhiệm, thẳng thắn, sát thực tế, chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và cả những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải và đề xuất các giải pháp, định hướng, nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách trong thời gian tới. Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Đỗ Tiến Sỹ và Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) Lê Ngọc Quang nêu ý kiến:
“Khi truyền thông chính sách không đầy đủ, không kịp thời không đi trước, thiếu chính xác, dễ dẫn tới chính sách bị bóp méo, thậm chí có thể bị xuyên tạc, bị hiểu sai, dẫn đến không có hoặc ít có sự đồng thuận của nhân dân, làm cho hiệu quả của những nỗ lực của Chính phủ khó đạt được như kỳ vọng.
Nhận thức vậy VOV đã phát huy vai trò của mình trong công tác đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc chính sách. Cơ quan truyền thông như chúng tôi chủ động nắm bắt được ngay từ khi chính sách đó đang trong giai đoạn hình thành, nắm bắt được cả những ý kiến phản biện trong quá trình hình thành chính sách, để khi chính sách ra đời thì ngay lập tức cơ quan truyền thông không bị động. Chúng tôi chủ động truyền thông với cách nhìn đang dạng, đa chiều, bám sát nội dung chính sách, đảm bảo đúng định hướng để đối tượng do chính sách tác động thấy rõ nội dung, sau đó là cảm xúc và đồng thuận. Nói cho người ta nghe thì âm thanh hình ảnh phải tốt, nói cho người ta tin thì nội dung phải tốt, nói cho người ta theo thì phải có ví dụ minh họa”. - Tổng Giám đốc VOV Đỗ Tiến Sỹ cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc VTV đề nghị: "Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương, các cơ quan chức năng cần có cơ chế nghiên cứu cơ chế cụ thể để cơ quan báo chí phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách tham gia thực hiện truyền thông, chính sách, trong đó có việc đặt hàng và đặt hàng giao nhiệm vụ, thường xuyên thiết lập kênh kết nối xuyên suốt và phối hợp hiệu quả các cơ quan để đảm bảo các hoạt động này được triển khai ổn định bền vững và có hiệu quả”.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những kết quả quan trọng mà truyền thông chính sách mang lại thời gian qua, đồng thời cũng chỉ rõ nhưng tồn tại, hạn chế của công tác truyền thông chính sách như, một số bộ, ngành, địa phương chưa chú trọng, đầu tư đúng mức công tác truyền thông chính sách. Nội dung và hình thức truyền thông còn đơn giản, nhìn chung mới một chiều, thậm chí có lúc, có nơi còn mang tính áp đặt, thiếu sáng tạo, thụ động. Tính tương tác hai chiều trong truyền thông chính sách còn hạn chế; Một số chủ trương chính sách chưa được truyền thông chủ động, kịp thời; Hoạt động truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội từ sớm, từ xa, ngay từ khâu lập đề nghị và soạn thảo, ban hành, triển khai chính sách VBQPPL nhưng thực hiện chưa được khoa học, đồng bộ, nhất quán, bài bản, hiệu quả. Một số chủ trương, chính sách khi tuyên truyền còn khô cứng, máy móc, chưa đến được với người dân một cách gần gũi, dễ nghe, dễ hiểu.
Trong thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, thống nhất cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, sức mạnh của công tác truyền thông chính sách. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về truyền thông chính sách, là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.
Việc đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm truyền thông chính sách, bảo đảm linh hoạt, sáng tạo, chủ động, kịp thời, nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách.
Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác truyền thông chính sách, nhất là người đứng đầu. Chủ động làm tốt công tác truyền thông chính sách trong thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương. Tăng cường thông tin chính sách; đẩy mạnh công tác truyền thông từ khâu đề xuất, soạn thảo chính sách, đến tổ chức thi hành, nhằm tạo đồng thuận xã hội và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp. Không nên quan niệm truyền thông chính sách là việc của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tăng cường lãnh đạo công tác thông tin truyền thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tin đại chúng mở rộng các kênh thông tin truyền thông đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần giải tỏa bức xúc, hoài nghi trong xã hội, thúc đẩy tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, chấp hành tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, đồng thời đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy vai trò tích cực của các cơ quan báo chí truyền thông trong việc thực hiện truyền thông chính sách, gắn công tác truyền thông, chính sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái thù địch và khuyến khích đổi mới sáng tạo về nội dung, hình thức, cách làm, làm sao chuyển tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ làm, dễ thực hiện, dễ giám sát, dễ kiểm tra, đánh giá và nó dễ đi vào thực tiễn, dễ đi vào lòng dân thì lúc đó người dân tự giác thực hiện và nó sẽ có hiệu quả. Trong công tác truyền thông thì phải nghĩ thật nói thật làm thật hiệu quả thật, nhân dân doanh nghiệp được hưởng thụ thành quả của chúng ta.”
Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu, xây dựng đội ngũ nhân lực làm công tác truyền thông chính sách có năng lực, có chuyên môn, bảo đảm hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy tắc ứng xử, hướng dẫn quy trình thực hiện truyền thông chính sách.
Về việc tăng cường đội ngũ truyền thông chính sách tại các bộ, ngành địa phương Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức biên chế của công chức, viên chức làm công tác truyền thông chính sách chuyên trách.
Về bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách Thủ tướng đề nghị các địa phương phải đưa vào chi ngân sách thường xuyên, các bộ, cơ quan trung ương ưu tiên bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Về hoàn thiện quy định pháp luật Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách.