Huyện Tây Giang đã linh hoạt huy động nguồn lực, bám sát thực tiễn, triển khai hiệu quả chương trình nông thôn mới. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện nông thôn mới, cả chặng đường đổi mới còn ở phía trước.
Bám sát thực tiễn
Sau nhiều năm “giậm châm tại chỗ”, diện mạo của xã Lăng (Tây Giang) đã có nhiều khởi sắc. Con đường đất đá lầy lội ngày trước nay được thay thế bởi công trình bê tông bằng phẳng, nên cảnh “nắng bụi, mưa ngập” dần chìm vào quá vãng.
Ông Bh’ling Miên - Chủ tịch UBND xã Lăng cho biết, những đổi thay được triển khai linh hoạt, địa phương bám vào thực tiễn đời sống của người dân để… tự làm mới mình. Đầu tiên là hạ tầng cơ sở, đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới (NTM) mà địa phương triển khai thời gian qua giúp đổi thay diện mạo, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế.
“Người dân nhận thức được tầm quan trọng và việc làm trong xây dựng NTM. Điều đó, thể hiện rất rõ ở sự tự giác trong hiến đất đai, vật kiến trúc và di dời tường rào, cổng ngõ… giúp địa phương mở rộng các tuyến đường trục thôn, xã và tạo cơ hội xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất” - ông Miên chia sẻ.
Sau quá trình nỗ lực triển khai, đến nay, xã Lăng đạt chuẩn 10/19 tiêu chí NTM. Nhiều tiêu chí được đánh giá cao về hiệu quả chất lượng, nhất là văn hóa, nhà ở dân cư và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan, địa phương có nhiều tiêu chí bị “rớt” và chưa đạt, trong đó có tiêu chí về thu nhập và nghèo đa chiều.
“Thời gian qua, Ban chỉ đạo của xã luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nhiệm vụ triển khai thực hiện chương trình NTM. Đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc họp đánh giá các tiêu chí nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM trong thời gian tới” - ông Miên nói.
Không chỉ xã Lăng, nhiệm vụ xây dựng NTM tại miền núi thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngoài nguồn lực phân bổ chưa tương xứng với nhu cầu, miền núi còn chịu tác động rất lớn bởi thiên tai, dịch bệnh khiến nhiều công trình bị thiệt hại nặng nề, khó khắc phục.
Tiếp tục đổi mới
Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho hay, qua rà soát theo Bộ tiêu chí mới xã NTM, một số nội dung trong tiêu chí của địa phương không đạt, trong đó 50% tiêu chí bị “rớt” theo chuẩn mới. Cụ thể, Tây Giang có 3 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: A Nông, Lăng và A Tiêng bị “rớt” tiêu chí, chủ yếu là các tiêu chí về thu nhập và nghèo đa chiều.
Theo ông Ta, nguyên nhân do các xã rà soát kỹ theo Bộ tiêu chí mới tại Quyết định số 2072 của UBND tỉnh với 19 tiêu chí/57 nội dung tiêu chí và bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu theo hướng nâng cao, toàn diện hơn.
Năm 2022, Tây Giang có 8 thôn đăng ký xây dựng thôn NTM kiểu mẫu; kết quả rà soát theo Bộ tiêu chí mới, cả 8 thôn đăng ký này đều không đạt, với bình quân 7 tiêu chí/thôn. Qua rà soát và đánh giá, mặc dù một số tiêu chí “rớt” nhưng vẫn đạt ở mức hơn 80%, vì thế việc “rớt chuẩn” chỉ mang tính tạm thời tại thời điểm rà soát.
Xây dựng NTM trong yêu cầu mới, bên cạnh tiếp tục triển khai chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, Tây Giang đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn.
Để đạt mục đích này, ông Ta nói, Tây Giang phải tiếp tục đổi mới tư duy cách làm, gắn kết chặt chẽ các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc để thúc đẩy nông thôn phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.