Vụ đông xuân năm này, do mưa lạnh kéo dài khiến hàng trăm héc ta lúa của người dân huyện Núi Thành bị hư hại. Sau những ngày vui xuân, đón tết nhiều nông dân khẩn trương đội mưa xuống đồng chăm sóc lúa.
Những ngày này dạo quanh các cánh đồng ở huyện Núi Thành không khó để thấy cảnh người nông dân mặc áo mưa, tay xách nách mang theo các dụng cụ như cuốc, ủng nhựa, dây rơm để buộc mạ non và bánh trái, nước uống xuống đồng chuẩn bị dặm, tỉa, phát bờ cho các đám ruộng bị hư hại sau khoảng 1 tháng gieo sạ.
Sáng 29/1 (mùng 8 Tết Nguyên Đán), bà Nguyễn Thị Vĩnh, trú thôn Phú Nam, xã Tam Xuân 2, cùng với 3 lao động nữ ở địa phương cùng dặm lúa trong cơn mưa lất phất.
Bà Vĩnh nói, vụ đông xuân 2023, gia đình bà gieo sạ 13 sào lúa, nhưng do trời mưa liên tục, nước ngập ruộng nên hơn 2/3 diện tích lúa non của gia đình bị ngập úng, hạt giống không nảy mầm, mặt ruộng thưa thớt.
Để cứu lúa, từ ngày mùng Hai tết bà Vĩnh đã khăn gói xuống đồng dặm lúa. Đến nay, bà đã khắc phục được hơn 8 sào, còn lại phải thuê nhân công làm thêm mới kịp để bón phân đúng thời vụ.
“Cây lúa non chết thấy xót xa lắm, làm nông không bám ruộng thì không biết lấy gì trang trải gia đình. Trời có lạnh giá cũng phải xuống đồng để chăm sóc lúa với hy vọng mùa màng không bị thất thu” - bà Vĩnh lo lắng nói.
Cách đó khoảng 500m, ông Nguyễn Đình Trung cầm rựa để phát cỏ bờ. Ông Trung cho hay, gieo sạ 3 mẫu đất lúa vụ đông xuân đang nảy mầm thì gặp cơn mưa trái mùa làm hư hại hơn 1/2, ông phải làm đất gieo sạ lại, một số thì nhổ lúa non ở thửa ruộng dày lấp khoảng trống ruộng thưa. Cùng với dặm lúa cũng lo phát cỏ bờ, để lâu cỏ sẽ lấn ra giữa ruộng và hút hết phân bón.
Mỗi ngày vợ chồng ông Trung đều có mặt ở các đám ruộng để chăm sóc lúa của gia đình từ rất sớm đến chiều tối mới về nhà. Với diện tích đất lớn, nếu thuê nhân công chăm sóc thì tốn hàng chục triệu đồng nên ông Trung quyết định bỏ công ra khắc phục lúa để giảm chi phí.
“Làm nông năm nay gặp khó khăn rất nhiều, nhất là giá phân bón tăng cao, thấp nhất 250 nghìn đồng/bao, cao nhất đến hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó giá lúa khô bán ra chưa tới 7 nghìn đồng/kg.
Giờ bỏ đất hoang thì cỏ mọc um tùm sau này khó cải tạo, làm ruộng để có hạt lúa ăn đỡ mua gạo, có thực phẩm cho gia súc, gia cầm chứ làm kiểu này thì lỗ chứ không giàu. Mấy năm trước thời tiết thuận lợi, cây lúa phát triển tốt giá phân thấp nên khi thu hoạch cũng có lãi, còn năm này thì chưa biết lời lỗ sao đây” - ông Trung trải lòng.
Nhiều người dân Núi Thành cho hay, gieo sạ lúa theo đúng lịch thời vụ của các ngành chức năng, nhưng do thời tiết thất thường nên nhiều diện tích lúa non bị ngập úng. Mặc dù mưa lạnh, họ phải chấp nhận ra đồng dặm tỉa, bón phân giúp mạ non phát triển theo kịp lứa mạ đứng để khi lúa làm đòng thì trổ cùng lúc.
Được biết, vụ đông xuân 2022 - 2023, huyện Núi Thành xây dựng kế hoạch sản xuất hơn 6.300ha lúa và cây hoa màu các loại. Trong đó, diện tích lúa hơn 4.200ha, bao gồm 3.400ha lúa chủ động nước và 800ha diện tích lúa không chủ động nước.
Trước khi gieo sạ vụ đông xuân 2022 - 2023, Sở NN&PTNT đã có văn bản khuyến cáo các địa phương chủ động theo dõi diễn biến dịch hại đồng ruộng trước, trong và sau Tết Nguyên Đán, hướng dẫn phòng trừ sớm bệnh đạo ôn lá, khô vằn...; theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy nâu để chủ động phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Khi có mưa trái mùa gây ngập úng cục bộ cần chú ý khẩn trương huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng lúa, hạn chế để ruộng lúa bị ngâm nước nhiều ngày làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển lúa và các nấm gây bệnh như đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, khô vằn phát sinh gây hại nặng ảnh hưởng đến năng suất.