Đôi nạng quản lý

C.B.L 12/09/2019 11:10

Cổng  thông tin điện tử Chính phủ ngày 10.9.2019 thông tin: “Bộ GTVT “tuýt còi” xe GrabCar tại Hội An”.

Theo đó, Bộ GTVT có công văn yêu cầu Công ty TNHH Grab không cung cấp dịch vụ đặt xe qua ứng dụng Grab trên địa bàn Quảng Nam với lý do, địa phương không nằm trong số 5 tỉnh thành được cấp phép thí điểm cho loại hình dịch vụ này hoạt động. Bài báo cho biết trước đó Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam đã đề nghị Bộ GTVT “xem xét giải quyết các nội dung liên quan” đến hoạt động của Grab trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải khác (bus, taxi, xe khách) đã được cấp phép.

Vận dụng các thủ tục pháp định để xử lý vấn đề này là công việc của các cơ quan chức năng. Chỉ lưu ý đến vài con số trong báo cáo của Sở GTVT Quảng Nam được dẫn lại: Mới đây, sở đã tổ chức kiểm tra tuyến đường Đà Nẵng - Hội An để xử lý các xe chạy Grab, “trong 10 ngày, tổ kiểm tra liên ngành đã phát hiện 60 trường hợp vi phạm, xử phạt với số tiền hơn 260 triệu đồng”. Điều đó có nghĩa là nhu cầu của hành khách đối với loại dịch vụ này khá lớn. Điều gây lúng túng có lẽ là do Hội An nằm giáp ranh với Đà Nẵng, nơi Grab được cho phép hoạt động. Và những cuốc xe “liên tỉnh” từ chỗ hợp pháp ở Đà Nẵng lại trở thành “vi phạm” khi đi vào địa phận Quảng Nam. Để khắc phục lỗi này, các cá nhân, tổ chức vận tải hành khách qua ứng dụng Grab chỉ còn cách từ chối các hợp đồng chở khách đi ra khỏi Đà Nẵng. Liệu các cơ quan quản lý có thể đẩy cái khó về cho người lao động - các lái xe Grab - bằng cách nói: chúng tôi không biết, đó là quy định, các vị tự mà tuân thủ và sắp xếp lấy!?

Câu chuyện gợi đến một kiểu quản lý mà lâu nay dư luận thường phê phán: quản không được thì cấm, bất chấp nhu cầu xã hội và các quy luật phát triển phổ quát. Hoặc giả không cấm ngặt một loại hoạt động nào đó, phía quản lý lại dễ sa vào kiểu “gọt chân cho vừa giày”, với những quy định “gây khó” - thậm chí “vô kế khả thi” - và phó mặc cho xã hội xoay xở.

Phải thừa nhận rằng hiện tại, môi trường công nghệ thông tin mang lại nhiều ứng dụng kết nối, đã xuất hiện một loại hình gọi là “kinh tế chia sẻ”. Bất cứ ai cũng có thể chia sẻ với người khác những sản phẩm dôi dư, thời gian, phương tiện, hay các kỹ năng của mình để có thêm một món thu nhập chính đáng. Hình thức chia sẻ ấy tận dụng rất tốt các nguồn lực dư thừa và cung cấp tiện nghi cho đời sống hiện đại, đã trở nên một xu hướng khó thể cấm đoán. Grab trong một chừng mực nào đó, cũng là một phần trong xu hướng ấy. Vì vậy, điều cần thiết ở các cơ quan, các cấp quản lý là phải dự báo được xu thế để chuẩn bị, “đi tắt đón đầu” cho được các xu hướng phát triển của xã hội để xây dựng những quy trình quản lý hiệu quả, vừa giữ cho các hoạt động không tự phát ra ngoài khuôn khổ luật pháp, buộc người ta phải làm tròn nghĩa vụ thuế, đồng thời và quan trọng nhất là bảo vệ sự tự do trong các hoạt động kinh tế xã hội.

Đó là một bài toán lớn không chỉ cần đến một sở, một bộ mà giải được. Nhưng các nhà quản lý liên quan đến sự việc này có bao giờ nghĩ rằng GrabCar hoạt động (trái phép) ở Quảng Nam là không công bằng với các loại hình vận tải khác, vậy thì có loại công bằng nào giữa những người sở hữu ô tô ở Quảng Nam và Đà Nẵng muốn chia sẻ phương tiện của mình qua ứng dụng Grab?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đôi nạng quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO