Đội ngũ giáo viên trước thềm năm học mới 2015-2016: Miền núi lo chất lượng, đồng bằng sợ dôi dư

XUÂN PHÚ 21/08/2015 08:31

Ngành giáo dục đang tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI). Tuy nhiên, nỗi lo về đội ngũ giáo viên (GV) là bài toán nan giải ở các địa phương của tỉnh hiện nay.

  • Cơ sở vật chất trường, lớp học: Đảm bảo cho năm học mới

Miền núi lo chất lượng

Giáo dục miền núi những năm qua không thiếu GV, ngay cả khi có hơn 1.000 người chia tay miền núi trong vòng 5 năm gần đây theo Nghị quyết 146 (22.7.2009) của HĐND tỉnh về thực hiện luân chuyển GV từ miền núi về đồng bằng. Bởi cũng trong thời gian đó, để bù lại số GV luân chuyển đi và đồng thời đáp ứng nhu cầu của địa phương, các huyện miền núi đã kịp thời tuyển dụng 1.653 GV các cấp; trong đó một số địa phương tuyển dụng số lượng lớn như Nam Trà My 228, Tây Giang 236, Đông Giang 186. Riêng Sở GD-ĐT đã tuyển 559 GV bậc THPT để bổ sung cho các trường miền núi. Thế nên, trước thềm năm học mới 2015-2016, dù có đến 92 GV nằm trong diện về đồng bằng nhưng huyện Nam Trà My vẫn không một chút băn khoăn về đội ngũ. “Chúng tôi đã chuẩn bị phương án, vẫn có đủ GV để giảng dạy trong năm học mới. Hơn nữa, nhiều sinh viên sư phạm ra trường nộp hồ sơ đang chờ sẵn sàng lên Nam Trà My”, ông Nguyễn Đình An - Trưởng phòng GD-ĐT Nam Trà My khẳng định.

Giáo viên đồng bằng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: X.P
Giáo viên đồng bằng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: X.P

Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ GV miền núi lại là điều rất đáng bàn. Sau đợt khảo sát thực trạng giáo dục các huyện miền núi mới đây, Sở GD-ĐT nhìn nhận đội ngũ GV miền núi hiện nay còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đa số GV các cấp học mới ra trường nên kinh nghiệm công tác chưa nhiều, chưa thích nghi với môi trường giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đã vậy, tình trạng GV chưa đạt chuẩn, bố trí dạy “trái tay” vẫn còn khá nhiều. Cụ thể, hiện tại vẫn còn 36 GV chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo (3 mầm non, 23 tiểu học, 10 THCS), 57 GV từ các cấp học khác được bố trí đứng lớp mầm non (Nam Giang 29 GV, Nam Trà My 16, Tây Giang 10, Bắc Trà My 2). Đây là số GV cử tuyển ra trường nhưng không thể bố trí đúng theo chuyên ngành đào tạo. Đó là chưa kể, ngay cả với những người công tác lâu năm nhưng do điều kiện miền núi nên việc học tập, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế.

Ông Huỳnh Kim Tín - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang thừa nhận lo nhất đối với giáo dục miền núi hiện nay là chất lượng đội ngũ GV còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy nâng cao chất lượng. Lãnh đạo ngành giáo dục của một huyện miền núi cũng bộc bạch rất thật rằng, tìm GV có chuyên môn vững để làm công tác dạy bồi dưỡng học sinh giỏi là một vấn đề nan giải đối với miền núi hiện giờ. Còn ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, sau khi chỉ ra một số yếu kém của đội ngũ GV miền núi hiện nay đã “chốt” lại rằng “đội ngũ GV miền núi cần phải được bồi dưỡng, đào tạo lại, thậm chí tính đến chuyện đào thải”.

Đồng bằng sợ dôi dư!

Có lẽ chưa bao giờ, giáo dục đồng bằng lại… sợ dôi dư GV như hiện nay! Thế nên, tại cuộc họp về công tác luân chuyển GV năm 2015 được UBND tỉnh tổ chức mới đây, dù Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín cho rằng “dôi dư GV không bàn nữa” nhưng nhiều lãnh đạo địa phương đồng bằng vẫn thi nhau “than nghèo kể khổ” về tình trạng dư thừa GV. Bởi sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như dôi dư GV nhưng vẫn có đủ nguồn kinh phí để chi trả lương và các chế độ chính sách khác. Đằng này, một số địa phương lại gặp rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí bổ sung không kịp thời khiến cho địa phương “lâm nợ”. Chẳng hạn như TP.Tam Kỳ, theo Chủ tịch UBND thành phố Văn Anh Tuấn, địa phương đang nợ 1,8 tỷ đồng trong 2 năm 2013 và 2014 do tăng GV nhưng không tăng kinh phí.

Thiếu GV đã khổ, thừa GV còn khổ hơn! Ngoài chuyện tiền nong, công tác bố trí, sắp xếp các thầy cô giáo đứng lớp cho hợp lý, đúng năng lực và sở nguyện của họ không phải dễ, nhất là với các địa phương đang dôi dư vài chục, thậm chí gần cả trăm người. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi một đại diện UBND huyện Núi Thành đề nghị tỉnh cho địa phương này không tiếp nhận GV bậc THCS luân chuyển từ miền núi về trong năm 2015 vì “huyện đang thừa 38 GV THCS chưa biết bố trí ở đâu”. Trong khi đó, ông Nguyễn Đàn - Phó Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn cho rằng trước tình trạng hiện nay đành chấp nhận phương án bố trí GV dạy trái môn, chẳng hạn như GV bậc THCS sang dạy tiểu học, để giải quyết bài toán dôi dư. Tuy nhiên, có thể thấy đây là giải pháp “chẳng đặng đừng” vì ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo chất lượng giảng dạy. Và không chỉ Điện Bàn, các địa phương khác cũng thực hiện theo cách tương tự. “Biết làm sao giờ? Chúng tôi phải tạm thời bố trí GV THCS sang dạy ở bậc tiểu học, chờ cho đến khi có chỗ trống rồi chuyển lại” - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Núi Thành Lưu Bá Ân giải thích.

Cũng vì dôi dư quá nhiều và không còn giải pháp nào khác nên có không ít trường hợp GV không được đứng lớp mà phải làm công tác văn phòng, thư viện thiết bị. Việc này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn Lê Văn Dũng, đã gây nhiều thiệt thòi về quyền lợi cho GV vì họ sẽ không được hưởng chế độ phụ cấp đứng lớp. Trong khi đó, huyện Phú Ninh lại chọn cách khác để giải quyết tình trạng dôi dư nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho GV. Ông Hồ Đắc Thiện - Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, chủ trương của ngành là giảm số tiết dạy theo quy định để tất cả thầy, cô giáo đều được các trường học bố trí đứng lớp. Như vậy tất cả đều hưởng lương, chế độ chính sách đầy đủ, không ai chịu thiệt thòi.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đội ngũ giáo viên trước thềm năm học mới 2015-2016: Miền núi lo chất lượng, đồng bằng sợ dôi dư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO