Đời người nuôi cá lồng bè sông Tranh

TRUNG VIỆT 14/11/2023 16:26

(QNO) - Ông Nguyễn  Ngọc Cảnh (thôn Long Sơn, xã Trà Tân) hẹn tôi: “Chú muốn ra bè thì mai, giờ nào cũng được”. Tôi hẹn 7 giờ sáng. Khi tới thì ông vừa ở lồng bè về. Tự nhiên tôi ái ngại làm phiền người ta lần nữa. “Không sao - giọng ông từ tốn - đi lên, tí về”.

Căn nhà này là chốn an cư của ông giữa sông nước.
Căn nhà này là chốn an cư của ông Cảnh giữa sông nước.

Để gặp ông, tôi phải nhờ Thám dẫn đường. Thám làm ở Trạm Khí tượng thủy văn Bắc Trà My, thuộc lòng bàn tay đường sá chốn này, lại có quen biết với con ông Cảnh. Mùa này người ta hay thu bè lại, vì mưa lớn dễ bất ngờ cuốn. Bè nổi giữa lòng hồ, không có người quen đưa ra thì đành thua. Hôm qua tôi đã rảo dọc bờ sông Tranh phía Trà Đốc, đi kiểu cà lơ phất phơ, bởi xuống lòng hồ thì có, nhưng ghe thuyền thì chỏng chơ không một bóng người.

Lên thuyền, ông Cảnh hỏi Thám: “Tôi thấy chú quen”. Thám cười kể lại này nọ, đã từng đến nhà ông. Xanh thẳm, mát rượi và long lanh nắng như mật trải trên mặt hồ. Tôi thoáng chốc như thoát vòng lê khổ, tắm trong một khung trời khác. Những lồng bè trông từ xa như những ngôi nhà trên sóng nước, dần hiện rõ trong ống kính. Tiếp sát, Thám ồ lên: “Ngó từ xa thì bé, lại gần to thiệt”. Không to mới lạ, có khi bằng cả sào đất.

Ngoài nuôi cá ông còn mấy lồng ếch với giá bán 60 ngàn một kg.
Ngoài nuôi cá ông còn mấy lồng ếch, hàng ngàn con.

Con chó đằng sau cánh cửa phi ra sủa vang, lao theo khách. Dập dềnh theo bước chân. Lại Thám ồ lên khi ông Cảnh mở cửa ngôi nhà. Có khác chi nhà trên cạn. “Ăn ở đây mà” - ông nói rồi lúi húi nấu nước pha trà.

Tôi ngó quanh căn phòng chừng 20m2 bộn bề đồ đạc. Mười năm ăn nằm ở đây, đêm như ngày, không sắm sanh đồ đạc để sinh hoạt thì mới lạ. “Chú lên ban đêm, uống rượu nói chuyện mới vui”. Muốn lắm, nhưng chiều nay sẽ mưa lớn kéo dài 5 ngày. Hôm qua thủy điện sông Tranh 2 đã bắt đầu xả lũ. Sáng xanh trong, chiều sẽ ầm ầm. Nghĩ tới đó bất giác rùng mình.

“Chỗ bè tôi đây, sâu chừng 80m, chứ ngoài kia phải hơn 100m. Bão số 9 năm 2020, mình tôi ở đây mà”. Âm điệu giọng xứ Thanh thỉnh thoảng có chen vài chữ giọng xứ Quảng, nghe như khúc nối dễ thương lạ. Ba mươi năm lập nghiệp chốn này, con cái đã phương trưởng, thì lấy đây làm quê hương. Quê ông là Nga Sơn nổi tiếng dệt chiếu. Cơm áo dồn đuổi, đã đưa mấy anh em ruột, rồi anh em họ của ông dựng nhà triền dốc, nổi lửa trên hồ để kiếm ăn. “Chiều tối, tôi đưa vợ con vào bờ rồi quay ra. Đến sập tối, gió lớn, mình tôi cố níu giữ 2 lồng cá chình, không thì mất hết. Bè bằng phi sắt đấu nối, kết thùng phi nhựa, sâu mỗi bè chừng 4 - 5m, sóng nó nhấn chìm hết, rồi đẩy trồi lên, uốn éo như con rắn. Kinh hoàng. Nó quần 3 tiếng đồng hồ, tả tơi luôn. May mà cá không trôi. Nhà anh Tuân bên kia bị vỡ bè.  Vợ chồng anh Tuyên chị Cung, bè đứt, chỉ còn 1 dây, nó trôi xa lắc. Họ ra mà không vào bờ kịp. Ngụp  xuống trồi lên giữa đêm tối mịt, cả hai khóc hu hu”.

Mỗi ngày, lồng của ông Cảnh phải tốn 4 triệu thức ăn cá.
Mỗi ngày, lồng của ông Cảnh phải tốn 4 triệu thức ăn cá.

Trên bờ gió nước có giật thì cũng biết chỗ mà chạy, báu víu, la làng, giữa lòng hồ này, phận bè như lá, huống là người. Lúc đó chỉ  biết cầu trời khấn phật. 

Tôi nói: “Xem ra không dễ ăn”. “Chú muốn chụp cá ăn không? Sơ sơ thôi”. Ông bước qua nhà kho bên kia, xúc thau bột và vung. Cá trồi lên rào rào. “Sáng nay tôi đã cho ăn rồi, chúng no, nên không háu”. 

Trà rót ra. Ấm chát giữa ngợp gió và xanh thẳm. Với khách, là tiêu dao phiêu diêu, nhưng với ông, cuộc áo cơm này nào có thông thoáng lắm đâu. Ban đầu có biết chi cá mắm, đứa em nuôi được một năm  thì rủ ông xuống, bắt đầu kiếp bập bềnh theo con cá trong lồng. “Tôi có 26 lồng, chứ có đứa như Tuân, như Trần Thanh Mạo có  đến 60 lồng. Tôi nuôi đủ loại cá như lăng, lát, trê, leo, rô phi, ếch. Sáng nay xuất chừng 30-40kg cá lăng. Mỗi ký lăng khoảng 100 ngàn, thương lái mua lại thì bán giá khác. Năm nay xuất cá leo, mỗi tấn chừng 100 triệu. Năm ngoái tôi bán cá lăng đen, chừng 7 tấn, cũng giá chừng đó. Cá lăng ăn mồi sống như leo, nhưng nuôi nhiều quá, phải thêm bột”. “Trừ chi phí ra, lời bao nhiêu 1 tấn ?”. “Chừng 7 triệu, vì bột đã 500 ngàn/bao, mỗi ngày 2 bữa, chúng ăn hết 8 bao. Mất 4 triệu. Đó là mình chưa tính rủi ro, chứ nó bệnh, hoặc trôi lồng, bể lồng, thôi như cúng hà bá, sạch tay. Không dễ kiếm tiền đâu anh, nên ban đầu nhiều người nuôi, trụ không nổi, nay chỉ còn 7 người, chủ yếu anh em tôi, mình mua lại lồng của họ”.

Khách hàng chính của ông là từ Hà Nội vào mua. Mỗi lần xuất đi cả trăm tấn. Như cá lăng, nuôi hai năm mới bán, mỗi con chừng 3-4 ký. Làm ăn có mối, thời buổi này không lơ mơ được. Cơ nghiệp nằm hết ở đây, chăm cá như chăm con. Ông nói và chỉ vào hai hộp Tetracycline treo trên vách: “Phải dùng thuốc người chữa bệnh cho cá”. “Mùa nào dễ bệnh nhất?". “Mùa này đây, lá ẩm mục, thối sẽ khiến nước ô nhiễm. Không theo dõi cá, là chết hết vì bệnh. Tôi cho cá ăn là biết ngay bệnh hay không, nếu trở trời đổi thời tiết, phải kéo lồng lên kiểm tra, đau thì cho thuốc. Ở đây một ngày mà chỉ một người, là làm không hết việc. Tôi có 4 cái rớ, rảnh tay là kéo kiếm cá để cá leo cá chình nó ăn, vì chúng ăn mồi sống”. Ông xòe bàn tay to bè, cứng đơ, chai sần. Mặt ông sắt lại, bạc đi. Chỉ giọng nói là nhỏ nhẹ. Hình như một mình giữa hồ, ngôn ngữ đối thoại là im lặng nghe tiếng cá quẩy, nên nói to cũng  vô ích.

Chú chó này đã sống 10 năm trên bè với chủ.
Chú chó này đã sống mười năm trên bè với chủ.

“Chú ở đây 24/24 giờ à ?”. “Ba năm gần đây thì ban ngày về, vì có đứa cháu nội, nó quấn miết, chứ các năm trước là ở dầm đây. Không sợ mất cắp. Ở đây hiền lắm. Tôi kiểm tra lồng từ camera mà”. À, thì ra những camera giăng mắt. Wifi, loa  thùng, hệ thống biến áp điện, ắc qui loại lớn. Ông cười: “Tôi có cặp loa thùng Mỹ , mà ẩm quá hay răng đó, hư mất, chứ trước đây có cả giàn karaoke”. Thám như tự thán: “Trời, kiếm cái nghề sống giữa hồ thế này, đời vui quá, bon ben chen làm chi”. “Khó khăn là chi?”. “Tôi thấy ổn, chỉ lo mưa gió lớn, dây chằng không chịu nổi, rồi cá bị bệnh…”.

An cư, là câu chuyện lắm khi khó bàn, nhưng cả đời người, nếu bằng lòng với công việc chi đó mình đang đeo bám, thì hình như sự bình yên đang neo đậu. “Nếu trời cho, chỉ cần mười lồng bán ra, tôi sẽ có 1 tỷ”. Tôi há miệng, thiếu điều trợn mắt kinh ngạc. “Làm chi đến mức đó” - Thám nói. “Sao không - ông trả lời - mỗi lồng từ 1,5 - 3 tấn cá, mỗi tấn 100 triệu, chú tính đi…”. “Vậy tổng giá trị hiện nay của lồng bè này là bao nhiêu”. “Một tỷ”, ông đáp nhanh rồi quay ra cửa hút thuốc. Con chó quấn chân chủ: “Nó ở đây 10 năm rồi đó”.

Hệ thống điện này đảm bảo lồng sáng cả đêm.
Hệ thống điện này đảm bảo lồng sáng cả đêm.

Tôi men theo những thanh gỗ dập duềnh mà đi. Sao thấy như đất liền, mất đi cảm giác chanh chao lúc nãy vừa lên bè. Ông nay đã qua tuổi 55, xem ra còn sống dài lâu với con cá lòng hồ này. Sinh kế bền vững và hiệu quả từ con sông có tiếng này ở xứ mình, cho cái ăn cái mặt đâu chỉ người hạ du, mà nó cưu mang cả những phận đời sông nước như ông và bao người chốn này.

“Tôi sống thảnh thơi” - ông hạ giọng. Tôi hiểu lời nói đó, nhọc nhằn là đương nhiên, nhưng an yên như con nước hồ khi không mưa bão, khiến ông như thong dong, tự tại. Thuyền quay mũi vào bờ, con ngó đứng ngó theo chủ, chắc nó đã quen rồi…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đời người nuôi cá lồng bè sông Tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO