Ông chỉ thích sống giản dị khi tuổi xế chiều cùng người vợ yêu quý. Hàng ngày, ông đọc báo, xem ti vi, nghe đài. Cứ phất phơ như lá dừa nước quê ông đong đưa với gió làng khi chiều đổ nắng.
1. Dù bước qua cái tuổi 80, nhưng ngày mưa cũng như ngày nắng, sáng đạp xe đạp cà tàng hơn 3 cây số từ Cẩm Thanh lên phố cổ Hội An mua đồ ăn sáng cho vợ và tờ báo. Nhìn ông, không ai nghĩ lúc thanh niên ông khiến quân thù khiếp sợ mỗi khi nhắc đến cái tên Đặng Là. Chỉ là du kích xã, dù học hành không bao nhiêu, nhưng ông thông minh, am hiểu nguyên lý về các loại vũ khí của địch, từ súng, lựu đạn đến bom; các loại vũ khí hư hỏng, ông mang về cải tiến để cung cấp cho du kích. Đặc biệt ông dùng bom của Mỹ, chế tạo thành các loại mìn, trong đó có loại mìn quét. Đây là loại mìn cung cấp cho bộ đội phá rào tại các đồn địch, quét các loại mìn địch cài chung quanh đồn bốt… để đột phá khẩu.
Ông là người chuyên dùng bom đạn địch, cải tiến lại thành vũ khí có sức sát thương lớn, cài đặt chống lại địch. Ông hoạt động đơn lẻ. “Mình hành động một mình có nhiều cái lợi, một ít bại lộ, hai ít nguy hiểm cho đồng đội, ba là dễ di chuyển khiến địch không biết phương hướng mô mà lần”. Ông nói. Thời chống Mỹ, ở Hội An, lính địch của quận Hiếu Nhơn đặt cho ông cái tên “Ông Là thần chết”. Bởi khi sa vào bãi mìn của ông như lạc vào thiên la địa võng, hết lối ra. Chỉ có chết đến bị thương, kể cả quân tiếp viện đến cứu thương, hay đưa xác ra cũng khó tiếp cận mục tiêu. Bởi ông có sự tính toán rất kỹ từng địa điểm, khi vướng mìn, địch sẽ tìm chỗ trú ngay, nhưng những chỗ địch chọn đã được ông cài mìn, vào là dính, tinh thần hoảng loạn, không định hướng được, càng dính mìn. Còn hải thuyền dưới nước nghe nói đến ông thì lạnh tóc gáy, đặt cho ông cái tên “Ông Là Yết Kiêu”.
2. Thời chiến tranh, rừng dừa nước Cẩm Thanh (TP.Hội An) là căn cứ cách mạng của thị xã Hội An. Căn cứ nằm sát quận Hiếu Nhơn nên địch chặt phá, đốt cháy làng mạc, sơ tán hết dân đi nơi khác để tìm kiếm tiêu diệt Việt cộng. Trên không máy bay quần đảo săm soi, dưới nước hải thuyền dọc ngang bắn phá… Trong vai người bắt cua ở vùng dừa, ông theo dõi nắm quy luật hoạt động của các hải thuyền vào rừng dừa truy lùng hơn tháng trời. “Lúc đó cua, tôm ở đây nhiều lắm. Tôi cứ lựa cua lửa, cua gạch, tôm càng… tóm lại con nào ngon mới bắt, đầy bao cát nhỏ, tôi ngồi chờ tàu địch tới bỏ lên bẹ dừa nước bơi ra cho lính. Nhờ rứa mà dễ dàng tiếp cận tàu, và lính thấy tui như thấy người nhà, không đề phòng, hay bắt bớ, bắn giết tui”. Ông Là hồi tưởng.
Theo lời ông kể, cứ thế, lúc đầu ông lội ra thuyền cống nộp tôm cua, sau này quen, ông chỉ bỏ tôm cua lên bè rồi thả theo nước chảy ra để lính vớt. Làm kiểu này giỏi lắm chỉ đánh được một tàu là cùng. Các tàu khác còn lại thoát nạn, uổng công. Với sự tài tình của mình, ông về tìm thêm bao, bắt cua chia ra từng bao lội ra cho từng tàu, đổi lại, lính cho ông các loại đồ hộp, thuốc lá. Những lần như vậy ông khảo sát, tìm cách cài đặt mìn đánh tàu. “Sau khi tạo mối quan hệ thân thiết với các tàu. Tôi dồn thuốc nổ, kíp nổ… nối dây điện vào, móc dưới bè, chờ lính nghỉ ăn trưa, tôi mới ra cống nộp cua, rồi móc bộc phá vào bánh lái tàu. Lúc vào bờ an toàn, cài thêm vài quả mìn trong bẹ dừa thả trôi theo nước, gần đến tàu địch mới kích nổ, kích hoạt khối thuốc lớn đã cài sẵn ở lái, khiến tàu chìm tại chỗ. Làm như vậy, sau này mỗi lần tàu khác vào nhìn thấy bẹ dừa nước trôi là lánh đi chỗ khác, không dám vào rừng dừa bắn phá căn cứ nữa”. Ông Là nhớ lại. “Đây là vùng tranh chấp, dân bị xúc tát đi hết, bác ở lại hoạt động tự do sao không bị bắt?”. Ông cười: “Hồi nớ tôi đi lại dễ dàng là nhờ cái giấy mãn hạn quân dịch. Nó như lá bùa hộ mệnh”.
3. Đất nước hòa bình thống nhất đã hơn 40 năm. Dù là hàng xóm với ông, nhưng ông không bao giờ kể về chiến công của mình lúc trẻ. Biết tính anh mình, ông Sinh - em ruột của ông, về nhà thắp hương cho ông bà, gọi tôi qua uống trà, rồi kể lại chuyện thời chiến tranh. Ông Sinh cố tình kể mọi chuyện sai bét. Ông Là bực mình, kể lại vanh vách từng giai đoạn, từng năm… “Anh có nhớ anh đánh Mỹ lếch chỗ mô không”? Ông Sinh hỏi. Không cần suy nghĩ, ông Là kể một lèo. “Năm 1966, lúc nớ khoảng 2 giờ chiều, nhìn qua cánh đồng thấy 7 lính Mỹ đóng ở Lùm Bà đang đi về hướng sau hè nhà mình. Tau để ý hắn lên đây phục 2 lần, tau biết hắn sẽ phục lại chỗ cũ ni. Tau mang quả pháo 105 cải tiến giấu ngay chỗ mai phục. Một quả khác tau giấu vào gốc dừa, chặng đường rút lui. Hai quả nữa tau rị ngọn tre xuống làm đòn chặn máy bay HU1A tiếp ứng. Chờ trời sẫm tối, thấy 7 thằng quay về, để lại 7 thằng mai phục. Tau bấm cho nổ, 3 thằng chết tại chỗ, 4 thằng bị thương nặng. Thấy đồng đội bị thương nó vào khiêng, vướng trúng quả mìn mà tau cài sẵn, làm chúng tan tành. Như dự đoán, trực thăng đến liền, chuẩn bị hạ cánh bị hai quả mìn phát nổ, chúng thấy nguy hiểm, bỏ về tăng cường lực lượng xuống lấy xác” - ông Là cười bảo.
Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, tham gia du kích, nhưng ông Là chỉ đánh những kẻ xâm lược, còn những người lính Việt Nam Cộng hòa quá hung hăng thì ông mới trị, vì có khi họ bị ép đi lính. Với những chiến công oanh liệt trong thời chống Mỹ, cứu nước, ông Đặng Là nhiều lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Ông xứng đáng được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, bao lần địa phương động viên làm hồ sơ nhưng ông đều từ chối. “Bây giờ đất nước đã thống nhất, nhìn thấy quê hương ngày càng phát triển, người dân ngày càng ấm no, giàu có mình vui rồi. Điều quan trọng là Nhà nước còn ghi nhận công lao của mình, mọi người còn nhớ mình, chính quyền nhớ mình là mình thấy vui rồi” - ông Là cười hiền.
MINH QUÂN