Không chỉ ở khu vực đô thị, ngay ở vùng nông thôn, miền núi, không gian cộng cộng vẫn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi. Đặc biệt, một khi đây chính là cầu nối mang tính cố kết cộng đồng, mang hơi thở của những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi vùng đất...
hoạt động văn nghệ tại không gian Vườn tượng An Hội, Hội An. Ảnh: LÊ QUÂN |
Đưa nghệ thuật vào không gian sống
Ngay trong sự kiện “Những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hội An” lần thứ II, nhiều người bạn xứ kim chi tỏ ra ngạc nhiên lẫn thích thú khi các bạn trẻ Việt Nam hào hứng tham gia những hoạt động do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tổ chức. Bà Park Hye Jin – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc chia sẻ, ở các đường phố của Hàn Quốc, việc tổ chức các hoạt động biểu diễn như vậy không có gì lạ. Nhưng ngay tại Việt Nam, khi một hoạt động tổ chức ở ngoài trời, cụ thể tại công viên như vậy, có sự tham gia của người dân lẫn du khách, lại là bất ngờ với bà. Ở nhiều đô thị lớn trên thế giới, không gian công cộng ngoài là nơi tập trung người dân cùng những hoạt động cộng đồng, còn mang vai trò là những bảo tàng sống động của nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc và những nghệ thuật đường phố đầy màu sắc. Cấu trúc không gian công cộng được hợp nhất bởi các tác phẩm điêu khắc, tranh tường, các trang trí, nghệ thuật sắp đặt...
Mở lòng mình thử ngắm nhìn những bức tượng điêu khắc bằng đá đang đặt tại Quảng trường 24.3 (TP.Tam Kỳ) hay tại Vườn tượng An Hội (TP.Hội An), nhiều người nói nó mang cảm giác rất khác lạ. Cũng là thưởng thức nghệ thuật, nhưng khi đóng khung tác phẩm trong các tòa nhà, lại khiến người xem mang một tinh thần khác. Tổng giám đốc của UN-Habitat, TS. Joan Clos đã phát biểu rằng: “Đặc tính của một thành phố được xây dựng trên cơ sở nào? Chính là không gian công cộng. Không gian công cộng chứ không phải là không gian của một cá nhân nào. Giá trị của không gian công cộng nằm ở chỗ nó có ảnh hưởng tốt tới giá trị của không gian riêng tư. Chúng ta nên tạo điều kiện để cho mọi người thấy rằng không gian công cộng là tài sản của mọi người, của cả thành phố”. Và chính tổ chức này đã thiết lập nên chương trình “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” bắt đầu năm 2015, bằng dự án tranh bích họa tại Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), và lan tỏa nó trên khắp Việt Nam.
Không phải dễ dàng để có một quỹ đất dành cho không gian công cộng ở đô thị. Nhưng muốn một vùng đất phát triển mang tính bền vững, buộc phải có một nơi để người dân... nhìn thấy nhau. Trong lần vẽ miễn phí tại làng bích họa Tam Thanh, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, không gian công cộng ngoài việc góp phần định hình các trục giao thông, còn là những biểu tượng của một khu phố, một thành phố, hay của cả một quốc gia. Chính thông qua các không gian công cộng, nghệ thuật công cộng mà những nét bản sắc, độc đáo trong văn hóa vùng, thành phố được biểu hiện.
Kết nối ở miền núi
Khác với sự chật chội của đô thị quá khó trong việc quy hoạch một không gian công cộng, ngược lại, ở miền núi, khoảng cách giữa các vùng dân cư quá xa lại gây khó. Chưa kể, với cộng đồng miền núi, nhà làng cùng quần thể các kiến trúc xung quanh chính là nơi họ sinh hoạt và biểu hiện các tập tục của mình. Tuy nhiên, hiện nay, không gian kiến trúc của nhà làng truyền thống đang bị mai một đến mức báo động. Ông Đặng Tấn Giản - Phó ban Dân tộc tỉnh cho biết, hiện nay các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gặp nguy cơ cao về những biến dạng, mất mát. “Một số nhà sàn của đồng bào đang có nguy cơ mất dần, ngoài những khu định cư mới thì hầu hết nhà sàn làm bằng nhà bê tông. Từ Nam Trà My, Đông Giang đến Tây Giang đều gặp tình trạng như vậy” - ông Đặng Tấn Giản chia sẻ. Theo Sở VH-TT&DL, hiện nay, vì kinh phí đầu tư phục dựng nhà sàn rất lớn nên không thể làm đại trà.
“Khi mất nhà sàn, du lịch cộng đồng miền núi sẽ không phát triển. Đây là điều cần phải được bảo tồn sớm. Đời sống kinh tế sẽ ảnh hưởng hiện trạng của văn hóa, tuy nhiên, ở miền núi, các dự án kinh tế, phát triển sản xuất vẫn còn hạn chế, nhiều mô hình chưa hoàn thành. Chủ trương xây dựng chuỗi giá trị ở miền núi còn gặp khó, một số xã biên giới tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao” - ông Giản nói. Theo ông, việc đầu tư ở miền núi cần mang tính chia sẻ, vì văn hóa miền núi, truyền thống tộc họ lâu đời còn rất mạnh mẽ trong đời sống của đồng bào. Trong khi đó, nhận thức của đồng bào về từng dự án chính sách còn rất mù mờ...
Sở VH-TT&DL đang khảo sát các địa phương miền núi để hoàn thiện đề án về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào. Một không gian công cộng, trong đó có nhà làng theo đúng bản sắc văn hóa sẽ được quan tâm đầu tư khôi phục...
LÊ QUÂN