Gần 2 năm nay, những đội phản ứng nhanh do Hội LHPN xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức) thành lập đã trở thành địa chỉ tin cậy, giải quyết được nhiều vụ bất hòa, tránh nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình trên địa bàn.
Trước đây, chị L.T.N. từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Sau khi sinh, chị ở nhà chăm con, trong khi đó chồng chị - anh L.V.H. không lo làm ăn lại sa vào cờ bạc. Mỗi khi thiếu tiền anh H. lại đánh vợ. Biết được hoàn cảnh này, thành viên của đội phản ứng nhanh thôn Ngọc Lâm nhiều lần đến nhà hòa giải, cùng trao đổi chia sẻ tâm tư với anh H. Nhờ đó, từ tháng 7.2015 đến nay, vợ chồng anh H. thuận hòa, chị N. không còn sống với cảnh nửa đêm phải ôm con chạy sang nhà hàng xóm. Không riêng gì chị N., đã có không ít trường hợp ở thôn Ngọc Lâm nhờ sự can thiệp kịp thời của đội phản ứng nhanh đã giữ vững được hạnh phúc gia đình.
Theo bà Nguyễn Thị Tư - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Lâm, sau khi tham quan các mô hình ở phía bắc, áp dụng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, Hội LHPN xã đã đề xuất thành lập mô hình này, và đang thực hiện thí điểm tại hai thôn Ngọc Lâm và Nhì Đông. “Ở địa phương, tình trạng bạo lực thường xuyên diễn ra, thường thì các mối bất hòa cứ kéo dài từ năm này qua năm khác. Đội phản ứng nhanh gồm những con người khách quan sẽ đứng ra giải quyết các mâu thuẫn vợ chồng, phòng chống bạo lực gia đình, tiến tới bình đẳng giới” - bà Nguyễn Thị Tư nói. Bà Tư cho biết, mỗi đội phản ứng nhạnh có 7 - 10 thành viên do Trưởng chi hội Phụ nữ thôn làm đội trưởng. Tham gia đội phản ứng nhanh còn có sự kết hợp của công an, mặt trận và các hội đoàn thể của thôn. Khi nhận được thông tin về gia đình có bất hòa, đội trưởng tập trung thành viên để cùng hội ý, sau đó phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách. “Nếu đó là vợ chồng trẻ sẽ để thành viên là thanh niên phụ trách, người lớn tuổi hơn thì giao cho người cao tuổi, nếu mâu thuẫn đến từ cả hai vợ chồng thì chia nhau ra làm công tác tư tưởng với từng người. Tùy tình huống mà linh động. Nếu trường hợp cấp thiết thì can thiệp ngay lúc đó, các thành viên thông tin cho nhau và đến ngay” - bà Tư cho biết thêm.
Một buổi triển khai của đội phản ứng nhanh phụ nữ xã Bình Lâm về Luật Phòng chống bạo lực gia đình. (Ảnh do Hội LHPN xã Bình Lâm cung cấp) |
Nhớ lại những ngày đầu mới đi vào hoạt động, bà Lê Thị Tùng - Đội trưởng đội phản ứng nhanh thôn Ngọc Lâm chia sẻ: “Những trường hợp đầu tiên mà đội đến hòa giải, khó khăn lắm. Những người chồng hay đánh vợ, lúc mình đến, họ nói chuyện nhà họ mình không được can dự. Trong khi đó người vợ vì giữ thể diện gia đình nên không muốn kể chuyện nội bộ trong gia đình. Nhưng rồi, khi các thành viên ai cũng kiên trì thì mọi việc đều qua. Bây giờ đã thành nếp quen, mỗi khi bị bạo lực, chị em đã tự giác nhờ đội phản ứng nhanh can thiệp, hỗ trợ”. Để được mọi người trong thôn tin tưởng, thành viên trong đội phản ứng nhanh phải gần gũi, tâm lý. Đến gia đình để hòa giải giống như một người bạn, một người thân đến hỏi thăm tình hình trong nhà, phân tích vấn đề để câu chuyện lắng xuống, từ lớn thành bé, từ bé hóa không. “Đêm khuya anh N. say về đánh vợ, chúng tôi đến chỉ hỏi “chi rứa bây” rồi dần dần tiếp cận câu chuyện. Tối đó chỉ cần giải quyết cho êm. Hôm sau khi đã rõ mọi chuyện, mình phụ nữ thì nói chuyện với vợ, còn anh N. thì giao cho cánh đàn ông trong đội, lựa lời khuyên bảo nhau” - bà Tùng cho biết thêm. Không những thế, một trong những yêu cầu mà thành viên đội phải tuân thủ đó là “giữ bí mật chuyện gia đình của người mình tham gia hòa giải”. Nhờ đó, mọi người càng thêm quý trọng và cởi mở với các thành viên trong đội khi gia đình xảy ra chuyện cơm không lành canh không ngọt.
Từ khi thành lập đến nay, các đội phản ứng nhanh trên địa bàn xã Bình Lâm đã giúp đỡ 12 gia đình giải quyết được các mối bất hòa, sống hòa thuận, thoát khỏi nguy cơ ly hôn. Đặc biệt, có người từ ghen tuông, đánh đập vợ sau hòa giải đã trở thành thành viên tích cực của đội phản ứng nhanh. Bà Nguyễn Phương Hoài Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hiệp đức cho biết: “Mặc dù không có bất kỳ chế độ nào, làm công việc này giống như “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhiều khi lại bị hiểu lầm, liên lụy, nhưng các chị trong đội phản ứng nhanh rất tâm huyết, rất có trách nhiệm và đã lấy được lòng tin của bà con trên địa bàn”.
Sau gần hai năm thành lập, thí điểm mô hình đội phản ứng nhanh của xã Bình lâm đã đi vào nền nếp và hoạt động có hiệu quả, trở thành địa chỉ tin cậy cho nhân dân trên địa bàn. Đây là một cách làm hay, cần được nhân rộng. Tuy nhiên, về lâu dài, thành viên các đội phản ứng nhanh mong muốn có những khóa tập huấn để nâng cao năng lực và hiểu rõ pháp luật, phục vụ cho đội viên trong quá trình can thiệp hòa giải.
THU SƯƠNG