Đối phó với biến đổi khí hậu: Đâu là sự thích ứng hoàn hảo?

BÍCH HẠNH 20/11/2013 09:40

Hôm qua 19.11, tại TP. Tam Kỳ diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Biến đổi khí hậu khu vực miền Trung- Tây Nguyên: thách thức và giải pháp ứng phó”, do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức. Diễn đàn đã thu hút nhiều ý kiến, hiến kế của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý nhằm giúp các địa phương tích lũy kinh nghiệm có thể “sống chung” với sự “trái nết” của thiên nhiên.
Diễn biến khó lường

Nằm trong vùng dễ bị tổn thương nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Quảng Nam đã, đang và sẽ tiếp tục gánh chịu nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội. Tác hại gần đây nhất của khu vực miền Trung – Tây Nguyên là tình trạng hạn hán, bão, lũ lụt… ngày càng khốc liệt hơn. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, BĐKH đã phá hoại nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường. Theo bà Lê Thị Nguyện, Trưởng bộ môn Địa lý tài nguyên – môi trường (Khoa Địa lý – địa chất, trường Đại học Khoa học Huế), hiện tượng nước biển dâng mỗi năm đã “ngoạm” hàng chục héc ta bờ biển thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế), làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường nước và đất.

Người dân vùng biển là đối tượng dễ bị tổn thương nhất của biến đổi khí hậu. Ảnh: B.H
Người dân vùng biển là đối tượng dễ bị tổn thương nhất của biến đổi khí hậu. Ảnh: B.H

Nhiều đại biểu các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên nhận định rằng, BĐKH gây thiệt hại nghiêm trọng nhất ở lĩnh vực nông nghiệp. TS. Y.Ghi Niê – Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đắc Lắc cho biết, sự thay đổi bất thường của BĐKH ở khu vực Tây Nguyên gần đây đã gây nhiều khó khăn cho giới khoa học lẫn người dân địa phương khi “bắt bệnh” thời tiết phục vụ cho sản xuất. Điển hình là thiên tai năm 2013, đầu năm thì hạn hán kéo dài, mùa màng thất bát; cuối năm thì mưa nhiều kéo theo lũ quét cuốn chết 10 người dân, 2.428 ngôi nhà bị ngập, 35 công trình thủy lợi lớn nhỏ bị hư hỏng… Trong khi đó, tại Quảng Nam, BĐKH làm gia tăng các loại hình thời tiết cực đoan. Các loại thiên tai xuất hiện thường là bão lũ, dông sét, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, áp thấp nhiệt đới… Sức tàn phá khủng khiếp nhất luôn là bão lũ, sau bão là hiện tượng lũ quét xảy ra bất ngờ, gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Lưu vực Vu Gia – Thu Bồn qua các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An mỗi năm bị sạt lở hàng chục ki lô mét bờ sông. Thêm vào đó, các địa phương trong tỉnh còn đối mặt với lốc, sét. Những năm gần đây, thường thì bắt đầu từ tháng 5, nắng nóng cục bộ kéo dài; nạn xâm nhập mặn xảy ra, trong khi hạn hán làm các sông Vĩnh Điện, Thu Bồn, Tam Kỳ nhiễm mặn nặng. Tuy nhiên, vào mùa mưa thì bão lũ xuất hiện với tần suất và cường độ ngày càng tăng, riêng năm nay Quảng Nam đã bị ảnh hưởng 15 cơn bão và nhiều đợt áp thấp nhiệt đới.

Chủ động thích ứng

TS. Võ Văn Minh, Trưởng Khoa Sinh – môi trường (trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng), Trưởng nhóm Nghiên cứu – giảng dạy “Môi trường và tài nguyên sinh học Đà Nẵng” đặt vấn đề, tại sao ở các đảo Trường Sa đầy phong ba bão táp, nhiều loại rau xanh vẫn sinh trưởng tốt, trong khi các tỉnh, thành miền Trung có nguồn lực đất đai dồi dồi mà không vực dậy nền nông nghiệp mới? Theo ông, khu vực ven biển miền Trung cần có định hướng, thay đổi tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các giống cây chịu mặn, chịu hạn, kháng sâu bệnh, bố trí cây trồng theo mùa vụ bằng cách sử dụng nguồn gen bản địa. Ở Quảng Nam, nên hướng đến nền nông nghiệp “chấp nhận” với bất thường của BĐKH. “Sự thành công của nhiều mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP hay nuôi tôm trên cát ở một số địa phương trong tỉnh một phần do người dân biết vận dụng mô hình nông nghiệp sinh thái. Họ không san lấp để trồng trên diện tích lớn mà tiến hành sản xuất trên các vùng tự nhiên sẵn có, giữ lại cây trồng phòng hộ xung quanh. Bằng kinh nghiệm đó, mà người dân hạn chế được tối đa các tác động bất lợi của điều kiện thời tiết cực đoan” – TS. Minh dẫn chứng.

Trong các nhóm giải pháp về chủ động thích ứng với BĐKH, thời gian đến, Quảng Nam tập trung đột phá phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tạo ra tăng trưởng xanh nhằm đảm bảo an ninh lương thực, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và ổn định sinh kế cho người dân. Thêm vào đó, không ngừng nâng cao nhận thức cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ để dự báo và phòng ngửa rủi ro thiên tai…
(Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang)

Còn nhóm nghiên cứu của GS.TS. Nguyễn Thế Hùng và Th.S. Tô Thúy Nga (trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) thì đề xuất quy tắc vận hành xả lũ an toàn cho hệ thống hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vào mùa mưa. Theo GS.TS. Nguyễn Thế Hùng, trong mùa lũ, khi không có lũ, các hồ chứa được tích nước đến cao trình lớn hơn mực nước đón lũ đã được quy định trong quy trình liên hồ chứa đã ban hành. Nếu dự báo 48 giờ tới xuất hiện lũ, lưu lượng đến các hồ chứa vượt các mức quy định, nếu mực nước hồ cao hơn mực nước đón lũ, các hồ chứa phải xả nước để đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ trước khi xảy ra lũ 24 giờ.

Tại hội thảo, báo cáo tham luận của các địa phương cũng tập trung vào nhóm giải pháp như nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó BĐKH của người dân thông qua việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; dạy kỹ năng bơi lội cho trẻ em, kỹ năng phòng chống thiên tai; chuyển đổi mô hình sinh kế; bổ sung chính sách an sinh xã hội cho các nhóm dễ bị tổn thương… Theo GS.TS Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, khu vực miền Trung – Tây Nguyên là “tâm điểm” chịu ảnh hưởng của BĐKH rõ rệt nhất, đe dọa an ninh lương thực và năng lượng, môi trường và đời sống xã hội. Hạn hán, bão lũ, nhiệt độ trái đất nóng lên… đang đặt ra nhiều thách thức. Ở các tỉnh duyên hải miền Trung, đặc biệt Quảng Nam việc giữ cân bằng hệ sinh thái ven biển sẽ có ý nghĩa tối quan trọng đối với việc phát triển nền nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

BÍCH HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đối phó với biến đổi khí hậu: Đâu là sự thích ứng hoàn hảo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO