Ngày mai, 20.7 là thời hạn mà Tổng cục Đường bộ yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện về việc đổi tên gọi các trạm BOT giao thông từ trạm thu giá sang trạm thu phí. Theo văn bản Tổng cục Đường bộ gửi đi: các nhà đầu tư thay thế từ “giá” bằng từ “phí” trong các cụm từ “trạm thu giá”, “biểu giá”, “mức giá” trên hệ thống biển tên trạm, biển chỉ dẫn, tên bảng niêm yết mức thu và trên vé tại các trạm thu phí. Riêng đối với các vé đã in, các chủ đầu tư có thể tiếp tục sử dụng hết đến khi phát hành vé mới. Việc thay đổi này được Tổng cục Đường bộ cho là để thống nhất tên gọi dễ hiểu, đơn giản, được người dân và doanh nghiệp đồng tình chấp thuận. Dân gian có câu rất hay đặt tên cho việc làm này: mèo lại hoàn mèo!
Từ chuyện vừa nêu của Bộ GTVT, lại nhớ đến đề xuất đổi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” của Bộ GD-ĐT khiến dư luận phản ứng cách đây không lâu. Trong khi phiếm luận quanh chữ “giá dịch vụ đào tạo” vẫn chưa thôi hết cảm hứng với các họa sĩ biếm thì mới đây nhất, vụ việc sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hà Giang bị phanh phui. Với hơn 330 bài thi của 114 thí sinh bị can thiệp, sửa nâng điểm; dư luận lại mổ xẻ những bất cập trong cách thức tổ chức kỳ thi “2 trong 1” này (kỳ thi THPT quốc gia với mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa lấy đó làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng). Chỉ cần đổi trong tích tắc, thí sinh rớt thành đậu.
Với tổng điểm (tổ hợp 3 môn) được nâng thêm nhiều nhất là 29,95 điểm xảy ra tại Hà Giang, các trường đại học, nhất là các trường đại học top trên sẽ lo ngại đầu vào. Ai dám chắc, những năm trước, sẽ không có nhiều kết quả đảo lộn?
Và như hiệu ứng domino, các giảng viên đang mơ về giả thuyết: sẽ quay lại cách thi đại học trước đây tức thi riêng, chứ không thi theo hình thức như hiện tại (!?). Dư luận cũng đang phân vân, liệu “mèo có hoàn mèo” nếu tiếp tục có những “Hà Giang” khác xuất hiện trên cả nước; cho dù Bộ GD-ĐT khẳng định vẫn tiếp tục giữ nguyên kỳ thi THPT Quốc gia trong những năm tới.
Một giảng viên Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh cho biết, trên thực tế hiện nay, Bộ GD-ĐT đang nắm giữ và chỉ đạo công tác tuyển sinh. Vì vậy, các trường đại học bị phụ thuộc ở nhiều khâu như: ngày tổ chức kỳ thi tuyển sinh trong cả nước, việc phát hành hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh và việc nhận hồ sơ. Chưa nói đến chất lượng đầu vào từ kỳ thi “2 trong 1”, riêng điều này đã gây khó khăn rất lớn cho các trường đại học.
Từ năm 2015 đến nay, sau 4 năm thực hiện kỳ thi “2 trong 1”, mục tiêu mà Bộ GD-ĐT đề ra là giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh và xã hội, đồng thời đánh giá tốt hơn trình độ của học sinh, liệu đã đạt được? Vẫn chưa thấy Bộ đưa ra con số đánh giá nào để người dân tin rằng mục tiêu đó đã đạt được đôi phần. Phải chăng, chỉ là chuyển từ áp lực này sang áp lực khác, hình thức tốn kém này sang tốn kém khác. Đề xuất về việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục nằm trong phần tranh luận, loay hoay giữa giữ và bỏ. Trong khi đó, tỷ lệ tốt nghiệp những năm gần đây đều từ 90% trở lên.
C.B.L