Đội tàu "67" và niềm tin biển cả

TẤN CHÂU 04/03/2016 08:27

Núi Thành là địa phương trọng điểm của tỉnh về khai thác hải sản. Và mới đây, nghệ thuật “Hát bả trạo” tại địa phương này được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã cổ vũ bà con ngư dân quyết bám biển, vươn khơi xa, phát triển kinh tế; đồng thời khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cư dân vùng biển.

Đội tàu công suất lớn

Hiện nay, nghề khai thác hải sản khơi xa thường đa dạng chủng loại hải sản, trong khi đó sản lượng đánh bắt và giá trị kinh tế cao, việc phát triển nghề vươn khơi xa là mong ước của nhiều ngư dân Núi Thành. Năm 2015, địa phương này có 1.505 tàu thuyền khai thác hải sản với tổng công suất máy 123.250CV. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 247 phương tiện có công suất máy từ 90CV trở lên, chiếm chưa tới 20% tổng số tàu thuyền.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao Bằng công nhận Di sản phi vật thể cấp quốc gia Hát bả trạo. Ảnh: TẤN CHÂU
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao Bằng công nhận Di sản phi vật thể cấp quốc gia Hát bả trạo. Ảnh: TẤN CHÂU

Kết thúc mùa biển năm ngoái, ngư dân toàn huyện Núi Thành khai thác được 42.000 tấn hải sản các loại, tăng hơn 5% so với năm 2014. Mùa biển năm nay, số phương tiện hành nghề khai thác hải sản của huyện thêm hùng hậu nhờ có số tàu cá đóng mới từ Nghị định 67/CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, đến nay, các xã miền biển của huyện Núi Thành có 49 dự án trong tổng số 50 dự án “tàu cá 67” đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện. Trong đó hiện có 14 tàu vỏ gỗ và 8 tàu thép đang được đóng mới, 14 tàu đã hạ thủy vươn khơi đánh bắt và làm dịch vụ hậu cần khai thác hải sản. Hầu hết phương tiện này gắn máy công suất từ 700CV trở lên và có đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ khai thác hiệu quả như máy dò cá quét ngang, máy bộ đàm... Tại xã Tam Giang, đến nay đã có 3 chiếc tàu vỏ gỗ hạ thủy và một tàu sắt cỡ lớn sắp hạ thủy. Chiếc tàu vỏ thép hiện đại của anh Phan Bá Tầm (thôn Đông Xuân, Tam Giang) đạp sóng ra khơi ngay sau tết, tràn đầy hy vọng một năm khai thác thắng lợi. Anh Tầm nói: “Thật sự nếu không có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước thì chúng tôi không thể có được con tàu mơ ước như thế này. Hiện nay, anh em chúng tôi hình thành một đoàn tàu công suất lớn  5 - 10 chiếc để gắn bó, bảo vệ với nhau, hỗ trợ khai thác đánh bắt và bảo vệ chủ quyền đất nước…”.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, việc thành lập, ra mắt đội tàu công suất lớn là điều kiện hết sức quan trọng để địa phương phát triển ngành hải sản và góp phần cùng với các lực lượng bảo vệ vùng biển đảo của quốc gia.  

Di sản văn hóa phi vật thể

Sự kiện Bộ VH-TT&DL mới đây công nhận “Hát bả trạo” tại huyện Núi Thành là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trở thành niềm vinh dự và tự hào của cán bộ và nhân dân địa phương, nhất là đối với các xã vùng biển. Hiện nay, các địa phương ven biển của tỉnh đều có đội hát bả trạo. Loại hình nghệ thuật này thường xuất hiện trong lễ hội cầu ngư truyền thống của cư dân miền sông nước. Tại Núi Thành, để gìn giữ và phát huy giá trị của hát bả trạo, thời gian qua huyện đã khảo sát, thống kê trên địa bàn có 31 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh, hơn 75 di tích đang tiếp tục khảo sát. Ông Lê Văn Minh (thôn Đông Tân, Tam Hòa) được xem là người rất tâm huyết với loại hình nghệ thuật này. “Bản sắc dân tộc và phong tục tập quán thì chúng tôi không bao giờ quên, và muốn làm sao duy trì mãi mãi chứ không phải đời của tôi là hết. Xã hội làm sao đây phải khích lệ, động viên, phải có hình thức như thế nào đó, thì “hát bả trạo” mới tồn tại mãi mãi, còn nếu không thì mất” - ông Minh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó chủ tịch UBND huyện Núi Thành, trước mắt, địa phương xây dựng ít nhất mỗi xã có một đội “Hát bả trạo” chuyên nghiệp, từ đó tiếp tục tuyên truyền nhân rộng hình thức này. “Sắp tới đây, chúng tôi giao cho ngành văn hóa thể thao huyện tổ chức các lớp tập huấn cho những thanh niên có điều kiện tham gia loại hình nghệ thuật này, những người có khả năng không nhiều cho nên bồi dưỡng nghệ thuật “Hát bả trạo” là hết sức cần thiết” - ông Thịnh nói.

Khai thác hải sản xa bờ được Quảng Nam xác định là một hướng chính trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với huyện Núi Thành, việc phát huy loại hình nghệ thuật hát bả trạo cũng như phát triển đội “tàu cá 67” như một động lực mới, cổ vũ bà con ngư dân vững tin hơn để bám biển vươn khơi.

TẤN CHÂU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đội tàu "67" và niềm tin biển cả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO