Đổi thay A Duông 2

LĂNG A CÚI 03/10/2013 09:06

Tôi trở lại A Duông 2 khi trời đứng bóng trên nóc gươl làng. Từ trên đồi cao nhìn xuống, những mái tôn lóa màu nắng óng ánh. Con đường mới mở tinh khôi; tiếng nhạc réo rắt, ngân vang… A Duông 2 bây giờ đã đổi thay nhiều.

  • Thương lắm A Duông 2!
Có điện, nhiều gia đình ở A Duông 2 đã mua sắm ti vi.Ảnh: Lăng A Cúi
Có điện, nhiều gia đình ở A Duông 2 đã mua sắm ti vi.Ảnh: Lăng A Cúi

Qua thời gian khó

Hơn một năm trước, nhắc đến A Duông 2 (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang), nhiều người không khỏi ái ngại. Không đường sá, trường trạm, điện đóm,… A Duông 2 dường như tách biệt với thế giới bên ngoài. Hôm nay trở lại, A Duông 2 đón chúng tôi bằng con đường đất dài uốn lượn nối với đường mòn Hồ Chí Minh tại chân cầu A Vương. Xa xa phía những ngọn đồi cao vút, những trụ điện “mọc” lô nhô, đưa dòng điện về thắp sáng buôn làng.

Thấy có khách, cậu bé 4 tuổi tay cầm khúc mía đánh mạnh vào người bố khi ông mải xem ti vi. Nằm sát gươl, căn nhà cấp 4 nền gạch men vừa mới hoàn thành của Trưởng thôn Ating Ký treo khá nhiều giấy khen. “Ti vi có nhiều chương trình hay, xem không biết chán. Xưa nay có biết phim ảnh, tin tức gì đâu” - ông Ký tỏ bày, trải chiếu mời khách. Chiếc ti vi ông mua cách đây vài tháng, sau đợt gom tiền bán thóc vụ mùa trước và cũng là chiếc ti vi đầu tiên của làng, khi điện lưới quốc gia được kéo về hồi tháng 9.2012. Ông Ký bấm ngón tay nhẩm tính, cười bảo: “Thôn gồm 26 hộ (125 nhân khẩu), giờ đã có 20 cái ti vi rồi, chỉ còn vài hộ chưa mua nữa thôi”.

Ngày hệ thống điện được kéo về, đồng bào Cơ Tu ở thôn A Duông 2 quyết định nghỉ đi rẫy để tổ chức ăn mừng. Tối hôm đó, già trẻ, trai gái quây quần tại gươl, say sưa nói chuyện cho đến tận khuya. Rồi con đường mới dài gần 7 cây số được bạt núi mở về tận ngõ thôn vào đầu năm 2013 càng khiến niềm vui của đồng bào nhân lên gấp bội. “Có điện thắp sáng, đường đi lại, ai cũng ra sức làm ăn, phát triển kinh tế. Thôn A Duông 2 của mình không thể để thua các thôn khác mãi được” - già làng Ating Lăng nói. Cũng như già Lăng, người dân ở thôn A Duông 2 này ai cũng quyết tâm xóa đói, thoát nghèo bền vững. Những vườn chuối thâm canh, những mô hình chăn nuôi gia súc,… đang cho hiệu quả kinh tế ổn định là tín hiệu đáng mừng, là công sức của đồng bào cho sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Già Lăng kể, người dân ở A Duông 2 đều coi nhau như anh em một nhà. Nhà nào có việc, đồng bào đều tự ý đến giúp mà không đợi đến sự huy động của già làng, trưởng bản. Bởi ở đây, chuyện gia đình được xem như việc chung của làng…

Trưa. Tiếng trẻ con cười đùa trên đường đến lớp học. Trưởng thôn Ating Ký lật giở cuốn sổ đã ngả vàng vì khói bếp, ghi ghi cộng cộng rồi cho biết, thôn hiện có 42 học sinh đang học phổ thông và 1 cháu học đại học. Câu chuyện của chúng tôi trở nên hào hứng hẳn khi bàn đến chuyện học. Ai cũng vui mừng với ý nghĩ không chỉ có một, mà vài ba năm nữa, làng sẽ có hai, ba và nhiều con em học đại học, học nghề... rồi về làm cán bộ, góp phần xây dựng quê hương.

Chiếc xe máy của làng

Anh Alăng Nghị kéo hết tay ga chiếc xe máy để kiểm tra động cơ sau một hồi loay hoay xịt rửa bùn đất. Tiếng máy nổ vang khiến lũ trẻ con tụm đến chăm chú nhìn, cười tít mắt tỏ vẻ thích thú. “Xưa giờ, người làng A Duông 2 này không ai nghĩ tới chuyện có ngày được đi trên xe máy từ thị trấn P’rao về tận nhà đâu. Nhưng bây giờ thì khác rồi, có điều cả làng mới chỉ có một chiếc xe máy này thôi” - anh Nghị nói. Kể từ khi con đường mới được mở về tận A Duông 2 đến nay, chiếc xe máy của già Alăng Đia mua cho con trai Alăng Nghị trở thành phương tiện “chung” duy nhất của cả làng mỗi khi có việc cần. Bởi vậy, hễ có công việc gì cần thiết, già Đia cũng gật đầu đồng ý để người dân trong thôn mượn mà không đòi hỏi một thứ gì. Anh Nghị vì thế cũng trở thành “lái xe riêng” cho cả làng, có khi một ngày phải chạy đến 2 - 3 chuyến.

Alăng Nghị cũng vừa hoàn thành nhiệm vụ đón đoàn thiện nguyện của Câu lạc bộ từ thiện Sharing The Life (TP.Đà Nẵng) đến trao quà cho đồng bào. Anh đã phải chạy nhiều chuyến xe để thồ hàng về tận thôn và nay đang chùi rửa, kiểm tra lại chiếc xe chung của làng. “Xong việc rồi. Mai cho nó (xe máy - PV) nghỉ!” - anh Nghị vỗ nhẹ yên xe, nói. Hay như hồi đầu tháng, có người dân trong làng bị đau phải chuyển lên bệnh viện huyện, chiếc xe máy của già Đia với “lái xe” Alăng Nghị đã góp công không nhỏ trong việc cứu người bệnh kịp thời. “Có lúc, dù đêm hôm nhưng khi dân có việc cần kíp, già Đia cũng sẵn lòng cho mượn và giao nhiệm vụ cho con trai chạy xe giúp người làng” - trưởng thôn Ating Ký cho hay.

Ông Alăng Pari - Chủ tịch UBND thị trấn P’rao nói đùa rằng, đời sống văn hóa ở thôn A Duông 2 đang dần “giao thoa” với xã hội hiện đại. Từ các công trình điện lưới, đường sá,… cho đến việc học hành của con em họ cũng đổi mới rất nhiều so với những năm trước đây. Ông Chủ tịch thị trấn cũng chia sẻ với những khó khăn của người dân thôn A Duông 2, nhất là con đường chưa đảm bảo, gây khó khăn cho việc đi lại vào mùa mưa. “Người dân có nông sản nhưng chưa tìm được đầu ra phù hợp do việc đi lại còn khó khăn” - ông Pari nói.

Ngồi trong gươl nhìn về phía sân làng, những tấm bạt trải rộng để phơi thóc được xếp ngay ngắn. Vài phụ nữ vừa trở về từ buổi thu hoạch thóc rẫy, tranh thủ ngồi dội rửa những bó rau rừng bên hệ thống nước sinh hoạt tự chảy, nói cười giòn tan.

LĂNG A CÚI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi thay A Duông 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO