Đổi thay Đắc Pring

ALĂNG NGƯỚC 25/08/2023 09:05

Bằng tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, chỉ sau hơn 10 năm triển khai các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, chất lượng đời sống của người dân xã Đắc Pring (Nam Giang) có nhiều chuyển biến, tạo động lực thúc đẩy quá trình đổi thay diện mạo vùng biên.

Thương mại dịch vụ ngày càng được mở rộng, giúp người dân Đắc Pring mua sắm thuận lợi hơn. Ảnh: A.N
Thương mại dịch vụ ngày càng được mở rộng, giúp người dân Đắc Pring mua sắm thuận lợi hơn. Ảnh: A.N

Nâng cao chất lượng sống

Không cam chịu đói nghèo, sau thời gian lập gia đình, Zơrâm Khôn (trú thôn 48) đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách để thực hiện các dự án phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi gia súc kết hợp trồng cây ăn quả.

Sau vài năm triển khai, mô hình đem lại hiệu quả bước đầu, giúp Zơrâm Khôn có thêm động lực mở rộng quy mô chuồng trại, trồng thêm nhiều loại cây ăn quả để nâng cao thu nhập.

Zơrâm Khôn nói, quá trình hình thành mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả này có phần hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. “Năm 2017, tôi bắt đầu triển khai mô hình chăn nuôi trâu, bò. Thời điểm mới làm ăn, tôi gặp không ít khó khăn do nguồn vốn ít, lại mới lập gia đình.

Sau này, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi có cơ hội đầu tư mở rộng. Đến nay, tôi có tổng cộng 16 con trâu bò cùng 2ha vườn trồng cam Vinh và bưởi da xanh. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày một đi lên, giúp tôi dần ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững” - Zơrâm Khôn chia sẻ.

Ông Hiên Phuột - Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Pring cho hay, Zơrâm Khôn là một trong số nhiều hộ dân tại địa phương thoát nghèo từ các mô hình sinh kế bền vững. Như hộ Arất Thị Liên (trú thôn 48), sau khi tách hộ vào năm 2011 đã bắt tay vào đầu tư trồng, chăm sóc cây rang ray, mở hướng phát triển kinh tế từ sản vật của vùng.

Hơn 2 năm nay, khi những cây rang ray cho lá ngày một nhiều, ngoài xuất bán cây giống, chị Liên bắt đầu học cách làm muối ớt rang ray, cung ứng cho thị trường lân cận. Trung bình mỗi tuần, chị Liên xuất bán hơn 100 lọ muối ớt, có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Hay như hộ Đặng Văn Phương (trú thôn 49A), với tinh thần cần cù, chịu khó, thời gian qua anh đã chăm chút phát triển đàn dê, bò, nuôi dúi rừng và buôn bán nông sản địa phương, cho thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng.

“Những năm gần đây, thông qua các chương trình hỗ trợ cây giống con vật nuôi, chúng tôi xây dựng kế hoạch giúp người dân tiếp cận các mô hình sinh kế phát triển. Bằng sự đồng hành này, cùng với nỗ lực của người dân, nhiều hộ đã nhanh chóng thay đổi tư duy làm ăn, trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Hiên Phuột nói.

Hướng đến mục tiêu giảm nghèo

Từng là địa phương cách trở và khó khăn của Nam Giang, bằng hướng đi phù hợp trong hỗ trợ sinh kế cho người dân, xã Đắc Pring nay đã dần “lột xác”, trở thành địa phương có tỷ lệ thoát nghèo hằng năm khá cao (5,8%/năm).

Chủ tịch UBND xã Đắc Pring - ông Hiên Nhơm cho biết, những năm qua, lồng ghép các nguồn lực của Nhà nước, địa phương triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở và hỗ trợ sản xuất, hướng đến mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Toàn xã Đắc Pring có 317hộ/1.313 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Ve. Những năm qua, từ sự hỗ trợ của địa phương, đặc biệt là các mô hình sinh kế phù hợp, đời sống người dân ngày càng có nhiều đổi thay rõ nét.

“Hằng năm, chúng tôi đặt chỉ tiêu gieo trồng cây hàng năm đạt khoảng 314ha; diện tích cây lương thực có hạt 185ha. Song song với việc trồng trọt, các mô hình chăn nuôi, chủ yếu là trâu bò, heo, dê… cũng được chú trọng; trong đó khuyến khích người dân triển khai chăn nuôi tập trung, có chuồng trại.

Đến nay, tổng đàn gia súc có 709 con, gia cầm 2.200 con. Mục tiêu đến cuối năm 2023 này, phấn đấu đạt 1.150 con gia súc và 4.300 con gia cầm, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - ông Hiên Nhơm cho biết thêm.

Thực hiện chương trình phát triển sản xuất cho đồng bào miền núi, thời gian qua, xã Đắc Pring triển khai nhiều mô hình hỗ trợ trồng cây ăn quả gắn với mục tiêu giảm nghèo cho người dân theo Chương trình giảm nghèo bền vững (30a), Nghị quyết 53 và Nghị quyết 40 của HĐND huyện.

Qua rà soát, đến nay có 44 hộ tham gia mô hình trồng cam Vinh với diện tích 7,4ha và 11 hộ trồng bưởi da xanh trên diện tích 2,81ha. Ngoài ra, có 36 hộ dân đăng ký tham gia dự án trồng cây gỗ lớn đợt 1 năm 2023; 70 hộ đăng ký trồng cây ươi, giổi lấy hạt và cây lim xanh, tạo điều kiện phát triển sinh kế từ rừng theo chủ trương của tỉnh.

“Đến nay, chúng tôi đạt 12/19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Từ các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh phân bổ hằng năm, chúng tôi đầu tư phát triển hạ tầng giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa, hỗ trợ sản xuất…, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương” - ông Hiên Nhơm nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi thay Đắc Pring
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO