Đổi thay hạ tầng ở Đông Giang

CÔNG TÚ 05/07/2023 05:44

Nhìn lại từ ngày tái lập cho đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Đông Giang đã thật sự “lột xác” về quy mô và chất lượng, tạo nền tảng để huyện miền núi này thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Đường Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Prao vừa hoàn thành chỉnh trang. Ảnh: T.C.T
Đường Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Prao vừa hoàn thành chỉnh trang. Ảnh: T.C.T

Động lực từ hạ tầng

Tuổi vừa tròn 66, ông A Lăng Né (thôn Bến Hiên, xã Kà Dăng, Đông Giang) không còn phải “một nắng hai sương” với ruộng nương như những năm trở về trước.

Ông kể: “Trước đây cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn do thu nhập bấp bênh. Thiên tai dịch bệnh xảy ra liên miên, mà trồng cây nào, nuôi con gì lúc bán ra chẳng ai tới mua, hoặc bán rẻ như cho.

Giờ đây, đời sống của người dân tốt hơn nhiều rồi, có của ăn của để cũng nhờ một phần quan trọng là nhờ đường sá được mở mang, lưu thông thuận lợi. Không như trước đây, đường thì lầy lội, đầy ổ gà, ổ voi khiến xe tải vào vận chuyển keo hoặc nông sản trầy trật nên tư thương ép giá, thậm chí không màng thu mua”.

5 năm qua, bằng nhiều nguồn lực, huyện Đông Giang đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Huyện đang là chủ đầu tư nhiều dự án lớn, mang tầm chiến lược đối với sự phát triển, ổn định dân cư.

Điển hình như đường nội thị phía tây thị trấn Prao, có điểm đầu tại đường Hồ Chí Minh ở phía bờ tây sông A Vương thuộc Prao đến thôn A Dung (xã A Rooi) với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 162 tỷ đồng); đường nội thị phía đông kết hợp hạ cos nền tránh nguy cơ sạt lở đồi Kiểm Lâm vào khu dân cư thị trấn Prao có tổng mức đầu tư 249 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 224 tỷ đồng).

Cạnh đó, tuyến ĐT609 đang được tỉnh nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2, khi hoàn thành lưu thông thuận lợi từ xã Đại Hưng (Đại Lộc) lên giáp đường Hồ Chí Minh tại xã Mà Cooih (Đông Giang).

Lúc Đông Giang tái lập, hạ tầng giao thông tại xã Kà Dăng chủ yếu là đường đất, đường mòn nên vào mùa mưa bị cô lập với bên ngoài. Nhưng hiện tại, đường sá từ xã đến các thôn (Bến Hiên, Cột Buồm, Dốc Gợp) đã kiên cố hóa; các tuyến đối ngoại đến Nam Giang, Đại Lộc, Tây Giang, Đà Nẵng thông suốt.

Theo ông Phong Thái - Chủ tịch UBND xã Kà Dăng, các hộ gia đình đều sử dụng điện sinh hoạt, internet kéo tới các thôn. Trường học làm bằng gỗ tạp, mái lợp lá thì nay đã xây kiên cố, con em học mầm non, tiểu học không còn phải đi xa do có điểm trường thôn.

Nhà văn hóa thôn Bến Hiên đang thi công, nhà văn hóa của 2 thôn còn lại sẽ được xây dựng. Nhà nước cũng có kế hoạch nâng cấp trạm y tế xã.

Kà Dăng vốn là xã thuộc diện rất khó khăn, hộ nghèo chiếm phần lớn. Nhờ tập trung nguồn lực đầu tư, kết cấu hạ tầng phục vụ cho lưu thông, sản xuất và sinh hoạt tương đối đồng bộ. Người dân có thêm nhiều sinh kế như canh tác các loại đậu, bắp, lòn bon, nuôi heo đen địa phương hay gà thả vườn để cải thiện đời sống nên hộ nghèo giảm đáng kể (hiện còn hơn 53% theo chuẩn nghèo đa chiều).

Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông A Vô Tô Phương cho hay, huyện đã huy động tối đa nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng và đã tạo ra bước đột phá cho sự phát triển. Đến nay, toàn bộ 11/11 xã, thị trấn có đường ô tô đến được 2 mùa, đường ô tô đến 40/40 thôn...

Đầu tư đồng bộ

Theo ông Nguyễn Đức Huy - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang, triển khai đề án kiên cố hóa đường huyện (ĐH) của tỉnh, các năm 2021 và 2022, địa phương đã bê tông hóa gần 8km với bề mặt rộng 5,5m và thi công mương dọc, cống hộp, chuẩn bị làm 3 cây cầu.

Nhà văn hóa thôn Bến Hiên (xã Kà Dăng) đang triển khai xây dựng.
Nhà văn hóa thôn Bến Hiên (xã Kà Dăng) đang triển khai xây dựng.

Ngoài kiên cố hóa giao thông nông thôn, huyện còn nỗ lực huy động các nguồn lực nhằm xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối liên hoàn đến xã, xã ra huyện và giáp quốc lộ 14G, đường Hồ Chí Minh, ĐT609. Nhờ đó, toàn bộ 10 xã hiện đạt tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Điện chiếu sáng được lắp đặt trên trục đường qua trung tâm các xã.

Hạ tầng văn hóa - xã hội hoàn toàn “lột xác”, năm 2003 Đông Giang có 16 trường với 184 phòng học, thì nay tăng lên 28 trường với 302 phòng học kiên cố, đảm bảo cơ sở vật chất dạy và học. Từ chỗ “trống” trường đạt chuẩn quốc gia, huyện đã có 9 trường được công nhận đạt chuẩn.

Với sự hỗ trợ của tỉnh, Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế xã (8 trạm đạt chuẩn quốc gia) được xây mới; tăng cường trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ, đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Hạ tầng du lịch và dịch vụ chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, huyện kêu gọi, tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang với tổng mức hơn 2.600 tỷ đồng hiện đi vào hoạt động, trở thành điểm nhấn của bức tranh du lịch tây Quảng Nam.

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Đông Giang, thị trấn Prao được công nhận đô thị loại 5 vào năm 2018. Nhằm tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng đô thị, cách đây gần một năm, dự án nâng cấp, sửa chữa 3 tuyến đường Âu Cơ, Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Thị Minh Khai bắt đầu thi công.

Mới đây, các công trình đã đưa vào sử dụng. Ông A Vô Tô Phương chia sẻ, mặt đường 3 tuyến giao thông này được thảm bê tông nhựa, lề đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước thay “áo mới” góp phần tạo bộ mặt cảnh quan Prao ngày càng khang trang.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi thay hạ tầng ở Đông Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO