Đổi thay kỳ diệu chiến khu xưa Khâm Đức - Phước Sơn

LÊ ANH DŨNG 12/05/2020 10:49

(QNO) - Cách đây 52 năm, ngày 12.5.1968, Sư đoàn 2 Quân khu V và cán bộ chiến sĩ, đồng bào các dân tộc huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã làm nên kỳ tích: Chiến thắng Khâm Đức - Ngok Tavak. 

Toàn cảnh thị trấn Khâm Đức.
Toàn cảnh thị trấn Khâm Đức.

Chiến thắng này đã giải phóng hoàn toàn Khâm Đức - Phước Sơn, mở rộng vùng hậu cứ, làm cho Mỹ - Ngụy mất bàn đạp tấn công Tây Nguyên và Hạ Lào; khai thông hành lang chiến lược huyết mạch, đường mòn Hồ Chí Minh, đảm bảo cho việc ta vận tải vũ khí, hàng hóa từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam, mở rộng tuyến vận tải đường ngay mốc Khâm Đức - Làng Hồi xuống Hiệp Đức và vùng đồng bằng tỉnh Quảng Nam - Quảng Đà.

Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, đồng bào của 14 dân tộc huyện, trong đó đa số là dân tộc Bh’nong, phần lớn mang họ Hồ, đã làm nên một kỳ tích mới: 98% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; phủ nhựa, bê tông đường 4 cấp (huyện, xã, thôn, làng) đi được 4 mùa; kiên cố hóa bệnh viện, trạm xá, trường học từ mầm non đến trung học phổ thông. 100% học sinh của huyện đều được đi học. Bảo vệ rừng, giữ được 71.000ha rừng tự nhiên giao cho dân quản lý; đặc biệt từ 50% hộ nghèo năm 2009, đến nay chỉ còn 25%, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tốc độ đô thị hóa tại thị trấn Khâm Đức phát triển chóng mặt, rất nhiều tòa nhà cao tầng đã mọc lên bao gồm nhiều nhà dân, khách sạn, chợ, các nhà hàng ăn uống, cà phê, trung tâm hành chính huyện, trường học…

Các cựu chiến binh, già làng, đồng bào cùng học sinh huyện Phước Sơn đến thăm công trình nhân kỷ niệm ngày giải phóng Khâm Đức 12/5/2020.
Các cựu chiến binh, già làng, đồng bào cùng học sinh huyện Phước Sơn đến thăm công trình nhân kỷ niệm ngày giải phóng Khâm Đức 12/5/2020.

Cụ Hồ Văn Điều - nguyên đại biểu Quốc hội Khóa VIII, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, trưởng ban dân tộc miền núi Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Bí thư huyện ủy Phước Sơn thời chống Mỹ cứu nước tự hào: 100% đồng bào dân tộc Bh’nong đều mang họ Hồ, du kích và nhân dân địa phương đều tham gia chiến dịch giải phóng Khâm Đức - Phước Sơn như dân công, khiêng thương, vận chuyển đạn pháo. Cụ xúc động tâm sự: "Theo lời dặn dò của cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh khi về thăm Phước Sơn năm 1996, lớp lớp lãnh đạo chính quyền chúng tôi luôn chú trọng bảo vệ và phát triển rừng thành công (bình quân mỗi năm, các hộ dân quản lý rừng trên địa bàn huyện được hưởng 28 tỷ đồng/71.000ha rừng tự nhiên)".

Cựu chiến binh Đinh Văn Sửu ở thôn 1, xã Phước Mỹ cũng bày tỏ: "Chúng tôi cùng các đồng chí cựu chiến binh đã từng tham gia trận đánh giải phóng Phước Sơn - Khâm Đức và đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, hết sức xúc động khi thấy công trình Tượng đài Chiến thắng Khâm Đức được nâng cấp, đang gần hoàn thành đẹp hơn hẳn so lúc xây dựng ban đầu cách đây 20 năm (khoảng từ 2000-2001) chúng tôi rất ủng hộ chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Phước Sơn về việc xây dựng một quần thể văn hóa; tượng đài chiến thắng, công viên, làng văn hóa, bảo tồn dân tộc Bh’nong, nhà truyền thống của đại tướng Chu Huy Mân... Đây là những công trình xây dựng bằng 50% kinh phí do các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp, 50% còn lại thuộc ngân sách đầu tư xây dựng hàng năm của huyện. Chúng tôi cũng được biết UBND huyện tuyệt đối không sử dụng nguồn kinh phí của Chính phủ hỗ trợ cho các huyện miền núi. Tuy huyện nhà cũng chưa hết hẳn các hộ nghèo (còn hơn 20%), nhưng chúng tôi không thể nghèo về văn hóa, không thể nghèo về đời sống tinh thần. Những công trình văn hóa này có tác dụng giáo dục trực quan hết sức hữu ích cho các thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, luôn biết ơn Bác Hồ, biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Tuổi tác đã cao nên chúng tôi mong ngóng từng ngày các công trình văn hóa lịch sử sớm được hoàn thành, mong ngóng từng ngày huyện nhà thêm tươi mới, khang trang hơn, giàu đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi thay kỳ diệu chiến khu xưa Khâm Đức - Phước Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO