Đời sống người dân vùng cao thôn Lao Đu (xã Phước Xuân, Phước Sơn) đang khởi sắc từng ngày nhờ vào sự quyết tâm, cố gắng và tình đoàn kết của bà con trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa.
1. Nằm bên đường Hồ Chí Minh, thôn Lao Đu có 132 hộ dân với 465 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng di cư đến từ huyện Đắc Lây (tỉnh Kon Tum). Sau gần 40 năm xa xứ đi tìm vùng đất mới, đến nay, dân làng Lao Đu tự hào rằng, sự ra đi ngày ấy là hết sức sáng suốt. Bởi, nhờ điều kiện đất đai, giao thông thuận lợi nên cuộc sống mới của dân làng Lao Đu đã bớt đói nghèo và ngày một tiến bộ hơn.
Dân làng Lao Đu vui hội đại đoàn kết. Ảnh: VINH ANH |
Có mặt từ ngày đầu lập làng, ông A Mã (62 tuổi) không quên được ký ức cùng vợ con, anh em băng rừng hơn 2 ngày trời từ Đắc Lây qua Phước Sơn tìm kế sinh nhai. Lúc bấy giờ, do cuộc sống ở Đắc Lây vất vả, thiếu đói triền miên vì không có đất sản xuất nên người dân phải bỏ xứ đi tìm vùng đất mới. Ban đầu, chỉ mấy chục hộ dân di cư qua, sống tập trung ở thôn Nước Mơ (xã Phước Đức). Sau này, chính quyền sắp xếp lại dân cư nên đã chuyển các hộ dân này đến nơi ở mới hiện nay là thôn Lao Đu (xã Phước Xuân). Già A Mã kể: “Thời gian đầu mới chuyển qua, cuộc sống bà con rất khó khăn, đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, phương tiện sản xuất… không có nên chủ yếu nhờ sự cưu mang, đùm bọc của bà con bên này. Sau khi chính quyền chuyển bà con đến Lao Đu thì cuộc sống mới dần ổn định. Ở đây, người dân có nhà, có đất sản xuất lại được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ đầu tư giống, cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nên lúa, bắp, trâu, bò, dê nhiều hơn. Cuộc sống nhờ đó ngày một khấm khá, người dân không còn phải lo thiếu ăn, thiếu mặc như trước nữa”.
Đúng như lời già A Mã, đời sống của dân làng Lao Đu giờ đã thay đổi hơn trước rất nhiều. Bây giờ, người dân không còn phá rừng, làm rẫy như trước mà tập trung khai hoang, mở rộng diện tích trồng lúa nước. Theo báo cáo, tổng diện tích gieo trồng toàn thôn năm 2016 là trên 50ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 522 tạ, chủ yếu là lúa nước và bắp lai. Ngoài ra, người dân còn phát triển mạnh đàn gia súc, số lượng trâu, bò, dê không ngừng tăng qua từng năm, đến nay đã đạt hơn 400 con. Không chỉ cần cù, chịu khó trong sản xuất, người dân Lao Đu còn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Những khu chăn nuôi, trồng lúa nước, bắp lai tập trung được hình thành tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc, gieo trồng và thu hoạch. Trưởng thôn Lao Đu A Hữu cho biết: “Không chỉ tự cung tự cấp về lương thực mà nhiều năm nay nhiều hộ dân đã làm ra nông sản để bán. Kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, nhiều hộ dân đã mở rộng mô hình nuôi trâu, bò, dê tập trung đem lại thu nhập khá. Nhờ đó, bà con trong thôn ai cũng phấn khởi, thi đua nhau lao động, sản xuất. Đàn ông bớt uống rượu, chăm chỉ cùng vợ lên rẫy, xuống ruộng làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Những cố gắng của bà con Lao Đu trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa đã được các cấp ghi nhận, biểu dương. Năm nay, trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, thôn Lao Đu là một trong 3 khu dân cư tiêu biểu của huyện Phước Sơn được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen. Kết quả đó là thành tích cả một tập thể, cộng đồng dân cư. Vì thế, trong ngày hội của khu dân cư, người dân Lao Đu, từ già trẻ, gái trai, ai cũng tỏ ra vui vẻ, phấn khởi, cùng nhau chúc mừng, chia vui thành quả trên. |
2. Kinh tế phát triển, người dân Lao Đu không còn phải lo cái ăn từng bữa mà thay vào đó họ đã chú trọng hơn vào việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe, giáo dục. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ở Lao Đu luôn đạt 100%, tình trạng học sinh bỏ học ít xảy ra; chị em phụ nữ chấp hành tốt kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe bà mẹ trẻ em được đảm bảo. Chị Y Nhã (31 tuổi) chia sẻ: “Vợ chồng mình có 2 con, một trai, một gái, như vậy là đủ rồi. Mình không sinh nữa, sinh nhiều thì mình khổ mà con cái cũng khổ theo. Ở thôn cũng nhiều người nghĩ như mình, họ không sinh nhiều con nữa mà dành thời gian, sức khỏe để làm ăn, lo cho con cái học hành tử tế”.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhân dân thôn Lao Đu đã phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Theo báo cáo của Ban công tác Mặt trận thôn Lao Đu, năm 2016, bà con nhân dân góp hàng chục ngày công để giúp đỡ những hộ khó khăn trong làm ăn, phát triển kinh tế. Chi hội Phụ nữ thôn vận động được 100kg gạo từ mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” để giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời tổ chức thành lập mô hình tổ, nhóm phụ nữ “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”. Chi đoàn thôn ra quân làm hàng rào nhà làng truyền thống, vận động đoàn viên thanh niên đào 20 hố rác giúp dân… Đặc biệt, phong trào an ninh trật tự được giữ vững, thôn không có người nghiện ma túy và vi phạm các tệ nạn xã hội khác.
VINH ANH