Đổi thay ở vùng đông Thăng Bình

VIỆT NGUYỄN 08/11/2019 11:08

Nhờ triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách đầu tư, thúc đẩy phát triển, vùng đông Thăng Bình đã thay da đổi thịt, cuộc sống của người dân được nâng cao.

Vinpearl Nam Hội An đã thu hút hơn 2 nghìn lao động các xã vùng đông. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Vinpearl Nam Hội An đã thu hút hơn 2 nghìn lao động các xã vùng đông. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Động lực lớn

Vùng đông huyện Thăng Bình vốn đất đai cằn cỗi, chủ yếu cát trắng nên người dân phần lớn sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, buôn bán thủy, hải sản. Những năm thời tiết không thuận lợi, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, Dự án tổng thể sắp xếp dân cư phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai vùng ven biển Quảng Nam được triển khai đã mở ra cơ hội phát triển vùng đông Thăng Bình. Theo đó, đã di dời, chỉnh trang, sắp xếp dân cư ở những khu vực chịu tác động trực tiếp của thiên tai vào các khu, điểm dân cư có mức độ an toàn cao hơn. Đồng thời, cải tạo nâng cấp nhà cửa nhân dân, hình thành các điểm, cụm dân cư tập trung, qua đó đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ công, thuận lợi cho việc tránh nạn và kịp thời hỗ trợ, ứng cứu khi thiên tai xảy ra. Mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được xây dựng đồng bộ cộng với chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đào tạo nghề đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động theo hướng sản xuất hàng hóa ngày càng bền vững, hiệu quả...

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, lãnh đạo tỉnh và huyện Thăng Bình đã huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển vùng đông bằng hàng loạt các dự án quan trọng. Các dự án đường dẫn cầu Cửa Đại, dự án đường cứu nạn, cứu hộ, đường nối từ cầu Bình Dương đến biển, đường nối từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến biển Bình Dương đã tạo nên nhiều đổi thay cho vùng đông Thăng Bình. Từ khi các dự án hoàn thành đưa vào khai thác đã tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế.

Mạng lưới giao thông hình thành, kết nối giữa các vùng trong huyện, kết nối Thăng Bình với TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, các huyện Duy Xuyên, Núi Thành tiếp sức phát triển, thông thương buôn bán của nhân dân. “Dự án Vinpearl Nam Hội An khi đi vào hoạt động đã thu hút hơn 2 nghìn lao động các xã vùng đông Thăng Bình vào làm việc với mức thu nhập 7 - 12 triệu đồng/người/tháng. Thực tế là thu nhập bình quân của người dân Bình Minh, Bình Dương đều xấp xỉ 40 triệu đồng/người/năm, cao hơn mặt bằng chung toàn huyện” - ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói.

Phát triển hài hòa

Thời gian gần đây, có một số ý kiến của người dân ở vùng đông Thăng Bình lo ngại đường xuống biển sẽ bị bịt lối như thực trạng ở một số tỉnh, thành ven biển trên phạm vi cả nước. UBND huyện Thăng Bình cho rằng, việc này hoàn toàn không có cơ sở. Các tuyến đường xuống biển tại các khu dân cư vẫn còn nguyên vẹn. Huyện đang thi công mở thêm tuyến đường xuống biển dài 1km, rộng 38m thuộc thôn Duy Hà (xã Bình Dương). Ngoài ra, toàn bộ khu vực ven biển Thăng Bình, cứ mỗi đoạn 800 - 1.000m đều có đường nối ra biển.

Đến nay, ở vùng đông Thăng Bình đang triển khai 3 dự án với tổng diện tích thu hồi đất 280ha. Đối với Vinpearl Nam Hội An thuộc địa bàn 2 xã Bình Dương và Bình Minh, có 50 hộ gia đình, 4 tổ chức chịu ảnh hưởng bởi dự án đã được bồi thường, hỗ trợ với tổng kinh phí 90 tỷ đồng. Ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, trong thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND xã luôn làm đúng quy trình, đảm bảo đúng chế độ, chính sách. Khối lượng ảnh hưởng, giá trị bồi thường được công khai, niêm yết tại trụ sở UBND xã, khu dân cư để người dân bị ảnh hưởng được biết và tham gia góp ý theo quy định.

Ông Võ Văn Hùng cho biết thêm, khi triển khai các dự án ở vùng đông, huyện Thăng Bình vẫn bảo toàn nguyên vẹn toàn bộ diện tích rừng phòng hộ ven biển, trồng rừng thay thế ở một số vị trí cần thiết. Hiện tại, huyện phối hợp với tỉnh để thực hiện điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, trong đó có nội dung bổ sung vệt đất rừng phòng hộ ven biển. “Rừng phòng hộ ở vùng đông Thăng Bình vẫn đang duy trì chức năng sinh thái, bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu; đồng thời cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống của cộng đồng dân cư. Các cấp chính quyền của huyện luôn xác định chiến lược bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ bền vững. Đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trước mắt cũng như lâu dài” - ông Võ Văn Hùng nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi thay ở vùng đông Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO