Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế nông sản đặc thù của địa phương để giúp bà con Giẻ Triêng tăng thu nhập, tiến đến giảm nghèo bền vững…, đó là những nét nổi bật trong lãnh đạo nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ xã vùng cao Phước Lộc - địa bàn xa nhất của huyện Phước Sơn.
Điểm nhấn từ hạ tầng
“Đường đến Phước Lộc giờ thuận tiện nhiều, chứ không còn khó khăn cô lập như trước đây. Có thể đi từ đường Hồ Chí Minh vào Phước Mỹ, qua Phước Công rồi đến trung tâm xã. Cũng có thể đi từ Phước Chánh vào Phước Kim, lên Phước Thành là đến Phước Lộc. Không chỉ đến xã mà tất cả thôn trên địa bàn đều có đường bê tông cho ô tô đến nơi” - ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.
“Phước Lộc đã thật sự chuyển mình, song cái khó nhất của địa phương hiện nay là vẫn còn 3 thôn, với hơn 100 hộ chưa có điện lưới quốc gia. Người dân vẫn sống trong cảnh không điện, điều này ảnh hưởng rất lớn đến giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, xã cũng rất mong trong chặng đường 5 năm đến (2020 - 2025), nguồn điện quốc gia sớm được về với bà con Giẻ Triêng nơi đây. Có điện, chắc chắn cuộc sống của người dân cũng như bộ mặt nông thôn miền núi của Phước Lộc sẽ đổi thay nhiều hơn nữa”.
(Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc)
Thật vậy, 5 năm qua, huyện Phước Sơn đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống giao thông khép kín đến 5 xã vùng cao, trong đó có Phước Lộc. Với một xã xa nhất huyện, từ khi có đường giao thông liên kết vùng, đã mở ra hàng loạt cơ hội cho sự phát triển. Trong đó, chỉ gần một giờ đồng hồ đi xe máy, ô tô, thì hàng hóa, thực phẩm tươi sống như: cá, thịt, rau xanh từ trung tâm thị trấn Khâm Đức đã đến được với bà con Giẻ Triêng tại xã. Đường giao thông thuận tiện, giá trị các sản phẩm đặc hữu của Phước Lộc cũng đã tăng lên gần 1,5 lần so với khi chưa có đường đi lại.
Hiện tại, cả 3 thôn và 2 khu sản xuất của Phước Lộc đều được đầu tư đường bê tông đến tận nơi, với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 15km. Trong đó, ngoài ngân sách của Trung ương, tỉnh, huyện, thì bà con Giẻ Triêng cũng hưởng ứng bằng cách đóng góp ngày công đắp nền, làm đường để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông đi lại.
Anh Hồ Văn Thước (ở thôn 3) cho biết, trước đây giá mỗi lít mật ong chỉ từ 200 - 250 nghìn đồng mà việc bán ra thị trường rất khó khăn. Từ năm 2018 đến nay, đường ô tô đến thôn, thương lái cũng tìm tới nơi mua, giá mật ong lên được 350 nghìn đồng/lít. “Giá nông sản tăng, thu nhập tăng theo, nhà tôi giờ cũng đã mua được xe máy, ti vi, cuộc sống khá hơn nhiều so với trước đây” - anh Thước nói.
Trong 5 năm qua, toàn xã Phước Lộc có 32 công trình đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, khu tái định cư, nước sạch được đầu tư mới. Trong đó, cùng với kinh phí của Nhà nước hơn 50 tỷ đồng, người dân địa phương đóng góp hơn 4.000 ngày công để các công trình phúc lợi dân sinh hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo nên một diện mạo mới cho quê hương.
“Chính điểm nhấn về đầu tư cơ sở hạ tầng dân sinh đã góp phần rất lớn cho công tác giảm nghèo, tăng thu nhập của người dân. Nếu như năm 2015 thu nhập bình quân đầu người ở xã chỉ đạt ở mức 5,2 triệu đồng, nay đã nâng lên 18,36 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo của xã 5 năm trước là 75,26%, giờ đã giảm còn 43,78%. Những con số này so với các địa phương miền núi khác, có thể sẽ không là gì. Song với một xã xa nhất huyện Phước Sơn, nơi sinh sống của bà con Giẻ Triêng, vốn sản xuất manh mún nhỏ lẻ, tài nguyên khoáng sản ít… thì kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn xã” - ông Lưu Huyền Thoại chia sẻ.
Đầu tư cho con người
Toàn xã Phước Lộc có 217 học sinh ở 3 bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Từ năm học 2015 - 2016, Phước Lộc có chủ trương đưa tất cả học sinh từ các thôn về tại trung tâm xã để học và ở bán trú. Điều này đã và đang giúp cho địa phương xa nhất huyện Phước Sơn giải bài toán duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đi cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và huyện, chính quyền địa phương và các thầy cô giáo nơi đây đã tận tâm với công tác “nuôi - dạy”. Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh cũng đóng góp thêm để bữa ăn cho học sinh đủ chất hơn. Và đến thời điểm hiện nay, Phước Lộc là địa phương duy nhất của Phước Sơn duy trì mô hình bán trú cho học sinh 3 cấp học.
Có thâm niên 17 năm công tác tại Phước Lộc, thầy giáo Nguyễn Văn Công tâm sự: “Trước đây, tình trạng học sinh bỏ học, học “giã gạo”, rồi cảnh các thầy cô giáo lội bộ băng rừng để làm công tác vận động học sinh ra lớp… thường xuyên diễn ra. Nhưng chừng 5 năm trở lại đây, mọi chuyện đã không còn nữa. Chính quyền địa phương ở đây rất quan tâm đến công tác giáo dục, nơi giảng dạy, học hành ăn ở của thầy cô giáo và học sinh đều được đầu tư tầng hóa, khang trang, sạch đẹp. Điều này đã và đang tạo tâm lý yên tâm giảng dạy cho nhiều giáo viên khi mới ra trường lên xã xa nhất huyện này công tác”.
Ông Hồ Văn Thuần - Bí thư Đảng ủy xã Phước Lộc cho biết, không những quan tâm công tác giáo dục tại địa phương, xã cũng thường xuyên chăm lo cho các em học sinh xuống huyện, tỉnh học THPT, cao đẳng, đại học và các trường dạy nghề.
“Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, nhưng xã cũng không quên đầu tư cho trước mắt - chính là đội ngũ cán bộ xã. Để chuẩn hóa cán bộ, Phước Lộc đã đưa 16 đồng chí đi học lý luận chính trị và 10 đồng chí đi học đại học. Trong 5 năm qua toàn đảng bộ đã phát triển mới 22 đảng viên. Đây chính là lực lượng nòng cốt kế cận của xã, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị của xã vững mạnh sau này” - ông Thuần nói.