Việc sáp nhập thôn Thác Cạn, Ba Tớt và một phần thôn Đồng Chàm thành thôn Tam Hiệp (xã Đại Sơn, Đại Lộc) tạo thuận lợi trong hỗ trợ nguồn lực đầu tư, mang đến diện mạo mới cho cuộc sống người dân nơi đây.
Vừa bước lên từ con đò chòng chành nơi bến sông Vu Gia, đến đầu thôn Tân Đợi, men theo con đường bê tông bằng phẳng khoảng 7 cây số là đến thôn Tam Hiệp. Đây là khu tái định cư mới ra đời từ sự sáp nhập giữa một phần thôn Đồng Chàm và 2 thôn Thác Cạn, Ba Tớt, nay cũng đã kịp phủ xanh bởi cây cối, vườn tược. Những năm 2010 - 2012 trở về trước, các thôn này nằm rải rác hai bên bờ Vu Gia đêm đêm vẫn còn le lói ánh đèn dầu. Giai đoạn 2013 - 2014, chủ trương sáp nhập thành khu dân cư mới mang tên Tam Hiệp, cùng với đó là công trình điện lưới quốc gia đã về với vùng, nước sinh hoạt tự chảy cũng được dẫn đến nơi, góp phần thay đổi diện mạo nơi đây. Nhiều năm qua, người dân Tam Hiệp bám đất làng cũ phát triển kinh tế rừng kết hợp chăn nuôi gia súc theo hướng gia trại, mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích vườn cũ sang trồng keo, thơm tạo nguồn kinh tế ổn định. Nhiều lao động trẻ ở thôn được giải quyết việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp, chất lượng đời sống từng bước được cải thiện.
Từ một vùng “không trường”, Tam Hiệp đã có trường mẫu giáo đầu tiên, giúp trẻ em đến trường thuận lợi. Giao thông nông thôn được chú trọng đầu tư, bê hóa bằng phẳng. Từ một vùng biệt lập với “nhiều cái không” thì nay, khoảng cách đó từng bước được xóa bỏ. Hơn 10 năm được hưởng lợi từ Chương trình 135, từ việc huy động tổng hợp nhiều nguồn vốn chính sách xã hội, các chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững, sự hỗ trợ nguồn lực lớn của tỉnh, huyện, Đại Sơn thay đổi từng ngày. Theo ông Lê Văn Tuân - Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn, thôn Tam Hiệp có được diện mạo hôm nay nhờ sự quan tâm lớn của các cấp, ngành, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương trong vận động di dời và cả sự đồng thuận của nhân dân 3 thôn. Bên cạnh đó, nhiều nguồn lực từ trung ương, tỉnh, huyện đã tạo đòn bẩy để địa phương phát triển bền vững. Trước đây tuyến giao thông đến vùng chỉ là con đường đất lầy lội thì nay có thể đi ô tô tới Tam Hiệp. Đặc biệt năm 2014, Tam Hiệp đã có điện về làng, đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.
Một điểm thuận lợi nữa, nhờ sự quan tâm của HĐND - UBND tỉnh, sự hỗ trợ của huyện Đại Lộc, cây cầu mơ ước bắc qua sông Vu Gia sắp trở thành hiện thực. Đây là công trình giao thông huyết mạch kết nối vùng tây Đại Lộc với các huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang, tạo động lực thúc đẩy kinh tế vùng, trong đó có Tam Hiệp. Công trình có tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng, triển khai giai đoạn 2019 - 2021, do UBND huyện Đại Lộc làm chủ đầu tư. Hiện các thủ tục liên quan được khẩn trương, nhằm đảm bảo tiến độ đề ra. Giờ đây, những mong đợi về cây cầu dân sinh được dựng xây, giúp người dân nơi đây thông thương thuận lợi, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả.