Cách đây chừng 2 năm, nhắc đến vùng đất thôn 5 của xã Trà Nam (Nam Trà My) ai cũng rùng mình bởi sự xa xôi, cách trở. Nhưng bây giờ, mọi sự đã đổi thay…
TỪ trung tâm huyện, chúng tôi bon bon trên tuyến đường nhựa Nam Quảng Nam, chạy men theo dòng sông Tranh thơ mộng chừng 40 phút là đến địa phận thôn 5 xã Trà Nam. Quãng đường này 2 năm trước đây phải đi bộ mất 2 ngày mới có thể đến nơi. Con đường nhựa mới mở bằng phẳng, quanh co, uốn lượn xẻ dọc một khúc đại ngàn, nhìn từ xa trông thật hùng vĩ. Hai bên vệ đường, hoa dại đua nhau khoe sắc tranh thủ tắm ánh nắng ấm áp của mùa xuân. Ngay đầu cửa ngõ thôn 5 là cây cầu bê tông Đắc Pxi bắc qua sông Tranh. Đây là cây cầu lớn nhất ở Nam Trà My với chiều dài hơn 200 mét và rộng đủ 2 làn xe ô tô lưu thông cùng lúc. Từ điểm cầu này nếu chạy về phía bên trái dòng sông là tới các nóc Long Túc, Măng Lú, Tống Đế; còn bên kia sông Tranh là Long Riêu, Ngọc Lê, Măng Lanh… Các nóc nơi đây đều đông đúc dân cư sinh sống, nhà cửa xây dựng kiên cố sạch sẽ, thoáng đãng; cạnh làng là những kho thóc chứa đầy ắp lương thực.
Làng nóc ở Trà Nam từng ngày thay da, đổi thịt. Ảnh: H.T |
Con đường Nam Quảng Nam mở ra đã tạo điều kiện thuận lợi cho dân làng nơi đây xây dựng cuộc sống mới. Nhà cửa được làm bằng sườn gỗ, mái lợp tôn kiên cố. Nhiều hộ cũng sắm được ti vi, xe máy. Theo anh Nguyễn Thành Huynh - Thôn trưởng thôn 5, toàn thôn có 14 nóc dân cư gồm 280 hộ dân với 1.187 nhân khẩu. Đây là thôn có nhiều cái nhất như có nhiều nóc nhất huyện, dân số nhiều nhất so với các thôn và diện tích lúa nước cũng nhiều nhất huyện… Chính vì vậy, đời sống bà con ở đây rất sung túc, chuyện đói cơm đứt bữa hiếm khi xảy ra. Hộ thuộc diện nghèo phần lớn là hộ neo đơn, già yếu hoặc mất sức lao động. Còn những hộ khác với sự quyết tâm “đuổi con ma đói” nên khai hoang thành những chân ruộng bậc thang để cấy lúa nước.
Trong những ngày đầu xuân, trên khắp các lối mòn dẫn về từng nóc ở thôn 5 đâu đâu cũng thấy những chân ruộng bậc thang lúa non lên xanh tốt. Đây chính là nguồn sống của bà con Xê Đăng. Những chân ruộng bậc thang rộng cả héc ta trải dài theo triền núi, dưới cái nắng vàng ánh của mùa xuân. Ông Hồ Văn Thuấn - Chủ tịch UBND xã Trà Nam chia sẻ: “Thôn 5 là một trong những thôn đời sống kinh tế khá nhất huyện, ở đây không hề có chuyện thiếu đói giáp hạt. Nổi trội nhất phải kể đến nóc Tống Đế. Bà con nóc này làm nhiều ruộng lúa nước và chăn nuôi heo gà nên nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ luôn được chủ động”.
Tuyến đường Nam Quảng Nam mở ra, nhiều hộ ở Tống Đế còn dùng xe máy vận chuyển lương thực, gia súc, gia cầm qua huyện Tu Mơ Rông của Kon Tum để buôn bán, trao đổi. Hiện nay bà con trong thôn 5 cũng đã tận dụng các rẫy cũ để đưa vào trồng sắn thương phẩm. Đến mùa thu hoạch, sắn sẽ được thu mua tại chỗ để chuyển qua tiêu thụ ở nhà máy tinh bột tại huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum. Về lâu dài, Trà Nam sẽ là một trong những địa phương cung cấp nguyên liệu sắn thường xuyên cho nhà máy này, tạo điều kiện để bà con có thêm nguồn thu nhập. Vừa qua, huyện cũng đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, trong đó lấy vùng đất thôn 5 làm nơi triển khai, trao cây giống đến từng hộ dân. Như vậy không bao lâu nữa, nơi đây sẽ nhanh chóng thay da đổi thịt.
Từ sự đổi thay của cuộc sống nên người dân ở thôn 5 cũng đã quan tâm đến tương lai cho thế hệ sau. Đây là thôn duy nhất có phân hiệu trường cấp 2, tạo thuận lợi rất nhiều cho việc học hành của con em. Hiện nay, ngôi trường cấp 2 tại phân hiệu thôn 5 đã được TP. Đà Nẵng hỗ trợ 10 tỷ đồng để xây dựng kiên cố. Cạnh đó, nhà nội trú học sinh, nhà công vụ giáo viên cũng được quy hoạch xây dựng trong một khuôn viên thoáng đãng, tạo cảnh quan môi trường sư phạm bề thế. Hầu hết con em trong độ tuổi ở thôn 5 đều đến trường, thỏa nguyện ước mơ con chữ.
Chưa bao giờ người dân thôn 5 xã Trà Nam lại có được niềm vui như hôm nay khi đường đã về tận làng, trường học được dựng lên vững chắc, cuộc sống đổi thay từng ngày. Trong không khí nô nức của năm mới Quý Tỵ, dân làng các nóc ở thôn 5 xã Trà Nam lại tất bật, rộn ràng chuẩn bị cho mùa lễ hội đâm trâu để ăn mừng sự đổi thay của quê hương. Ngày tết nơi đây đâu đâu cũng thấy lễ hội. Tiếng hò reo trong men rượu cần hòa cùng âm vang cồng chiêng vang vọng giữa đại ngàn như muốn tạ ơn đất trời đã gieo những niềm vui cho mảnh đất từng là chốn xa xôi, hẻo lánh này.
Hoàng Thọ