Với nhiều mô hình “Dân vận khéo”, những năm qua, xã biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) đã có nhiều đổi thay, nhờ sự đồng thuận cao của nhân dân với các phong trào do địa phương phát động.
Hội Phụ nữ xã Tam Thanh trao phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo.Ảnh: HOÀNG BIN |
Nhờ “Dân vận khéo”
Sự thay đổi rõ rệt nhất bắt đầu từ nhận thức và suy nghĩ của nhân dân. Năm 2012, 100% trẻ em địa phương ra trường đúng độ tuổi, không còn tình trạng học sinh phải bỏ học giữa chừng. Qua công tác tuyên truyền, tình trạng trẻ buôn bán hàng rong ở khu vực bãi tắm giảm hẳn; nạn ô nhiễm môi trường, chèo kéo khách du lịch ở khu vực bãi tắm cũng không còn, bởi người dân đều ý thức được việc gìn giữ hình ảnh đẹp trong mắt du khách.
Năm 2009, xuất phát từ thực tế khó khăn chung của địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ và Khối Dân vận Đảng ủy xã phát động và chỉ đạo xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong các hội, đoàn thể. Các mô hình hoạt động với mục tiêu “dựa vào sức mạnh nội lực, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng quê hương”. Từ đây, nhiều cách làm hay, mô hình tốt từ phong trào được kịp thời động viên, tuyên dương và nhân rộng. Điển hình như hội nông dân với phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và xóa đói giảm nghèo”. Hàng năm, hội vận động hội viên chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi nghề nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh. Các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã thật sự đi vào đời sống của người dân. Chỉ tính riêng năm 2012, toàn xã có 420 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, có 9 hộ được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo.
Chia sẻ bí quyết trong công tác dân vận, một cán bộ của Hội Nông dân xã nói: “Phần lớn nhân dân ở đây có đời sống khó khăn nên “dân vận khéo” là phải xuất phát từ thực tế. Tuyên truyền chủ trương, chính sách phải mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân và quan trọng nhất là phải xuất phát từ cái tâm của người cán bộ dân vận”. Cũng cùng cái tâm không ngại khó, không ngại khổ ấy mà suốt hơn 4 năm qua, cán bộ dân vận của Hội Phụ nữ xã đã kiên trì đến từng nhà, vận động từng người tham gia phong trào phụ nữ địa phương. Kết quả, mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ phát triển kinh tế” ra đời. Ra mắt từ năm 2009, mỗi tháng mỗi chị tự nguyện đóng góp tiền để làm quỹ góp vốn xoay vòng. Đến nay, mô hình đã duy trì 5 câu lạc bộ với tổng số 353 hội viên phụ nữ tham gia với số tiền đóng góp hằng năm hơn 50 triệu đồng. Sau 4 năm hoạt động, đã có gần 150 lượt hội viên phụ nữ hưởng lợi với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng. Chị Trần Thị Cúc - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã còn cho biết, hội cũng đã duy trì mô hình phụ nữ giúp đỡ trao phương tiện sinh kế cho hội viên nghèo, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững và vận động hội viên tham gia xây dựng gia đình văn hóa gắn với tiêu chí nâng cao bình đẳng giới, cải thiện điều kiện sinh hoạt vệ sinh...
Bài học đoàn kết
Trên địa bàn xã Tam Thanh đang triển khai nhiều dự án trọng điểm của TP.Tam Kỳ như khu du lịch nghỉ dưỡng Phước Lộc Thọ, bãi tắm nhân dân thôn Hạ Thanh 1. Đặc biệt, trong tháng 6 này, Tam Thanh sẽ là nơi tổ chức các giải thi đấu thể thao bóng đá, bóng chuyền bãi biển trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013. Chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương đang rất háo hức chào đón những sự kiện lớn sắp diễn ra trên quê hương mình. Đó cũng là cơ hội để Tam Thanh có bước chuyển mình lớn lao, trở thành điểm đến văn hóa du lịch hấp dẫn trong mắt du khách. Trong đó, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là tạo môi trường du lịch thân thiện.
Nhằm giải quyết bài toán đó, mới đây, UBND xã Tam Thanh đã tổ chức hội thảo bàn giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào Dân vận khéo, trong đó tiếp tục phát huy mô hình “Dân vận khéo” trong công tác vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Nhà nước về bồi thường giải tỏa, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại trung tâm hành chính của xã ở 2 thôn Thượng Thanh và Thanh Tân. Ngoài ra, còn có các mô hình “Dân vận khéo” về vệ sinh môi trường ở thôn Thanh Tân, mô hình “3 không” (gồm: không có người ăn xin, không có trẻ em bỏ học giữa chừng, không có tệ nạn xã hội) ở thôn Thanh Đông. Các mô hình này đều được nhân dân tích cực hưởng ứng, chung tay thực hiện. Ông Nguyễn Văn Đạo - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng khối Dân vận xã nói: “Từ khi có các mô hình “Dân vận khéo”, nhận thức trong cán bộ, đảng viên, các hội, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân chuyển biến rõ rệt trên nhiều mặt. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm giảm dần, đến nay còn 9,85%. Thành quả đó có được trong tình hình khó khăn chung của quê hương càng cho thấy giá trị sâu sắc của bài học đoàn kết toàn dân trong công tác dân vận”.
HOÀNG BIN