Đối thoại, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 03/04/2014 08:56

Những câu trả lời của chính quyền lẫn cơ quan quản lý chưa hẳn đã làm “hài lòng” doanh nghiệp (DN), nhưng diễn đàn đối thoại hôm qua 2.4 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu điều hành đã cho thấy rõ thiện chí, thông hiểu để cùng nhau chia sẻ khó khăn từ hai phía.

Sản xuất khó khăn và thiếu vốn nên doanh nghiệp ít có điều kiện phát triển công nghệ hóa và mở rộng sản xuất.
Sản xuất khó khăn và thiếu vốn nên doanh nghiệp ít có điều kiện phát triển công nghệ hóa và mở rộng sản xuất.

Gánh nặng thuế, phí

Không khí diễn đàn nóng lên với nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề khó khăn về vốn, gánh nặng thuế, phí gây khó đã đẩy DN vào thế khó khăn hơn. Ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc Vietcombank với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Quảng Nam nói đã rất nhiều cuộc đối thoại nhưng những vấn đề khúc mắc của DN vẫn là chuyện cũ. Đó là gánh nặng thuế, phí, lãi suất ngân hàng, tiếp cận vốn và giải phóng hàng tồn kho. GDP đã tăng, nhưng chỉ số CPI giảm, sức mua thấp, tăng trưởng tín dụng âm dù lãi suất giảm tạo bất lợi cho DN. Khủng hoảng kinh tế dẫn đến tồn kho, nợ đọng, nợ xấu đã khiến dòng tiền luân chuyển bị nghẽn. Các chính sách ưu đãi như giảm thuế thu nhập DN chưa phát huy tác dụng. Cái quan trọng hơn là nên giảm thuế VAT, xuất khẩu để DN “sống”, có tiền nộp thuế, nhưng điều này đã không xảy ra. “Mong các cơ quan quản lý đưa ra những giải pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể, chứ không phải là những từ ngữ chung chung trong các bản báo cáo. Tại sao vốn nhiều mà không mở cho DN tiếp cận là điều cần suy nghĩ. Điều này rất cần sự điều hành chính sách vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước trong việc tháo gỡ điều kiện cho vay” - ông Việt nói.

“Dù khó khăn đến mấy thì chính quyền sẽ đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng. Sẽ tiếp tục đưa ra những cơ chế ưu đãi đặc biệt cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhất là thu hút DN đầu tư công nghiệp hỗ trợ. Mục tiêu cuối cùng của chính quyền là đồng hành với DN”.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc Công ty CP May Trường Giang (Tam Kỳ) cho rằng ngay chính sách giảm thuế thu nhập DN, chỉ nghe thôi chứ DN hiện vẫn bị thu đến 25% thay vì 22% như quy định. Ngày càng gánh nặng chi phí, thuế…, chi phí đầu vào tăng quá cao khiến DN khó xoay xở. Kết quả cuối cùng là DN và người tiêu dùng bị chịu thiệt. Ông Nguyễn Tâm - Giám đốc Công ty CP Đất Quảng nói vướng mắc lớn nhất làm khó DN không đến từ phía chính quyền và các cơ quan quản lý địa phương mà từ các chính sách vĩ mô. Ông Tâm nói đã rất nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo, cơ quan công quyền Quảng Nam và Đà Nẵng để tìm sự động viên, góp ý, hiến kế cho DN thoát khỏi cảnh bi đát nhưng không một ai giúp được gì cho DN ở tầm địa phương vì chính sách nửa vời lại thuộc về tầm vĩ mô. DN không thể dựa được gì vào chính sách để tìm lối thoát, còn chậm thuế, phải nộp phạt lãi đến 18%/năm thì khác gì cho vay nặng lãi. “Nếu DN chây ỳ, trốn thuế thì không nói làm gì, còn DN “bị nạn”, trong đó có phần của các chính sách kinh tế vĩ mô thì không ai tính giúp họ, để họ phải chịu chung số phận bị phạt như những DN cố tình trốn thuế hay chây ỳ thuế là không thể hiểu được. Chi phí đầu vào tăng nhưng thị trường thì teo tóp dần. Nếu chính sách không mở thì DN sẽ tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn, kinh tế sẽ khó phát triển” - ông Tâm nói.

Chia sẻ khó khăn

Tại diễn đàn này, các cơ quan quản lý dường như đã cầu thị hơn, nhưng vẫn cứ theo nguyên tắc của các quy định. Ông Lê Thành Khang - Phó cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam trả lời Công ty TNHH Lixil Inax (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc) rằng hải quan chỉ hướng dẫn chứ không thể cầm tay chỉ việc cho từng DN. DN phải tự khai báo, nếu kiểm tra phát hiện sai sót thì sẽ bị truy thu thuế. Mà đã công bố thì DN phải thực hiện. DN cần thống nhất để không diễn lại tình trạng này. Câu trả lời của đại diện cơ quan hải quan không làm nhiều người hài lòng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng DN này đã đầu tư khắp nơi không sao, nhưng tới Quảng Nam lại bị ách tắc là vì lý do gì? Cơ quan hải quan cần xem lại trình độ của cán bộ mình. “Cơ quan hải quan phải xem lại và giải đáp rõ cho DN, có giải pháp xử lý chứ không thể để tình trạng nhầm lẫn ấy mãi. Đây là điều mang lại sự không bình thường cho DN nên cần xử lý dứt điểm, hài hòa giữa cơ quan thi hành luật và DN. Nhìn rõ bản chất để xử lý chứ không phải cứ truy thu và phạt. Cần hướng dẫn cụ thể, đừng để DN thêm khốn đốn khó khăn” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.

Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam thừa nhận chính sách miễn, giảm thuế chưa thật sự hỗ trợ, khuyến khích DN, luật phạt nộp chậm thuế quá khắt khe và rất cao. Ngay cả việc cưỡng chế thuế cũng là con đường cùng. Phong tỏa tài khoản, rút hóa đơn là việc không ai muốn, nhưng trên hệ thống đã xuất hiện thì không thể không làm được. Cơ quan thuế chỉ thừa hành nên mong DN thông cảm và chấp hành.

Giải đáp về việc tiếp cận vốn, bà Nguyễn Thị Sương Thu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh Quảng Nam nói dư địa ngân hàng rất lớn và có nhiều gói tín dụng ưu đãi. Để cho vay, tài sản đảm bảo chỉ một phần trong điều kiện ấy còn dự án tốt mới quan trọng. Nhưng ngân hàng cũng cần phải biết dòng tiền đi ra, đi vào thì mới có thể đầu tư. Cho vay có tài sản đảm bảo hay không tài sản là do các tổ chức tín dụng thẩm định và cho vay. “Cái thời hưng thịnh thì lượng tài sản đảm bảo không đủ vẫn được cung cấp vốn. Lúc đó ngân hàng được xem là có công khi giúp nền kinh tế. Nhưng khi không thu hồi được nợ do khủng hoảng thì lại bị quy kết là không thẩm định chắc chắn. Công và tội của ngân hàng vốn rất mong manh, vì thế họ phải kỹ càng hơn trong thẩm định” - bà Thu nói. Tuy nhiên, bà Thu cũng công bố rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ kết nối DN và ngân hàng thương mại mở hội nghị tìm cách tháo gỡ, thẩm định các dự án cho vay và mong muốn nhanh chóng hình thành quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đối thoại, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO