Đối thoại chính sách bảo hiểm

LÊ DIỄM 30/08/2018 06:22

Bảo hiểm xã hội tỉnh vừa tổ chức đối thoại về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) với công nhân lao động tại Công ty CP Đồng Tâm miền Trung, để tuyên truyền sâu rộng vấn đề liên quan.

Người lao động Công ty CP Đồng Tâm miền Trung hỏi về chế độ trong buổi đối thoại. Ảnh: D.L
Người lao động Công ty CP Đồng Tâm miền Trung hỏi về chế độ trong buổi đối thoại. Ảnh: D.L

Nhiều mối quan tâm

Buổi đối thoại chính sách BHXH, BHYT, BHTN có khá đông lao động (LĐ) của Công ty CP Đồng Tâm miền Trung tham gia. Anh Đặng Ngọc Hảo, công nhân bộ phận cơ khí thắc mắc: “Quy định có nhiều vị trí hưởng chế độ độc hại, không biết vị trí tôi đang làm việc có được hưởng chế độ này hay không, nếu tính hưởng thì tính hệ số ra sao? Khi một LĐ làm việc ở vị trí công việc nặng nhọc độc hại, nhưng thời gian sau được bố trí công việc khác không nặng nhọc độc hại thì khi tính hưởng lương hưu có hưởng độc hại không? Hàng năm công ty vẫn tổ chức khám bệnh định kỳ cho LĐ, nhưng khi kiểm tra để biết bệnh nghề nghiệp theo tôi không chính xác được. Như thế liệu LĐ có được kiểm tra bệnh nghề nghiệp tại cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hay không?”. Còn anh Lê Đức Lâm, công nhân bộ phận cơ điện quan tâm các vấn đề: khi đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH là 17 năm, sẽ đóng tự nguyện như thế nào để có thể đủ 20 năm hưởng lương hưu; hoặc số năm tham gia BHXH đủ 20 năm nhưng chưa tới tuổi nghỉ hưu thì có được hưởng hưu không? Người LĐ đủ tuổi hưu nhưng chưa đủ số năm hưởng lương hưu, công ty cho nghỉ thì có được hưởng BHTN không? Hay khi LĐ đang làm công ty lương cao nhưng chuyển sang công ty khác lương thấp hơn thì tính hưởng hưu thế nào?

Một LĐ nữ khác của công ty hỏi rằng, chế độ BHXH được tính nghỉ hưởng lương như thế nào khi mẹ và con đều nhập viện? Một điều chị quan tâm nữa là LĐ trong thời gian làm việc đều có đóng BHTN. Nhưng trong quá trình làm việc không bị thất nghiệp thì đến khi nghỉ hưu có được trợ cấp thất nghiệp không? Tham gia BHTN gần 10 năm rồi mà chưa được hưởng BHTN, đóng tối đa 12 năm thì có được quyền cắt không tham gia nữa không? Trong công ty chị có trường hợp bị tai nạn LĐ đã 1 năm nhưng chưa giám định thương tích, vậy làm sao để được hưởng chế độ? Và có trường hợp có 2 sổ BHXH khác nhau, muốn nhập lại có được không?

Chị Lưu Thị Huỳnh Nga - Trưởng phòng Hành chính nhân sự của công ty lại có mối quan tâm khác. Chị Nga hỏi: “Tôi đã có thời gian 20 năm đóng BHXH nhưng còn 17 năm mới nghỉ hưu, vậy tính thế nào? Tính cả 37 năm tham gia BHXH thì người LĐ hưởng bình quân cả thời gian dài thực sự rất thiệt cho người LĐ. BHXH cần có cách tính ra sao để LĐ được hưởng quyền lợi xứng đáng, vì hệ số trượt giá quá thấp nên về hưu lương không cao được…

Giải đáp thắc mắc

Đối với LĐ chưa giám định tai nạn LĐ, ông Danh yêu cầu cần lập hồ sơ. Hồ sơ theo quy định của thông tư 56 Bộ Y tế gồm sổ BHXH, biên bản điều tra tai nạn LĐ tại công ty, hồ sơ bệnh án điều trị kèm theo, nộp cho Hội đồng giám định y khoa tỉnh, giám định tỷ lệ thương tật. Dưới 5% thì công ty trả theo Luật An toàn vệ sinh LĐ, từ 5% - 30% hưởng 1 lần, 31% trở lên hưởng hàng tháng. Sau khi có biên bản giám định y khoa, công ty chỉ cần có công văn kèm theo biên bản điều tra tai nạn LĐ do đơn vị thực hiện, sổ BHXH, giấy ra viện, BHXH sẽ căn cứ giải quyết chế độ. Công ty cũng cần rà soát kỹ, ai có 2 sổ BHXH đề nghị mang 2 sổ nộp về để làm thủ tục gộp sổ, mỗi người chỉ có sổ và mã số BHXH duy nhất. Đồng thời cơ quan BHXH cũng đã trả lời với người LĐ rằng công ty Đồng Tâm thực hiện đóng BHXH rất tốt. Quy định hiện nay chưa in quá trình đóng BHXH vì chỉ khi nghỉ hưu hay nghỉ hưởng một lần mới in. Muốn biết cả quá trình đóng LĐ có thể truy cập trên hệ thống thông tin của BHXH. Bộ phận chuyên môn cũng đã hướng dẫn cụ thể cho người LĐ cách tra cứu quá trình đóng BHXH trên cổng thông tin điện tử của ngành BHXH ngay tại buổi đối thoại.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Chế độ (BHXH tỉnh) giải đáp rằng đối với nghề hàn, sửa chữa điện thì không được nặng nhọc độc hại, chỉ hàn điện, hàn hơi được hưởng. LĐ cần xem lại vị trí làm việc, nếu đúng cần bổ sung hồ sơ để cơ quan BHXH điều chỉnh hưởng chế độ sau này, ví dụ khi ốm đau thì nghỉ nhiều hơn 10 ngày, nghỉ hưu giảm được 5 năm tuổi đời. Danh mục nghề nặng nhọc độc hại được quy định trong danh mục của Bộ LĐ-TB&XH. Mức độ nặng nhọc độc hại thì chủ doanh nghiệp phối hợp với ngành y tế kiểm tra môi trường làm việc và có kết luận, tùy theo tỷ lệ mà cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho lao động. Đối với LĐ đã đóng BHXH đủ 17 năm rồi thì đóng tự nguyện thêm 3 năm còn lại 1 lần để được hưởng hưu, mức đóng bằng chuẩn hộ nghèo vùng nông thôn. Trường hợp đóng đủ 20 năm đóng BHXH nhưng chưa đủ tuổi hưu thì chỉ được hưởng khi sức khỏe không đảm bảo, suy giảm khả năng LĐ, đi nước ngoài thì được hưởng một lần. LĐ làm việc với hai mức lương cao, thấp khi nghỉ được tính bình quân toàn bộ thời gian tham gia BHXH để tính hưởng hưu. Nghề nặng nhọc độc hại đủ 55 tuổi với nam, 50 tuổi đối với nữ thì không giám định, còn dưới độ tuổi này phải giám định mới được xét cho nghỉ trước tuổi. Chế độ BHTN khi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chỉ trợ cấp khi bị mất việc làm theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian tối đa hưởng của một lần thất nghiệp là 12 tháng.

Ông Nguyễn Thanh Danh - Phó giám đốc BHXH tỉnh bổ sung thêm một số thông tin giúp LĐ hiểu rõ hơn. Ông Danh khuyến nghị: “Mỗi LĐ cần kiểm tra lại sổ BHXH đang giữ, xem trong sổ có ghi chức danh công việc nặng nhọc độc hại. Khi làm việc nặng nhọc độc hại không nhất thiết phải liên tục, mà cộng dồn đủ 15 năm làm việc nặng nhọc độc hại thì được hưởng chế độ. Đề nghị công ty cần rà soát lại chức danh, vị trí công việc nặng nhọc độc hại của LĐ để sớm phối hợp cơ quan BHXH điều chỉnh đúng quy định. Điều này rất quan trọng vì ảnh hưởng đến sức khỏe người LĐ và chế độ họ được hưởng sau này”. Đối với bệnh nghề nghiệp, ông Danh chỉ ra 34 bệnh nghề nghiệp như bụi phổi silic, điếc do tiếng ồn, ẩm ướt thì lở da... Chỉ khi môi trường làm việc sinh ra bệnh liên quan mới xác định đó là bệnh nghề nghiệp, điều này công ty phối hợp với cơ quan y tế thực hiện. Đối với các bệnh dài ngày hiện có trên 300 bệnh, nhóm bệnh dài ngày có quy định trong thông tư 46, công đoàn và nhân sự cần nắm chắc để phổ biến cho LĐ biết.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đối thoại chính sách bảo hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO