Đối thoại doanh nghiệp về tăng phí dịch vụ Cù Lao Chàm

VĨNH LỘC 23/09/2014 10:30

Liên quan đến vấn đề UBND TP.Hội An ban hành Quyết định 1715 tăng phí dịch vụ tham quan Cù Lao Chàm mà Báo Quảng Nam đã thông tin số ra ngày 17.9.2014. Vừa qua, Phòng thương mại và du lịch Hội An đã tổ chức buổi đối thoại với đại diện các đơn vị kinh doanh vận chuyển du lịch Cù Lao Chàm nhằm tìm ra hướng giải quyết.

Nên hoãn tăng phí

Hai vấn đề chính được doanh nghiệp phản ánh vẫn là quyết định tăng phí chưa đúng thời điểm và chất lượng dịch vụ, vệ sinh, môi trường trên đảo kém, không tương xứng với các khoản phí mà doanh nghiệp đã đóng. Theo đại diện Công ty TNHH Vũ Lê Beach, việc thu phí và sử dụng nguồn phí hiện tại không minh bạch khi mà mỗi doanh nghiệp phải đóng phí, thuế tính trên đầu khách khoảng 65 nghìn đồng (bao gồm phí tham quan, phí xuất bến, phí dịch vụ, phí vệ sinh, thuế…) chưa kể phí lặn ngắm san hô (30 nghìn đồng), nhưng chất lượng dịch vụ vẫn không có sự cải thiện, ảnh hưởng đến du khách. Ngoài ra, việc tăng phí đột ngột sẽ làm khó doanh nghiệp vì hầu hết đơn vị đã ký tour với các công ty lữ hành theo mức giá năm nên không thể điều chỉnh giá bán tour lên để bù vào chi phí tăng thêm. “Chỉ riêng tháng 8, với mức phí mới mà 38 doanh nghiệp đóng đã trên 500 triệu đồng nên có thể thấy mức thu tại Cù Lao Chàm mỗi năm rất lớn, nhưng không biết số tiền này đã được sử dụng vào mục đích gì”- đại diện Công ty Vũ Lê thắc mắc. Ông Trần Hưng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Hội cho rằng, với dịch vụ hiện tại thì mức thu 10 nghìn đồng/khách đã là quá đắt, chưa kể nếu gộp tất cả các khoản lại số tiền đã chiếm hơn 21% tổng số tiền thu trên mỗi đầu khách, nên đối với những doanh nghiệp làm ăn không thuận lợi thì nguy cơ thua lỗ, phá sản là rất lớn. “Tôi nghĩ thành phố nên hoãn thu phí mới sang năm 2015, còn về lâu dài nên tính toán cho tư nhân vào đấu giá cung cấp dịch vụ sẽ vừa nâng cao chất lượng nhưng nguồn thu cũng hiệu quả hơn ”- ông Hưng đề xuất.

Áp lực khách tăng nhanh gây ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước ngọt trên đảo. Ảnh: V.LỘC
Áp lực khách tăng nhanh gây ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước ngọt trên đảo. Ảnh: V.LỘC

Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Biển Ngọc cho rằng, mức phí mới sẽ không có gì đáng bàn nếu các doanh nghiệp giữ giá tour ổn định 450 nghìn đồng như đã hiệp thương, loại bỏ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh phá giá lẫn nhau. “Mức giá sàn quy định là 450 nghìn nhưng thực tế doanh nghiệp chỉ chào bán dưới 400 nghìn đồng nên bây giờ tăng thêm 10 nghìn là la làng thôi vì họ không thể bóp dịch vụ của khách hơn nữa”- đại diện Công ty Biển Ngọc phân tích. Theo vị đại diện này, với cách kinh doanh như thế doanh nghiệp không chỉ tự giết mình mà còn làm mất đi thương hiệu du lịch Cù Lao Chàm, đặc biệt về lâu dài sẽ khó cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn từ ngoài vào.

Cùng chia sẻ trách nhiệm

Ông Trần Tấn Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp thừa nhận, du lịch Cù Lao Chàm phát triển đã góp phần làm bộ mặt xã đảo thay đổi, đời sống một bộ phận nhân dân được cải thiện, tuy nhiên người dân trên đảo cũng hy sinh cho khách rất nhiều từ việc chia sẻ nguồn nước ngọt, môi trường bị ô nhiễm do áp lực khách tăng quá đông. Hiện tại hồ nước tại Bãi Bìm có dung tích 80 nghìn khối đã khô cạn, một số giếng khoan tại Bãi Làng đã bị nhiễm mặn. “Dù vẫn còn ít nhiều hạn chế nhưng xã vẫn luôn tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp hoạt động, vì vậy doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm chia sẻ với địa phương nhằm giúp địa phương có nguồn thu để cải tạo nâng cao chất lượng dịch vụ”- ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, nguồn thu chính của xã từ du lịch chủ yếu là phí dịch vụ tại Bãi Chồng, Bãi Ông và thu từ đấu giá cho thuê mặt bằng kinh doanh Bãi Ông. Dự kiến, tổng phí thu của xã năm 2014 (nếu đón được 200 nghìn khách) khoảng 850 triệu đồng, trong khi các khoản phải chi gồm lương, bảo hiểm cho 15 nhân viên làm việc tại Ban quản lý du lịch; tổ môi trường (11 người); Ban quản lý bến thủy nội địa (5 người) đã hết tổng cộng gần 921 triệu đồng. Ngoài ra, chi hoạt động thường xuyên như mua xăng dầu chạy máy nổ, máy phát điện, sửa chữa xe cộ, tu bổ máy móc… gần 400 triệu đồng, các hoạt động khác khoảng trên 70 triệu đồng, cân đối lại số tiền xã âm khoảng 538 triệu đồng. “Trước đây mức phí thu tại Bãi Ông là 7 nghìn, Bãi Chồng là 15 nghìn nhưng không phải tháng nào cũng đông khách, chưa nói tình trạng doanh nghiệp trốn tránh không đóng phí nên nguồn thu rất hạn chế, bây giờ chỉ cần tăng lương nhân viên dọn vệ sinh từ 1,8 triệu lên 2 triệu đồng đã khó chứ nói gì đầu tư nâng cấp nhà vệ sinh, dịch vụ”- ông Dũng cho biết.

Còn theo bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An, phát triển du lịch Cù Lao Chàm phải luôn hướng đến mục tiêu bền vững, môi trường đảm bảo nhưng hiện tại Cù Lao Chàm đang đối diện nguy cơ ô nhiễm do lượng khách ra quá đông. Tính đến tháng 9, nơi đây đã đón trên 210 nghìn lượt khách, gấp hơn 70 lần số dân trên đảo (khoảng 2.700 người). Cùng với đó là một lượng rác khủng khiếp đã được thải ra, nhất là tại Bãi Ông và Bãi Chồng. “Hãy hình dung trước đây mỗi ngày người dân trên đảo chỉ thu gom một xe rác chở đi tiêu hủy thì nay phải cần 70 chuyến như vậy, chi phí cũng sẽ tăng lên gấp 70 lần”- bà Thủy so sánh. Đã đến lúc hạn chế khách ra đảo, không cần thiết phải chạy theo số lượng khi mà hiệu quả nguồn thu từ khách thấp. Chính vì vậy, việc tăng phí dịch vụ tại Bãi Ông và Bãi Chồng lên 20 nghìn đồng ngoài mục đích đảm bảo nguồn thu bổ sung cho đầu tư, sửa chữa và xây dựng các công trình vệ sinh, xăng dầu, cung cấp dịch vụ thì còn nhằm khuyến khích doanh nghiệp đưa khách đến Bãi Làng và Bãi Hương (không thu phí) để ăn uống, giảm áp lực quá tải tại 2 bãi tắm. “Việc doanh nghiệp đề xuất tạm hoãn thu phí dịch vụ mới sang năm 2015 chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến trình lãnh đạo UBND thành phố để có quyết định cuối cùng còn trước mắt doanh nghiệp nên thực hiện nghĩa vụ theo mức phí mới đã được ban hành”- bà Thủy nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đối thoại doanh nghiệp về tăng phí dịch vụ Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO