Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung Quốc thường niên năm nay vừa kết thúc ảm đạm tại thủ đô Washington (Mỹ).
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin (trái) và Phó Thủ tướng Uông Dương trước lúc bắt đầu thoại thoại kinh tế Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters |
RẠNG sáng 20.7 (theo giờ Việt Nam), hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ - Trung tiến hành vòng đối thoại kinh tế toàn diện thường niên, trong khuôn khổ cơ chế đối thoại toàn diện giữa hai nước. Nếu như cách đây 3 tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nồng nhiệt đón người đồng cấp - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida (Mỹ) và hai bên lập ra cơ chế này, thì cuộc đối thoại kinh tế cấp cao thường niên diễn ra tại Washington lại kết thúc trong bế tắc. Đối thoại kinh tế Mỹ - Trung năm nay đã không để đưa ra tuyên bố chung, trong khi cuộc họp báo kết quả vòng đối thoại này bị hoãn, từ thông báo của cả hai phía.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 18.7 công bố số liệu thống kê cho biết, trong tháng 5.2017, Trung Quốc tăng nắm giữ 10 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, nâng quy mô nắm giữ lên đến 1.102,2 tỷ USD. Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Mỹ, trong cùng tháng 5 vừa qua, Nhật Bản đã tăng nắm giữ 4,4 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, nâng quy mô nắm giữ lên đến 1.110,3 tỷ USD, vẫn tiếp tục là nước đang nắm giữ nhiều trái phiếu Mỹ nhất. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp Trung Quốc tăng lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ. |
Ngay trong lời khai mạc đối thoại, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross lên tiếng về thâm hụt thương mại kỷ lục của Mỹ lên hơn 300 tỷ USD với Trung Quốc. Ông cho rằng, đây là lúc cân bằng lại mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước, theo một cách thức bình đẳng, có lợi cho cả đôi bên. Do vậy, Mỹ đòi hỏi Trung Quốc mở cửa hơn nữa thị trường nội địa và tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định, mối quan hệ kinh tế cân bằng sẽ đem lại thịnh vượng cho Mỹ và Trung Quốc cũng như các nước trên thế giới. Tổng thống Mỹ Trump từng cáo buộc Trung Quốc thi hành các chính sách thương mại không lành mạnh, gây ra thâm hụt thương mại và thất nghiệp tại Mỹ. Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Mizubo Securities Asia Ltd nói: “Chính quyền của Tổng thống Trump có thể đã quá kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ mang lại cân bằng thương mại hai nước. Bây giờ là khởi đầu cho những đàm phán rất khó khăn”. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, dẫn đầu phái đoàn Bắc Kinh tham dự đối thoại nói với hãng tin Xinhua (Trung Quốc): “Đối thoại không thể ngay lập tức giải quyết được các bất đồng, nhưng đối đầu sẽ ngay tức khắc phá hủy lợi ích của cả hai nước”.
Vào tháng 5 vừa qua, Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại 10 điểm. Theo đó Trung Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ Mỹ vốn được áp đặt hơn 10 năm qua, mở cửa thị trường khí đốt và dịch vụ tài chính cho các công ty Mỹ; ngược lại, sản phẩm thịt gà chế biến sẵn của Trung Quốc sẽ được phép đưa vào bán tại thị trường Mỹ. Nay, hồ sơ về sản phẩm thép được xem là yếu tố bất đồng mấu chốt tại đối thoại lần này. Trước đó vào tháng 4.2017, Tổng thống Trump yêu cầu tiến hành điều tra nhằm xác minh liệu thép do Trung Quốc và các nước khác sản xuất có đe dọa an ninh quốc gia Mỹ hay không, một động thái được cho khả năng Washington sẽ áp đặt các mức thuế mới mà Tổng thông Trump tuyên bố rằng điều đó có thể xảy ra. Trong khi Liên minh châu Âu đã áp dụng một số biện pháp chống lại thép Trung Quốc vì cho rằng nước này đang trợ cấp thiếu công bằng cho các nhà sản xuất trong nước để bóp méo thị trường.
Theo hãng tin Bloomberg, Bộ Tài chính Mỹ gửi đi một e-mail đến các nhà báo nói rằng Mỹ đã hủy kế hoạch họp báo vào cuối ngày. Tiếp đó, Bộ Tài chính Mỹ gửi thêm một e-mail thông báo phía Trung Quốc cũng hủy họp báo. Phó Thủ tướng Uông Dương, đã rời trụ sở Bộ Tài chính Mỹ mà không trả lời câu hỏi của phóng viên.
NAM VIỆT