Đối thoại với doanh nghiệp

HOÀNG LINH 05/12/2018 02:19

Buổi đối thoại với nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được các doanh nghiệp (DN) gửi đến Hội đồng ATVSLĐ tỉnh trong sáng qua, 4.12.

Các doanh nghiệp thắc mắc nhiều vấn đề liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động. Ảnh: D.L
Các doanh nghiệp thắc mắc nhiều vấn đề liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động. Ảnh: D.L

Theo Sở LĐ-TB&XH, khi kiểm tra tại DN thì 100% DN đều có những sai sót trong thực hiện ATVSLĐ. Vì thế, buổi đối thoại với kỳ vọng giúp DN thực hiện tốt hơn. Mở màn buổi đối thoại, ông Bùi Minh Tân - cán bộ phụ trách công tác an toàn Công ty Hữu Toàn (Núi Thành) quan tâm: “Công ty đang trợ cấp suất ăn cho lao động thông qua trả tiền để họ tự lo; theo kế hoạch sẽ tổ chức bếp ăn vào tháng 1.2019. Do lao động thay đổi thường xuyên, nên DN gặp khó khi lao động không nắm được điều kiện tổ chức bếp ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà nước có chính sách hỗ trợ gì cho chương trình bếp ăn của DN hay không?”.

Còn ông Trần Minh Phú - cán bộ phụ trách an toàn của Công ty TNHH CCI Việt Nam (Núi Thành) thắc mắc: “Hiện nay chưa có báo cáo online để DN không phải gửi bản báo cáo giấy, chưa có hướng dẫn về đào tạo cán bộ ATVSLĐ nên DN lúng túng. Tỉnh nên tổ chức những khóa đào tạo giảng viên nguồn cho các DN để chủ động trong việc đào tạo lại cho người lao động”...

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai - phụ trách nhân sự Công ty TNHH Fashion Garment (TP.Tam Kỳ) quan tâm đến việc hỗ trợ kinh phí cho lao động khi có bệnh nghề nghiệp thì chuyển đổi công việc khác chưa có văn bản hướng dẫn. Chị Mai cũng thắc mắc về quy chuẩn dành cho người vận hành nồi hơi, máy nén khí đã được huấn luyện ATVSLĐ thì có cần tiếp tục được huấn luyện cấp chứng chỉ hay không. Quá nhiều quy định về công tác an toàn mà DN không thể tiếp cận kịp thời, cơ quan quản lý có thể có một website để DN thắc mắc được giải đáp nhanh hay không? Nhiều DN khác quan tâm đến việc kiểm định nước uống, kiểm định hóa chất trong sản xuất...

Ông Phạm Văn Tín - Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) giải đáp: khi DN thành lập bếp ăn tập thể, ngành y tế tỉnh có hỗ trợ kiến thức về quy trình thực hiện, DN cần liên hệ với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để được hướng dẫn, đào tạo nhân viên bếp ăn đảm bảo. Kiểm định nước ăn, uống hiện nay còn nhiều quy định không rõ ràng, tỉnh sẽ kiến nghị đến Bộ Y tế sửa đổi phù hợp. DN chỉ nên dùng nước đã qua xử lý, nấu chín uống sôi hoặc dùng nước đóng chai để người lao động sử dụng. DN tổ chức khám sức khỏe cho người LĐ trước khi bố trí làm việc, một số DN có ngành nghề nặng nhọc độc hại, những người có bệnh mãn tính về tai, da, mũi... phải được bố trí công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe để họ không trực tiếp làm việc trong môi trường độc hại, gây ra bệnh nghề nghiệp. Ông Tín cũng yêu cầu các DN rằng hóa chất sử dụng trong sản xuất phải khai báo với cơ quan quản lý để nắm thông tin và hỗ trợ khi cần.

Ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết về báo cáo online, Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với Sở Thông tin - truyền thông để có phần mềm cho DN báo cáo. Do DN không tự kiểm tra, không báo cáo nên cơ quan chức năng không nắm được DN làm tốt hay chưa, từ đó mới phải kiểm tra để nắm tình hình. Việc huấn luyện ATVSLĐ, Bộ LĐ-TB&XH chỉ ban hành chương trình khung, những tổ chức được cấp phép huấn luyện mới biên soạn chương trình cụ thể. DN có nhu cầu đào tạo đăng ký với Sở LĐ-TB&XH và phải trả kinh phí liên quan. Người bị bệnh nghề nghiệp hay tai nạn lao động được hỗ trợ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng lao động, cấp phương tiện chỉnh hình, hỗ trợ đào tạo nghề để chuyển đổi công việc khác phù hợp. Người vận hành thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ thì yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ vận hành, được huấn luyện ATVSLĐ. Tỉnh đã có website đối thoại DN nên các thắc mắc gửi đến sẽ được chuyển sở, ngành liên quan để trả lời cụ thể...

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đối thoại với doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO