Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN), nhưng tỉnh cũng sẽ có biện pháp mạnh với những đơn vị không xây dựng kịch bản phòng chống dịch… Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại buổi làm việc với các DN sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp gần TP.Đà Nẵng về công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra cuối tuần qua tại thị xã Điện Bàn.
Lắng nghe doanh nghiệp
Công ty CP Đầu tư và sản xuất Petro miền Trung đóng chân tại Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam – Điện Ngọc (Điện Bàn), kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư, hoạt động vận chuyển hàng hóa, vật liệu của đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Tiến Lãng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và sản xuất Petro miền Trung, phòng chống dịch là vấn đề hàng đầu quyết định sự sống còn của DN nên công ty luôn tuân thủ và cam kết thực hiện. Tuy nhiên, tỉnh cũng nên có giải pháp hài hòa giữa phòng chống dịch và phát triển sản xuất, giúp DN hạn chế thiệt hại do phải bồi thường hợp đồng trễ hạn với đối tác.
“DN chúng tôi sản xuất ga, nguồn hàng chủ yếu nhập qua cảng Chu Lai, Đà Nẵng và Nhà máy lọc dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi), bây giờ có văn bản nghiêm cấm phương tiện qua Quảng Ngãi, Đà Nẵng nên rất khó khăn bởi xe giao ga thì không thể ngắt quãng được, mong tỉnh có giải pháp” - ông Lãng kiến nghị.
Theo ông Lãng, trước đây quy định xe chở hàng vào Quảng Ngãi phải dừng tại Núi Thành, thay tài xế lái vào Quảng Ngãi, sau khi nhận hàng sẽ quay về Núi Thành trả xe để tài xế chở về nhà máy. Dù điều này tưởng chừng sẽ hạn chế tài xế Quảng Nam vào vùng dịch, nhưng thực tế khó đảm bảo an toàn, nhất là trong trường hợp tài xế Quảng Ngãi nhiễm Covid-19, vô tình lây lan, phát tán trong xe. Do đó, nếu bây giờ áp dụng với phía Đà Nẵng cũng nên cân nhắc để có giải pháp phù hợp.
Cùng nỗi lo về vận chuyển, theo đại diện Công ty CP Cẩm Hà, hàng hóa nếu không xuất đúng thời điểm hợp đồng đã ký, DN phải chịu phạt, khó khăn càng thêm chồng chất.
“Công ty chúng tôi sản xuất, chế biến gỗ, bình quân mỗi tuần xuất đi châu Âu và Bắc Mỹ một chuyến hàng từ 20 – 30 container, đến ngày nếu không đi được phải dời sang tuần sau, đồng nghĩa DN phải chịu phạt 2.000USD/container” - đại diện Công ty CP Cẩm Hà nói.
Tại buổi làm việc, hầu hết DN, chủ đầu tư KCN Điện Nam – Điện Ngọc và các cụm công nghiệp (CCN) ở Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên đều bày tỏ lo lắng khi việc cấm đi lại giữa Quảng Nam và Đà Nẵng được triển khai.
Ngoài lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất bị ngưng trệ, việc bố trí cán bộ quản lý và người lao động Đà Nẵng ở lại tại chỗ cũng không đơn giản do thiếu trang thiết bị, cơ sở lưu trú xung quanh không nhiều, chưa kể một số cơ sở lưu trú không chịu nhận người đến từ Đà Nẵng.
Phòng ngừa dịch bệnh ở mức tối đa
Tính đến tháng 7.2021, ba địa phương Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên có 34 CCN và 1 KCN thu hút khoảng 26 nghìn lao động. Trong đó, riêng KCN Điện Nam – Điện Ngọc có hơn 23 nghìn lao động, chuyên gia làm việc, rất nhiều người trong số đó sinh sống tại TP.Đà Nẵng. Ngày 16.7, UBND tỉnh ban hành văn bản số 96 nội dung yêu cầu cán bộ, viên chức, người lao động công tác tại Quảng Nam không đến TP.Đà Nẵng, với trường hợp người từ Đà Nẵng vào Quảng Nam phải cách ly theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, dù chia sẻ với những khó khăn của DN, nhưng không vì thế mà lơi lỏng công tác phòng chống dịch, bởi khi dịch đã xảy ra tại KCN, CCN, lúc đó hoạt động sản xuất kinh doanh của DN chắc chắn tê liệt, hậu quả sẽ rất phức tạp.
“Dịch lần này tốc độ lây lan nhanh, nên công tác phòng ngừa dịch bệnh phải ở mức tối đa có thể. Nếu chúng ta không quyết tâm, cứ đổ cho khó khăn, không tìm hiểu cách thức tốt mà người ta đã giải quyết ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam áp dụng cho DN mình là không được.
Trách nhiệm của DN phải chủ động trong các điều kiện có thể, khi mọi cách không thể được thì phải báo cáo để chúng tôi có phương án, tùy theo từng trường hợp sẽ xem xét giải quyết, không DN nào được lơ là trong công tác phòng chống dịch” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, đồng thời cam kết sẽ tìm cách giải quyết ở mức độ có thể chấp nhận được cho một số đối tượng là chuyên gia, người lao động.
Ngay trong sáng hôm qua 18.7, UBND tỉnh đã có văn bản cho phép các nhà quản lý, chuyên gia, người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất tại Quảng Nam cư trú tại Đà Nẵng được về Đà Nẵng ngày 18.7 và quay lại nơi làm việc tại Quảng Nam mà không bị cách ly. Một số DN tranh thủ thời gian này đã nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho người lao động ăn ở, làm việc tại chỗ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ngoài việc DN chủ động bố trí nơi ở cho người lao động có nhà ở Đà Nẵng, các cơ sở lưu trú của tỉnh cần tạo điều kiện chia sẻ với mức giá phù hợp, đảm bảo cho DN duy trì sản xuất kinh doanh và phòng chống dịch.