Đối thoại để nghe hộ nghèo, cận nghèo cần gì. Đó là cách mà Mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn huyện Thăng Bình triển khai sau khi đã rà soát, tổng hợp danh sách hộ nghèo, cận nghèo của năm 2022.
Sau đối thoại, Mặt trận và các hội đoàn thể bắt tay vào việc hỗ trợ, trao phương tiện sinh kế để các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững.
Tại xã Bình Trị, một cuộc đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo năm 2022 vừa được Mặt trận và các hội đoàn thể tổ chức. Cuộc đối thoại chỉ kéo dài một buổi, song người nghèo, hộ cận nghèo được nói ra những tâm tư, nguyện vọng để thoát cái nghèo. Còn với Mặt trận và các hội đoàn thể, đó là nỗi trăn trở, cần tìm ra giải pháp giải quyết.
Cuộc đối thoại thu hút 20 ý kiến, trong đó 10 ý kiến sửa chữa, xây dựng nhà, 7 ý kiến đề nghị hỗ trợ bò giống sinh sản và 3 ý kiến còn lại mong muốn được hỗ trợ máy nước mía hoặc máy xay bột. Các ý kiến đã được tiếp thu, chắt lọc, sau đó giao lại cho từng hội đoàn thể tùy theo nhu cầu của hội viên, đoàn viên mà nắm bắt, hỗ trợ kịp thời.
Theo bà Hà Thị Nguyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trị, hội đặt ra chỉ tiêu, mỗi năm phải giúp 2 - 3 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững. Đối với các hộ phụ nữ có nhu cầu hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà, hội làm việc với Mặt trận để khảo sát thực hiện.
Việc hỗ trợ cây, con giống, tùy theo nguồn khác nhau, hội sẽ hỗ trợ theo nguyện vọng. Với hộ cần vốn để phát triển sản xuất, thông qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện, hội làm các thủ tục hồ sơ đề nghị. Cạnh đó, đối với hội viên phụ nữ có con em học sinh, hội cũng sẽ hỗ trợ thông qua chương trình tiếp sức đến trường hay nhận đỡ đầu hàng tháng.
“Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 1,2%. Năm 2021, Hội LHPN xã đã giúp 2 hộ phụ nữ thoát nghèo bền vững. Ngoài ra chúng tôi còn giúp các hộ vay vốn để phát triển sản xuất. Năm nay, Hội LHPN xã đã phân loại và đã xây dựng phương án hỗ trợ phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo theo đúng chỉ tiêu đặt ra” - bà Nguyên nói.
Năm 2022, huyện Thăng Bình đã giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn phải giảm 75 hộ nghèo. Bà Võ Thị Ngọc Ánh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho hay: “Trên cơ sở các chỉ tiêu giao, các xã, thị trấn phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng hộ thông qua việc đối thoại trực tiếp hoặc gián tiếp để hỗ trợ.
Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo, cận nghèo hiểu các chủ trương, chính sách thoát nghèo bền vững như được hỗ trợ 50 triệu đồng vay vốn không lãi suất 5 năm, 5 triệu đồng tiền thưởng và hưởng bảo hiểm y tế liên tục 3 năm khi hộ nghèo đăng ký thoát nghèo…”.
Bà Phan Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình cho biết, năm 2021, 22 cơ sở hội đã giúp 44 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo. Năm nay địa phương vẫn đặt mục tiêu thoát nghèo cho 44 hộ phụ nữ.
Bà Trang nói: “Hiện nay chúng tôi yêu cầu các tổ chức hội phối hợp tổ chức đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, cận nghèo. Sau đó xuống từng hộ khảo sát lại để đảm bảo hỗ trợ theo phương châm “trao cái người nghèo cần, chứ không trao cái hội có”. Có như thế, những hộ được nhận hỗ trợ an tâm, tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”.
Năm 2021, Thăng Bình giảm 274 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, đạt 196% chỉ tiêu nghị quyết Huyện ủy, HĐND huyện đề ra và vượt 161% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao (105 hộ).