Phòng LĐ-TB&XH Tam Kỳ vừa phối hợp tổ chức các buổi đối thoại về việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công (NCC) cách mạng của 13 xã, phường trên địa bàn. Qua đó, nhiều vướng mắc từ thực tiễn đã được kiến nghị đến ngành chức năng.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH giải đáp thắc mắc, kiến nghị của người có công trong buổi đối thoại tổ chức tại phường An Xuân, Tam Kỳ. Ảnh: VÕ LY |
Tại điểm đối thoại đầu tiên được tổ chức tại xã Tam Thăng với sự tham gia của gần 30 NCC của các xã Tam Thăng và Tam Thanh, ngay sau khi đại diện Phòng LĐ-TB&XH thành phố phát biểu khai mạc, hội trường “nóng” lên ngay với ý kiến của đại biểu tham dự. Điều này cho thấy người dân rất quan tâm đến vấn đề giải quyết chế độ chính sách và câu chuyện này hiện nay còn khá nhiều vướng mắc. Phần lớn ý kiến NCC tại buổi đối thoại bày tỏ những thắc mắc, bức xúc liên quan đến các nhóm vấn đề về chế độ chất độc da cam, nhà ở cho NCC, chính sách cho người bị tù đày, việc giám định thương tật để giải quyết chế độ… Ông Phan Quyến, trú thôn Tỉnh Thủy (xã Tam Thanh) cho rằng, cần phải nâng mức hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở cho NCC. “Theo quy định hiện hành, mức hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho NCC là 20 triệu đồng/trường hợp, xây mới là 40 triệu đồng/trường hợp. Số tiền đó chỉ phù hợp với thời điểm ban hành chính sách. Chứ hiện nay giá cả vật tư xây dựng, ngày công lao động đều tăng nên kinh phí sửa chữa, xây mới nhà ở tăng cao hơn rất nhiều. Vì thế, Trung ương cũng như địa phương cần phải có sự thay đổi chính sách hỗ trợ phù hợp để NCC đủ khả năng sửa chữa hoặc xây mới nhà ở, ổn định cuộc sống” - ông Quyến nói.
Tại những buổi đối thoại tổ chức ở các địa phương khác, nhiều ý kiến cũng đã tập trung phản ánh về các vấn đề trên. Ngoài ra, nhiều NCC bày tỏ băn khoăn, vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục để hưởng các chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước. Điển hình như việc làm hồ sơ để hưởng chính sách theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp nước bạn Lào sau ngày 30.4.1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Ông Phạm Thăng Long, trú khối phố 4, phường An Xuân nói, đây là chính sách cần thiết nhằm giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc chăm lo đời sống của NCC. Thế nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách này vẫn còn một số khó khăn. “Đối với trường hợp khi xuất ngũ được đơn vị xác nhận thời gian tham gia kháng chiến thì việc làm hồ sơ rất thuận tiện. Thế nhưng có nhiều trường hợp khi xuất ngũ đơn vị lại không ghi xác nhận thời gian tham gia kháng chiến. Do đó, lúc đi làm bản khai để hưởng chế độ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi thấy đây là những bất cập mà chúng ta cần phải xem xét lại” - ông Long bày tỏ.
Thực tế những năm qua, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền TP.Tam Kỳ thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần NCC, góp phần thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, thành phố đã hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 403 gia đình NCC với cách mạng; tiếp nhận và chuyển Sở LĐ-TB&XH 250 hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ ưu đãi đối với NCC cách mạng; cấp 156 thẻ bảo hiểm y tế cho NCC và thân nhân NCC. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện công tác thương binh - liệt sĩ, NCC vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là vì quy định của nhiều văn bản chính sách không đồng bộ nên việc tổ chức thực hiện chưa có sự thống nhất, dẫn đến phát sinh vướng mắc. Một số chế độ chính sách tuy có được điều chỉnh theo từng giai đoạn, nhưng nhìn chung là vẫn chưa thực sự phù hợp thực tế, chưa đảm bảo NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. Đặc biệt, một số chế độ trợ cấp một lần với mức quy định từ năm 1995 đến nay vẫn chưa được điều chỉnh.
Bà Trần Thị Bộ - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cho biết: “Thông qua việc tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp về chính sách sẽ góp phần giải quyết kịp thời những vướng mắc, kiến nghị của NCC. Bên cạnh đó, đối với những ý kiến đề xuất, kiến nghị ghi nhận tại các buổi đối thoại, lãnh đạo của Phòng và Sở LĐ-TB&XH sẽ kiến nghị cấp trên quan tâm giải quyết để công tác thực hiện chế độ ưu đãi cho NCC được kịp thời và đảm bảo theo quy định. Đây cũng là việc làm thường xuyên của thành phố trong những năm qua”.
VÕ LY