Thời gian qua, TP.Tam Kỳ đã tiến hành đồng bộ các giải pháp, chương trình giảm nghèo. Trong đó, việc tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với hộ nghèo là cách làm mang lại hiệu quả thiết thực.
Một buổi đối thoại với hộ nghèo trên địa bàn Tam Kỳ tổ chức vào đầu tháng 9.2015. Ảnh: VÕ LY |
Có mặt tại buổi đối thoại về chính sách giảm nghèo do Phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ tổ chức tại phường An Mỹ vừa qua, cảm nhận đầu tiên là không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa lãnh đạo Phòng và Sở LĐ-TB&XH với hơn 100 hộ nghèo của 3 phường Tân Thạnh, An Mỹ, An Xuân. Những băn khoăn, trăn trở, những nguyện vọng, kiến nghị được các hộ nghèo bày tỏ tại buổi đối thoại tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ khám chữa bệnh, mong muốn được vay vốn để sản xuất, các chính sách hỗ trợ người già neo đơn không nơi nương tựa, phụ nữ đơn thân nuôi con, hỗ trợ học phí cho con em hộ nghèo, chính sách bảo hiểm xã hội...
Lắng nghe người nghèo
Mỗi hộ nghèo một hoàn cảnh nhưng họ cùng chung hy vọng sẽ có tương lai tốt hơn từ sự tự lực của gia đình cùng sự trợ giúp của cộng đồng. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Thị Thu Sương ở khối phố 2 (phường An Mỹ) cho biết, chồng đã mất cách đây 7 năm, bản thân chị bị bệnh hở van tim. Hàng ngày, với chiếc xe đẩy chị xoay xở nuôi 4 người con, trong đó một con bị dị tật, còn lại đang trong tuổi ăn học. Bây giờ cả 4 mẹ con đều đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế người nghèo, riêng người con khuyết tật mỗi tháng được trợ cấp 554 nghìn đồng… Chị bảo, bây giờ lo cho bữa ăn của các con hàng ngày không quá khó, nhưng lo nhất là những lúc chị và các con ốm đau thiếu tiền thuốc men, lúc mưa gió mấy mẹ con lại lo nhà dột... Phát biểu tại buổi đối thoại, chị Sương bày tỏ: “Mong muốn lớn nhất hiện giờ của tôi là được hỗ trợ để xây mới hoặc sửa lại ngôi nhà đã xuống cấp”. Còn với ông Huỳnh Bê (70 tuổi, ở phường An Xuân) hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Ông bị tàn tật, vợ thường xuyên đau ốm, ông bà có 2 người con nhưng không có việc làm ổn định. Tại buổi đối thoại ông mong muốn được tạo điều kiện để gia đình vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo...
Để nâng cao tính bền vững của hoạt động giảm nghèo, nâng cao năng lực giảm nghèo, bà Trần Thị Bộ - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP. Tam Kỳ cho biết: “Theo kế hoạch giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2011- 2015, hàng năm mỗi xã, phường tổ chức một hội nghị đối thoại chính sách giảm nghèo nhằm xác định đúng hơn nhu cầu và ý chí, năng lực tham gia của người nghèo. Từ những ý kiến đóng góp trực tiếp của người dân, Phòng LĐ-TB&XH, Ban Chỉ đạo giảm nghèo thành phố sẽ có kiến nghị lên ngành cấp trên đề xuất điều chỉnh các cơ chế, chính sách cho phù hợp thực tế”. Qua 4 năm tổ chức đối thoại hộ nghèo, kết quả đáng ghi nhận của TP.Tam Kỳ ngoài giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đã tạo được ý thức tự phấn đấu vươn lên của từng hộ dân. Đây chính là nền tảng cơ bản để Tam Kỳ thực hiện tốt hơn nữa công tác giảm nghèo trong thời gian tới, phấn đấu xóa hộ nghèo trong năm 2015. |
Tham gia đối thoại, đại diện các cơ quan, ban ngành chức năng của thành phố và tỉnh tích cực trả lời kiến nghị của hộ nghèo, giải đáp những thắc mắc cũng như những vấn đề còn tồn tại liên quan đến các chính sách đối với người nghèo. Đặc biệt, thông qua tiếp xúc trực tiếp, các hộ nghèo cảm nhận được sự động viên, sẻ chia của các cấp, ngành chức năng, từ đó tạo động lực để họ nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Hiệu quả thiết thực
Từ năm 2011 đến nay, đã có hơn 40 buổi đối thoại chính sách giảm nghèo được TP.Tam Kỳ tổ chức tại các địa phương trên địa bàn, thu hút gần 5.000 lượt người nghèo tham dự. Việc tổ chức đối thoại nhằm tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, năng lực của người nghèo, cũng như mức độ tiếp cận của người nghèo đối với chính sách, dự án giảm nghèo và hiệu quả đem lại của các chính sách giảm nghèo như: hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, vay vốn... Từ đó, ngành chức năng sẽ có những điều chỉnh, đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững. Các kết quả sau những cuộc đối thoại này còn được sử dụng để lập kế hoạch và giám sát các hoạt động giảm nghèo. Trong những năm qua đã có hàng nghìn hộ được trợ giúp pháp lý miễn phí, được sử dụng nước sạch, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo... đã giúp người nghèo có thẻ bảo hiểm y tế, hàng nghìn người được đào tạo nghề, có việc làm ổn định...
Với hình thức đối thoại về chính sách giảm nghèo, TP.Tam Kỳ là một trong những địa phương trong tỉnh thực hiện đổi mới hoạt động nâng cao năng lực giảm nghèo cũng như gián tiếp giám sát, đánh giá việc thực thi các chính sách giảm nghèo. Từ những kết quả đạt được đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn thành phố liên tục giảm, từ 6,33% năm 2011 xuống còn 2,02% năm 2014; tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2014 giảm còn 4,31%. Đời sống của hộ nghèo không ngừng được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.
VÕ LY