Đối thoại với sinh viên về bảo hiểm xã hội

LÊ DIỄM 20/10/2016 08:20

Bảo hiểm xã hội tỉnh vừa phối hợp với Trường Đại học Quảng Nam tổ chức buổi đối thoại với sinh viên (SV) của trường về việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là lần đầu tiên Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức riêng buổi đối thoại về chính sách BHYT cho SV, với hơn 600 bạn tham gia.

Tuyên truyền nội dung BHYT

SV cùng với học sinh là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc theo luật và cũng là đối tượng được Nhà nước quan tâm hỗ trợ 30% mức đóng BHYT nhằm giúp SV có điều kiện tiếp cận được với việc chăm sóc sức khỏe. Đồng thời SV còn được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại nhà trường từ nguồn kinh phí trích lại từ Quỹ khám chữa bệnh BHYT. SV tham gia BHYT không chỉ có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bản thân mà còn là trách nhiệm chia sẻ cộng đồng. Dù vậy, tỷ lệ SV tham gia BHYT vẫn còn chưa cao, làm ảnh hưởng không ít đến việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Đối thoại nhằm tuyên truyền cho SV hiểu rõ về quyền lợi thiết thân khi tham gia BHYT, từ đó có nhận thức đúng đắn hơn đối với tầm quan trọng của chính sách này.

Sinh viên Trường Đại học Quảng Nam đặt nhiều câu hỏi về chính sách bảo hiểm y tế trong buổi đối thoại. Ảnh: D.L
Sinh viên Trường Đại học Quảng Nam đặt nhiều câu hỏi về chính sách bảo hiểm y tế trong buổi đối thoại. Ảnh: D.L

Đối với Trường Đại học Quảng Nam, nhà trường đã dành sự quan tâm đến việc vận động SV tham gia BHYT để thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ông Võ Thanh Thủy - Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học Quảng Nam) cho biết: “Đối với nhà trường, thực hiện BHYT SV cũng là một chỉ tiêu thi đua của từng lớp học. Đội ngũ ban cán sự lớp như là cánh tay nối dài của nhà trường, sâu sát và hiệu quả trong việc truyền đạt chính sách BHYT đến từng thành viên trong lớp. Riêng việc chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường, SV rất tin tưởng. Các đoàn SV tình nguyện, đi dã ngoại… đều được nhà trường hỗ trợ một cơ số thuốc đề phòng ốm đau khi ở ngoài nhà trường. Như năm học vừa qua có hơn 1.200 trường hợp đến khám, sơ cấp cứu rồi chuyển viện lên tuyến trên”.

Giải đáp nhiều thắc mắc

Tại buổi đối thoại, những vị khách mời từ các phòng chuyên môn của Bảo hiểm xã hội tỉnh đã nêu lên nhiều vấn đề mà SV quan tâm về BHYT. Cụ thể, khám chữa bệnh BHYT trong trường hợp cấp cứu; SV có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tỉnh khác đến; quyền lợi khám chữa bệnh của các nhóm đối tượng tham gia; mức đóng, trách nhiệm và phương thức đóng; quyền lợi, mức hưởng; quy định về cấp thẻ; thông tuyến khám bệnh trong tỉnh… SV Nguyễn Thị Hồng Anh hỏi: “Theo quy định, việc tham gia BHYT bắt buộc đối với SV, nhưng có những bạn gia đình khó khăn lại không thuộc diện nghèo hay cận nghèo, không đủ tiền mua thẻ BHYT phải làm sao?”.

Ông Võ Thanh Hùng - Trưởng phòng Chế độ (Bảo hiểm xã hội tỉnh) cho biết, Nhà nước đã hỗ trợ 30% chi phí mua thẻ BHYT thể hiện sự ưu tiên dành cho đối tượng SV. Vì thế nếu không thuộc hộ nghèo hay cận nghèo, SV bắt buộc phải mua thẻ với mức đã hỗ trợ là 457.000 đồng. Còn SV Lê Thị Thúy Nga thắc mắc: “Thường thẻ BHYT SV hết hạn vào cuối tháng 9 khi kết thúc năm học, nhưng vào năm học mới thì cuối tháng 10 mới có thẻ BHYT mới, như vậy trong một tháng đó SV có được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh BHYT hay không?” Ông Bùi Duy Thành - Trưởng phòng Giám định (Bảo hiểm xã hội tỉnh) giải đáp, SV vẫn được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh trong một tháng chưa có thẻ, chi phí này cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán trực tiếp với cơ sở khám chữa bệnh khi SV bị ốm đau phải điều trị bệnh.

Nhiều SV ngoại tỉnh năm học đầu tiên đến với Trường Đại học Quảng Nam cũng bày tỏ lo lắng rằng thẻ BHYT của họ theo diện hộ gia đình hoặc nghèo, cận nghèo, chính sách, khi đến Quảng Nam học tập thì nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu không phải ở trong tỉnh Quảng Nam mà ở tỉnh khác, như vậy họ có được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh hay không. Về điều này, ông Thành đã giải thích rõ rằng SV có thẻ BHYT từ tỉnh khác chuyển đến vẫn được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh trong trường hợp ốm đau tai nạn phải cấp cứu và vẫn được khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện hưởng 60% chi phí (nếu khám đúng nơi đăng ký thì được hưởng 80% chi phí).

Nhiều câu hỏi đặt ra tại buổi đối thoại cho thấy SV quan tâm nhiều đến chính sách BHYT. Vì vậy, việc tuyên truyền, đối thoại tại cơ sở là hoạt động thiết thực, hiệu quả cần nhân rộng hơn nữa để chính sách này đi sâu vào cuộc sống.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đối thoại với sinh viên về bảo hiểm xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO