(QNO) - Tiết trời lất phất mưa xuân. Hàng thược dược ba trồng mới đó mà đã chớm nụ đơm bông. Vườn rau của mẹ đủ các loại hành, ngò, xà lách cũng không chịu thua kém loài hoa kia, cựa mình trỗi dậy vươn lên xanh mơn mởn. Có lẽ mùa xuân của đất trời đang tưng bừng gõ cửa khắp muôn nơi.
Gói bánh tét. Ảnh: T.T |
Vào những ngày cuối năm, dù bận nhưng mẹ vẫn dành thời gian gói những đòn bánh tét thơm mùi nếp hương để bày mâm cỗ dâng lên ông bà tổ tiên. Tôi thì không quên nhiệm vụ muôn thuở của mình, chọn những tàu lá chuối lành lặn có sẵn trước bờ ao, rồi cẩn thận đem hơ đều đặn qua lửa, sau đó rọc ra từng miếng nhỏ. Mẹ kỹ lưỡng chọn loại nếp dẻo và loại đậu đen thuộc diện ngon nhất đem đãi thật sạch rồi hong cho ráo, thêm vào ít muối để có độ đậm nhạt vừa phải. Ba cũng kỳ công không kém, ngồi tỉ mẩn chẻ từng sợi lạt giang rồi ngâm nước lấy độ mềm dẻo dùng để buộc.
Sau khi các công đoạn đã hoàn thành xong, mẹ khéo léo trổ tài, chỉ trong thoáng chốc mà các đòn bánh tét đã gói xong hệt như cánh tay bụ bẫm của em bé, rồi nhẹ nhàng cho vào nồi đồng, đổ ngập nước bắt lên bếp lửa đỏ hồng trước hiên nhà mà ba vừa nhóm xong. Mẹ thường gói hai loại bánh tét đậu đen và bánh tét thịt - hay còn gọi là bánh tét có nhân. Tôi thì thích loại bánh tét đậu đen, vì mỗi khi ăn vào có cảm giác như được hít thở không khí hương đồng gió nội, và tất cả những nguyên liệu đó do mồ hôi công sức của ba mẹ gian nan vun bồi trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn, mà không phải bỏ tiền ra mua thứ gì ngoài chợ.
Hồi còn tấm bé và cho tới bây giờ, tôi vẫn còn thích mỗi khi còn dôi ra ít gạo nếp, mẹ lấy đó để gói những chiếc bánh ú có hình chóp nón trông rất xinh. Những ngày giáp tết trời lành lạnh, được ngồi đun lửa khói phả lên khuôn mặt ửng hồng thì không gì sánh bằng. Quê tôi, hầu như nhà nào cũng gói bánh tét mỗi độ xuân về, đám trẻ cứ thế vây quanh nồi bánh mà chẳng chịu rong chơi như mọi hôm. Bởi vậy, không một cái tết nào gia đình thiếu vắng nồi bánh tét ấm áp mặn nồng hơi xuân. Vào sáng mồng một tết, mẹ dậy thật sớm sửa soạn mâm cỗ tinh tươm rồi cả gia đình sang nhà thờ để cúng gia phả, đất trời. Lúc mới chập chững về làm dâu, nội khó tính nhưng không kiệm lời khen mẹ, vẹn toàn chu đáo, đảm đương, chính vì vậy mà mẹ dễ dàng “ghi điểm” trong mắt nội.
Còn nhớ, tự lâu lắm rồi cũng vào dịp đầu xuân, đông đủ con cháu ngồi quây quần trên tấm phản gỗ mít, được nghe bà kể chuyện sự tích “Bánh chưng bánh dày” mà hoàng tử Tiết Liêu hiền hậu, hiếu thảo dâng đức vua anh minh. Sau một hồi chấm chọn công tâm, cuối cùng hoàng tử được chọn lên nối ngôi vua, trị vì đất nước.
Sau những ngày đoàn viên sum họp bên gia đình, anh em chúng tôi cũng sẽ phải xa mẹ để tiếp tục rong ruổi kiếm tìm cuộc hành trình trên con đường mưu sinh nghiệt ngã. Mẹ lặng lẽ đặt vào túi xách mỗi đứa đòn bánh tét mà nước mắt như chực lăn trên gò má xương xương, hốc hác, gọi là quà quê mẹ gửi bạn con phương xa. Và mẹ cũng biết con gái bà rất thích món này, có thể để vậy ăn lâu ngày hoặc chiên giòn chấm nước mắm cũng rất tuyệt.
Mỗi độ tết về, dù đi đâu, làm gì, mùi vị bánh tét quê nhà vẫn cứ đậm sâu trong ký ức, như một món quà đặc biệt trong những ngày xuân.
THIÊN THU