"Đòn bẩy" từ khu phố chợ

NGUYỄN QUANG VIỆT 20/03/2017 10:01

Trong phát triển không gian đô thị, chợ đóng vai trò đặc biệt quan trọng; và ngược lại, chợ ra đời luôn gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển đô thị. Thực tế hoạt động của hệ thống khu dân cư phố chợ được hình thành khang trang trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã cho thấy nhiều ưu điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

  • QUẢNG NAM - 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Chợ Vĩnh Điện và Khu phố chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn) nhìn từ quốc lộ 1.
Chợ Vĩnh Điện và Khu phố chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn) nhìn từ quốc lộ 1.

Thúc đẩy phát triển

Khu phố chợ Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) sầm uất vào những ngày này, các hoạt động giao thương diễn ra sôi động. Trong không khí tấp nập bán mua vẫn nhận thấy sự quy củ, nền nếp. Chị Tuyến, một tiểu thương buôn bán tại nhà ở khu phố chợ Vĩnh Điện cho biết, việc kinh doanh rất thuận tiện vì giao thông khớp nối. Xe chuyển hàng hóa về từ TP.Hồ Chí Minh đậu ngay cổng nhà nên khiêng vác, sắp xếp tiện lợi. Sân trước nhà chị Tuyến rộng rãi nên các khách hàng đến mua sắm không cần gửi xe, hàng mua xong, bố trí ngay lên xe, di chuyển dễ dàng. “Trước đây kinh doanh ở chợ cũ rất vướng víu, các lô hàng bố trí san sát, có khi hàng của mình bị rơi sang lô bên cạnh mà không thể lấy lại được. Chừ nhà tôi ở ngay sát cổng chợ nên khách hàng rất ưng ý tìm đến. Khu phố chợ đi vào hoạt động trong vài năm nay giúp gia đình chúng tôi thu lợi cao từ hoạt động buôn bán” - chị Tuyến nói.

Lời giải cho nhiều bài toán

“Chợ trong phố” kết hợp giữa ở và kinh doanh, phù hợp triết lý của người phương Đông là “nhất cận thị, nhị cận giang”. Không gian thương mại dịch vụ nhờ đó được lan tỏa, nhiều hộ dân nằm cận kề cũng sẽ tổ chức buôn bán khiến cả khu vực rộng lớn sôi động. Xây dựng “chợ trong phố” ở các vị trí mới còn giải quyết bài toán kinh phí cho chính quyền sở tại thông qua xã hội hóa đầu tư kết hợp khai thác quỹ đất. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công thương cho rằng, các khu phố chợ được hình thành và hoạt động trên địa bàn tỉnh đã mở ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh hoạt động thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời khắc phục các điểm yếu tồn tại trước đây của các chợ là ô nhiễm môi trường, thiếu mỹ quan, ùn tắc giao thông. Các khu phố chợ hình thành và hoạt động hiệu quả giúp cho việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tốt hơn, việc vận hành quản lý chợ được chuyên nghiệp, thông suốt hơn.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, chợ cũ Vĩnh Điện hoạt động trong những điều kiện rất mất an toàn, dễ cháy nổ, ô nhiễm môi trường, nên phải khẩn trương xây dựng chợ mới, và đó cũng là cơ sở để xây dựng khu phố chợ Vĩnh Điện như hiện nay. Khởi công từ cuối năm 2011, đến năm 2013 các hạng mục xây dựng hoàn thành, đi vào hoạt động. Khu phố chợ Vĩnh Điện rộng 32ha được triển khai theo quy hoạch chung xây dựng Vĩnh Điện, trong đó hạng mục chợ rộng 14.000m2, gồm 2 khu vực buôn bán riêng lẻ, bố trí đa dạng mặt hàng. Các ki ốt được quy hoạch rộng rãi, lắp đặt hệ thống chống cháy nổ. Các quầy kinh doanh thực phẩm, ăn uống đều có hệ thống nước sạch phục vụ mua bán và các cống rãnh dẫn nước thải về tập kết, xử lý. “Người bán thuận tiện, người mua cũng thuận lợi nên khu phố chợ Vĩnh Điện đáp ứng nhu cầu giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - ông Nguyễn Đức Chơi nói.

Từ khu phố chợ Vĩnh Điện, đi dăm cây số là đến khu đô thị phố chợ Nam Phước (Duy Xuyên). Sự khớp nối của 2 khu phố chợ này khiến cho hoạt động thương mại của 2 địa phương có tính liên kết, sự giao thương càng thêm sầm uất. Khu đô thị phố chợ Nam Phước có diện tích khoảng 20ha, rất đắc địa cho sinh sống và kinh doanh. Hoạt động giao thương cực kỳ thuận tiện vì nằm ở ngay quốc lộ 1 lại nối với ĐT 610. Chợ Nam Phước có quy mô loại 2 với 2,5ha, gồm khu vực chợ 1,25ha và các yếu tố hạ tầng xung quanh. Khu chợ này có hơn 500 điểm kinh doanh, đa dạng ngành nghề buôn bán, chế biến, dịch vụ. Trong đó, có đa dạng hàng hóa nông sản được sản xuất và chế biến tại huyện Duy Xuyên và Quảng Nam nói chung. Việc tập kết và luân chuyển hàng hóa nông sản của tỉnh đến hầu khắp khu vực miền Trung và Tây Nguyên không chỉ đánh dấu hoạt động mạnh mẽ của chợ này mà còn là cú hích phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh. “Tiến trình phấn đấu xây dựng thị trấn Nam Phước trở thành đô thị loại 4 vào năm 2020 không thể không tính đến động lực lớn là hoạt động của khu đô thị phố chợ Nam Phước” - ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói.

Hình thành chuỗi phố chợ

Từ thành công của hoạt động tại khu phố chợ Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn đang triển khai mạnh mẽ mô hình này. Hiện tại khu dân cư và chợ Điện Dương đang hoàn thành các công đoạn cuối cùng để nghiệm thu, dự kiến bàn giao đi vào hoạt động dịp 30.4 tới. Theo UBND phường Điện Dương, khu phố chợ Điện Dương có diện tích 10ha, riêng phần chợ chiếm khoảng 10.000m2. “Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng các quy chế, bộ khung quản lý và các vấn đề liên quan để khi bàn giao, khu phố chợ Điện Dương hoạt động suôn sẻ. Địa phương đang hối thúc chủ đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải để vận hành tốt và không tác động xấu đến môi trường” - ông Đinh Hùng Liên, Chủ tịch UBND phường Điện Dương cho biết. Tiếp theo đó, khu phố chợ Điện Nam Bắc cũng sẽ được thị xã Điện Bàn đầu tư xây dựng để giải quyết nhu cầu mua sắm của hàng nghìn hộ dân thuộc các phường Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung và Điện Ngọc, nhất là không dưới 20.000 lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Tiếp nối các khu phố chợ ở khu vực đông Điện Bàn sẽ là dự án khu dân cư phố chợ Điện Thắng Trung. Khu phố chợ này khi đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu buôn bán, mua sắm hàng hóa của hàng nghìn hộ dân thuộc 3 xã Điện Thắng Nam, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Bắc cũng như khu vực lân cận là Điện Hòa. Đặc biệt, chợ Thanh Quýt hoạt động không còn phù hợp sẽ được di dời đến đây để kinh doanh…

Bên trong chợ Nam Phước, Duy Xuyên. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Bên trong chợ Nam Phước, Duy Xuyên. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Ông Đỗ Võ Bán - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, huyện cũng đang khẩn trương triển khai dự án xây dựng khu phố chợ Hà Lam (tổ 8, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) trên diện tích 19ha. “Hiện các điều kiện xây dựng đã thông suốt, chỉ còn khâu đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư có năng lực, đảm bảo triển khai dự án hiệu quả. Khi hoàn thành, đi vào sử dụng, khu phố chợ kỳ vọng sẽ hoạt động bài bản, giao thương thuận lợi do nằm gần quốc lộ. Qua đó đem lại cú hích phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương” - ông Đỗ Võ Bán nói. Còn tại huyện Phú Ninh, khu phố chợ Cây Sanh (xã Tam Dân) sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đang hoạt động rất thuận lợi, đem lại cơ hội lớn trong kinh doanh của các tiểu thương cũng như đáp ứng nhu cầu sắm sửa các vật dụng thiết yếu của người dân. Khu phố chợ Cây Sanh có diện tích 9ha, gồm các hạng mục nhà chợ đạt tiêu chuẩn loại 2 với 300 điểm kinh doanh, hệ thống đường nội bộ, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và cây xanh cảnh quan. Theo UBND huyện Phú Ninh, khu phố chợ Cây Sanh ra đời góp phần phát triển thương mại nông thôn, giúp việc buôn bán, trao đổi nông sản và hàng hóa trên địa bàn xã Tam Dân nói riêng, huyện Phú Ninh nói chung được thuận lợi. Khu phố chợ này đi vào hoạt động còn góp phần giảm tai nạn giao thông do chợ cũ không đáp ứng nhu cầu, tiểu thương phải buôn bán chen chúc, lấn đường sá gây mất an ninh trật tự. Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho hay, chợ Cây Sanh là đầu mối tập kết và phân phối hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản từ TP.Tam Kỳ lên rồi chuyển đến hầu khắp các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My. Định hướng của huyện là sẽ mở rộng thị tứ Cây Sanh trong đó lấy khu phố chợ làm trọng điểm để phát triển các loại thương mại - dịch vụ. Bởi vậy, huyện thu hút đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị mini, các hãng điện máy, điện lạnh sẽ được tạo điều kiện tối đa để đầu tư, hoạt động trong thời gian đến.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Đòn bẩy" từ khu phố chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO