“Xa cái chợ, xa làng mình, thì viết chi được”, ông nói. Chính từ những điều nhỏ bé hằng ngày trong cái vồn vã ồn ào của chợ của đời, của làng mình đó, có một Đặng Đức Lai viết ca kịch bài chòi, dân ca. Ngọt và sâu. Bình dị và thấm thía…
Nhà nông mê ca Đặng Đức Lai. |
1. Buổi trưa nắng. Giữa chợ Cẩm Khê (Tam Phước, Phú Ninh). Chợ của xã nông thôn mới đầu tiên trên cả nước. Mấy người đàn bà ở chợ túm tụm bàn về hội bài chòi của mấy bữa trước. Tên ông Lai được gọi nhiều, vì câu này, câu kia, “đúng y” ý mình. Thì ra, người đàn ông tuổi đã sắp 65 không biết vì sao hiểu tâm ý họ quá, để mà khéo léo đưa vào mấy câu hô hát của những thẻ bài cũ. Bao nhiêu năm rồi, người đàn ông này vẫn như vậy. Giữ cho mình cái sè sẽ nhẹ nhàng của một người lỡ mang… máu nghệ sĩ. Giữ cho mình cái tôi - tuy khiêm cung nhưng đủ để kiêu hãnh trước bao nhiêu danh vị. Cơ quan chức năng bảo ông làm hồ sơ cho danh hiệu nghệ nhân ưu tú, ông lắc đầu bảo có ai tự khen mình hát hay bao giờ. Vậy là thôi.
Rất nhiều năm miệt mài cho phong trào dân ca bài chòi từ thuở thị xã Tam Kỳ cũ đến khi tách thành huyện Phú Ninh, Đặng Đức Lai cũng chỉ là một “nhà nông” mê hát, có tài đờn ca, có khả năng viết kịch bản, dựng hội bài chòi. Rồi mê mải với bao nhiêu hội diễn phong trào, bao đêm chong đèn để dựng cho ra vở diễn cho hội này đoàn kia, cổ động cho những chính sách mới ban hành bằng ca kịch bài chòi… Người ở cánh bắc Tam Kỳ gọi ông là “nghệ sĩ nhân dân”, là nghệ sĩ của nhân dân vùng Phú Ninh này thôi, ở giữa làng mình mà ca mà hát mà vui vẻ hạnh phúc. Ông Lai nói, nhiêu đó đủ rồi!
Người chỉ nghĩ mình như một kẻ xướng thanh ở giữa đồng làng này, hồn nhiên làm bao chuyện để đôi lúc bị nghĩ “bao đồng”, thiệt ra, đầy lấp lánh trong câu chuyện người khác kể về ông. Nên thiển nghĩ ông có cần chi danh hiệu được tổ chức này hội đoàn thể kia cấp cho. Cứ thảng hoặc bị níu lại giữa chợ Cẩm Khê, các bà các chị vây lấy bảo ca câu này câu kia, kể cho ông Lai chuyện mình chuyện người để hồi đưa lên sân khấu… Cái đẹp, cái hay từ những chân thật, cái sự thật trong dòng chảy của đời sống này, vẫn là điều cuốn hút nhất khi đưa nó vào nghệ thuật, “mang vác” nó lên sân khấu. Không giả danh hay son phấn thêm cho câu chuyện. Không đẩy đưa ca từ để biến cái điệu Xuân nữ Hò Quảng hay Cổ bản của bài chòi thành xa lạ. Hẳn, đó cũng là điều khiến người dân vùng này quý yêu ông Lai.
2. Hội bài chòi Kỳ Phú đêm 16 âm lịch. Đã hơn cả chục năm rồi, địa điểm cũng đã đổi dời nhiều bận trong không gian hữu hạn của một ngôi làng, nhưng cái sức cuốn hút của những câu hô câu hát vẫn nguyên vẹn. Hình như một phần bởi những món ăn tinh thần như thế này không nhiều ở các làng quê. Một phần, cũng bởi cái “máu thịt” dân gian, dầu thế nào vẫn phảng phất dưới những rặng tre trong những ngôi nhà ba gian sân gạch. Hội làng, vì thế mà sống từ đời này sang đời khác, thành tấm căn cước, thành “báu vật” để mỗi người lớn lên, bước qua tuổi già, lại nâng niu trân quý. Và níu giữ. Buổi đêm của cuộc hội, bất chợt nhiều khoảnh khắc, người ta không ngớt cười và vỗ tay, bởi lòng rộn theo tiếng đờn, tiếng ca, hoạt náo, vui tai và gần gũi. Phần lớn cuộc hội do ông Lai viết nội dung. Những thẻ bài vì thế, dẫu tên không thay nhưng câu hô cứ liên tục đổi, lúc thanh lúc tục, lúc áp chuyện của làng mình xóm mình. Còn tiếng đờn phím lõm thì khỏi phải nói nữa, nghe ngây ngất dồn dập để những ủ rũ của ngày nắng nôi tan đi, trong cái đêm hội làng. Đặng Đức Lai nói, để có tiếng đờn lục huyền cầm điêu luyện như hiện tại, tuổi trẻ của ông cũng bôn ba nhiều.
Ông Lai dạy trẻ em hát bài chòi. Ảnh: XUÂN HIỀN |
Chừng 30 tuổi, Đặng Đức Lai vào Nam. Chỉ đi làm phụ hồ, thợ đụng. Nhưng lại chắt bóp tiền để xuống Cần Thơ học đờn. Là những ngón nghề của anh nhạc công trong bộ môn đờn ca tài tử Nam Bộ. Hai năm ở miền Tây, coi bộ đủ để thúc giục tự bên trong một người đàn ông miền Trung trở về. Và chơi nhạc ở làng mình. “Dân mình là phải bài chòi, không thứ gì khác. Cải lương thì cái anh ở miền Tây mê, bởi nó hạp với kiểu lênh đênh sông nước. Đã về tới Trung Bộ thì phải ca bài chòi”, Đặng Đức Lai nói. Cái xác quyết ngay từ khi học hành bài bản các ngón đờn ca, đã giữ kẻ ưa lang bạt một lòng về giữa làng mình ca điệu bài chòi. Những kịch bản cho ca kịch bài chòi là cả một công trình đòi hỏi sự tập trung cao độ. “Bởi cái khó là những người diễn đều là những nghệ sĩ không chuyên. Chính vì vậy, những làn điệu vừa mang ý nghĩa, vừa phải dễ nhớ, phù hợp để người diễn có thể truyền tải một cách tốt nhất những tinh túy trong lời hát” - ông Lai nói. Nhiều lúc, như một kẻ lên đồng, ông nói mình ngồi một mạch từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng, bởi những lúc đó ý tưởng tuôn ra ào ạt, dừng lại thì sợ mất đi.
Những tâm huyết hiển lộ trong từng câu hát, từng tác phẩm Đặng Đức Lai viết. “Nhất là kịch bản dùng trong những hội thi, buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật cho bà con nhân dân. Muốn viết được không những phải có năng khiếu mà còn phải hiểu pháp luật để có thể chuyển tải chính xác vào trong câu hát. Có như vậy mới có thể đạt được hiệu quả tuyên truyền như mong muốn” - ông Lai nói. Kịch bản cho các cuộc thi tuyên truyền Luật An toàn giao thông, Luật Phòng chống bạo lực gia đình hay chủ trương xây dựng nông thôn mới..., ông phải đọc từng câu, từng chữ trong văn bản. Đưa nghị quyết chính sách thành một ca cảnh, để làm sao người dân nào cũng có thể hiểu ít nhất tinh thần của văn bản với đời sống của mình.
3. Giờ thì, cái “món” bài chòi người đàn ông chân đất này mê đã được định danh là “Di sản của nhân loại”. Ông Lai hoan hỉ ra mặt, bảo rằng, phải rứa, vì cái giá trị mà bài chòi sở hữu quá lớn, là cả hành trình bao chứa đời sống nhiều thế hệ của những người dân Trung Bộ mình. Và trong dịp nhận Bằng Di sản cho Nghệ thuật Bài chòi, Đặng Đức Lai cũng được vinh danh - là một trong số 3 nhà biên kịch, sưu tầm có công giữ gìn, phát huy bộ môn nghệ thuật này trong nhiều năm qua. Nhưng vốn dĩ, dù có hay không danh hiệu, trong đời sống dân gian, bài chòi nghiễm nhiên là một tài sản quý. Cũng như Đặng Đức Lai, dù được tôn vinh hay không, thì ông vẫn một lòng giữ cho hội bài chòi thôn Kỳ Phú của mình sáng đèn sau mỗi đêm rằm hằng tháng. Ông Lai nói, chỉ hy vọng rằng những sự quan tâm của Nhà nước hiện tại đối với việc bảo tồn, phát huy bộ môn này, không dừng lại ở việc “đánh trống bỏ dùi”. “Hô hào lên thì phải tiếp tục nuôi dưỡng, từ việc tập thể tiếp nhận nó rồi đến từng cá nhân tiếp nhận ra sao. Việc này thì không thể chỉ mỗi người dân làm được”, ông Lai chia sẻ. Và vì thiết tha với câu chuyện duy trì nghệ thuật bài chòi đến với từng đứa trẻ như vậy, Đặng Đức Lai… lại tìm đến trường học. Đã gần 2 năm học, những đứa trẻ cấp 1, 2 ở Tam Phước được tiếp cận với bài chòi từ… ông Lai. Thù lao dạy học, ông dành mua bánh kẹo mang đến lớp cho các bạn nhỏ. Không phải như Hội An, khi người có tài với âm nhạc truyền thống sẽ sống được với say mê đó, ngược lại, ở những vùng quê khác, muốn theo đuổi đến cùng một niềm say sưa, thì phải tự nuôi nó.
Con người sinh ra từ đồng ruộng này, bàn tay chân cũng nhuốm màu phèn đất, cứ tự mang vác vào mình những cô lẻ không đâu, để từ đây hồn nhiên đờn ca. Đôi khi, người ta gọi đó cũng là một cái nợ - nợ với chính mình. Vì cái nợ lỡ làng này mà tự trói buộc mình vào sứ mệnh của kẻ lặng lẽ đờn ca ở giữa làng mình, giữ lại của văn hóa quê hương mình, không danh tiếng, không tiền tài… Ở đời, luôn có những người kỳ lạ như vậy!
XUÂN HIỀN