LTS: Từ ngày 25 đến 29.4, tại Bạc Liêu diễn ra Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần I - 2014. Dịp này, Báo Quảng Nam giới thiệu loạt bài của nhà báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, người con của quê hương Quảng Nam đã có nhiều năm sống và công tác tại Bạc Liêu, về nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc trưng này của vùng đất Nam Bộ. Cũng chính loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này đã thấm sâu và hình thành nên một phong cách âm nhạc Nam Bộ trong ca khúc tân nhạc của ông.
Tháng 1.2014, UNESCO đã trao cho Việt Nam bằng công nhận ĐCTT Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Đờn ca tài tử là gì, không gian diễn xướng ra sao và do đâu nó xứng đáng là di sản văn hóa của thế giới?
Một cách khái quát, ĐCTT bao gồm hai khái niệm. Khái niệm thứ nhất, đờn - đàn, để chỉ âm nhạc của dàn nhạc đệm và của từng bài ca cụ thể. Khái niệm thứ hai, ca - tiếng hát, để chỉ lời ca, chất giọng, trình độ diễn xướng của những người tham gia. Như vậy, ĐCTT là một nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc trưng của Nam Bộ, là một thú chơi bao gồm hai yếu tố ca và nhạc nhằm giải trí, làm vui cho nhân dân lao động trong những lúc nhàn rỗi.
Tại sao sau hai chữ “đờn ca” còn có hai chữ “tài tử”? Khái niệm tài tử ở đây được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất, tài tử là những người có tài. Trước hết, những người tham gia soạn bài bản, đờn và ca diễn là những người có tài bởi có tài thì họ mới làm được văn hóa, nghệ thuật. Ai viết bài bản? Đó là những người giỏi âm luật, có kiến thức về âm nhạc Nam Bộ. Ai chơi bản nhạc? Đó là những người có cảm thụ âm nhạc tốt, biết xử lý bản nhạc theo đúng quy chuẩn âm nhạc và theo ngẫu hứng của chính mình. Ai ca bài bản? Đó là những người có giọng ca đẹp, có kiến thức về nhịp điệu, tiết tấu, tự tin trước đám đông.
Nghĩa thứ hai, tài tử là những người không chuyên nghiệp. Họ xuất thân từ các ngành nghề, giai cấp khác nhau trong xã hội, yêu đờn ca nhưng họ không và chưa bao giờ là nghệ sĩ chuyên nghiệp trên sân khấu. Họ có thể là ông đốc phủ sứ có chữ nghĩa, ông chủ điền mê ca hát vui chơi, ông thầy giáo có kiến thức văn học, anh thợ cày, chị thợ cấy, người mua bán nhỏ… Họ đến với âm nhạc vì họ yêu âm nhạc, yêu nghệ thuật; muốn thể hiện cảm xúc của mình qua âm nhạc và gửi niềm cảm xúc ấy đến mọi người. ĐCTT được hiểu với cả hai nghĩa ấy và nghĩa nào cũng phù hợp với nó. ĐCTT Nam Bộ hình thành cách đây hơn 100 năm.
Khái niệm Nam Bộ ngày nay bao gồm 21 tỉnh và thành phố, kéo dài từ miền Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu) về đến miền Tây Nam Bộ, tới tận cùng đất nước ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Trong lịch sử hình thành và phát triển đất nước của chúng ta, Nam Bộ được xem là vùng đất trẻ, đất mới. Thành Biên Hòa (tên cũ: Trấn Biên, Đồng Nai) và thành Gia Định (TP.Hồ Chí Minh) mới chỉ ngoài 300 năm. Càng đi về hướng Tây Nam Bộ, các tỉnh ở tận cùng đất nước như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang lại càng trẻ, càng mới hơn nữa.
ĐCTT hình thành trên những cơ sở nào? Trên con đường mở nước, tổ phụ của chúng ta đã từ miền Trung vào phương Nam lập nghiệp. Sinh ra giữa miền Trung đất hẹp, nhiều núi non, tổ phụ chúng ta về tới phương Nam, choáng ngợp trước một vùng đất đai phù sa màu mỡ, trù phú. Đó là đồng bằng sông Cửu Long - hệ thống sông ngòi hoành tráng trổ ra chín cửa biển Tiểu, Đại, Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên, Cung Hầu, Trần Đề, Bắc Sắc, Định An. Đồng bằng ấy được nối dài với đồng bằng bán đảo Cà Mau chằng chịt sông rạch với hệ thống sông lớn như Gành Hào, Tam Giang, Năm Căn, Ông Đốc, Cái Đôi Vàm, Kiên Giang. Con người nhỏ bé trước thiên nhiên bao la chắc hẳn có nhiều cảm xúc.
Hãy hình dung rằng đồng bằng ấy ngày xưa mọc toàn năn lát, ô rô, cóc kèn và rừng trầm thủy gồm tràm, đước, sú, vẹt, mắm; dưới nước chỗ nào cũng có cá, tôm, lươn, ếch, rùa, rắn… Tổ phụ chúng ta ban ngày khẩn đất để làm ruộng lập làng; ban đêm về thắp ngọn đèn dầu hay mù u, đem những câu dân ca của quê nhà ra hát cho nhau nghe bên chén rượu tự nấu… Những câu dân ca ấy càng ngày càng thấm đẫm âm sắc phát âm của phương Nam, giai điệu, tiết tấu cũng có sự cải tiến cho hợp với tâm trạng và hoàn cảnh. Ngày qua ngày, những người giỏi âm nhạc của phương Nam, trong đó đi đầu là các nhạc sĩ xứ Bạc Liêu, chắt lọc những tinh túy của dân ca, tạo ra bài bản dân nhạc có quy chuẩn điệu thức, đặt lời mới cho các bài bản và ca cho nhau nghe, chủ yếu để giải khuây. Đó là bình minh của sự hình thành ĐCTT Nam Bộ. Điều này cũng có nghĩa, nền tảng của ĐCTT Nam Bộ là âm nhạc dân gian phương Nam, gốc từ âm nhạc dân gian miền Trung. Bạc Liêu là cái nôi cho nghệ thuật âm nhạc ĐCTT Nam Bộ hình thành và phát triển.
Thế kỷ thứ XIX, âm nhạc cung đình của triều Nguyễn phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên do những biến động của lịch sử, một vài nhạc sư cung đình (gọi là quan nhạc, để phân biệt với dân nhạc) đã rời miền Trung vào Nam Bộ hoạt động âm nhạc. Một trong những con người sáng giá nhất là nhạc sư Nguyễn Quang Đại (âm Nam Bộ gọi là Ba Đợi), sinh tại Thừa Thiên, quan nhạc triều Tự Đức, vào Gia Định sau biến cố Cần vương (của vua Hàm Nghi) tan rã năm 1885. Ông đem nhạc cung đình giảng dạy cho nhiều học trò trên đất Gia Định và những học trò ấy trở thành các nghệ nhân xuất sắc. Vào cuối đời, ông về xã Mỹ Lệ (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) tiếp tục dạy nhạc, sáng tác bài bản. Đó là những bài bản mới được sáng tác trên cơ sở thấm âm các giai điệu phương Nam, chính là bài bản ĐCTT Nam Bộ. Hiện nay, tại nơi thờ tự ông ở đình Vạn Phước huyện Cần Đước có ghi rõ “Phụng sự quá vãng Nguyễn Quang Đại nhứt vị chi linh/ Hoàng triều đại nhạc sư/ Nam Bộ đại nhạc tông”. Tạm dịch: “Nơi thờ linh vị của người đi đầu là ngài Nguyễn Quang Đại/ Nhạc sư lớn của cung đình/ Ông tổ lớn của âm nhạc Nam Bộ”.
Ngoài ra, phải kể đến nền dân ca dân nhạc của người bản địa ở phương Nam. Trước khi tổ phụ chúng ta đến phương Nam, đất miền Tây Nam Bộ đã có đông đảo cư dân gốc Việt, Khmer và người Hoa (Triều Châu, Quảng Đông) di dân lập nghiệp sau phong trào “Phản Thanh phục Minh” (chống nhà Thanh, khôi phục nhà Minh) tại Trung Quốc thất bại. Chính âm nhạc của cư dân Việt tại chỗ, cư dân Khmer và âm nhạc Quảng Đông cũng để lại vang bóng trong ĐCTT Nam Bộ trên con đường phát triển của thú chơi này như tôi sẽ phân tích ở bài sau. Đó là ba cơ sở lớn hình thành thú chơi văn hóa và tao nhã mà ngày nay chúng ta gọi là ĐCTT Nam Bộ.
----------------------
Kỳ 2: Càng đi càng mới
VŨ ĐỨC SAO BIỂN